Sổ hộ khẩu còn tồn tại đến bao giờ?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Cư trú chiều 24/5. Đại biểu Quốc hội, những đại biểu của dân, thay mặt dân để làm Luật mà đến nay, khi bàn về luật Cư trú, vẫn phải đặt câu hỏi như vậy…

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

 

Hỏi hộ khẩu còn tồn tại đến bao giờ nghĩa là tại sao vẫn cứ duy trì cái sổ hộ khẩu, dùng nó như một loại “giấy phép” bắt buộc phải có để tiến hành nhiều, rất nhiều giao dịch dân sự? Trong khi trên thế giới ngày nay không ai hiểu sổ hộ khẩu là gì. Nhật Bản đã bỏ hộ khẩu từ thời Minh Trị (1).

 

Những năm tháng đã qua của thế kỷ 20, hộ khẩu đối người dân miền Bắc XHCN là cái quan trọng sống còn. Không có hộ khẩu sẽ dẫn theo một loạt cái không: không  được cư trú, không cấp lương thực, thực phẩm…và nhiều nhiều cái không nữa. Như thế, ai cũng biết không có hộ khẩu thì chỉ có đường …chết.
 
Đa số dân chúng  lo có hộ khẩu ngay sau khi sinh hạ một đứa con, để ngoài bầu sữa mẹ còn có những thứ khác mà tồn tại. Ngược lại, phải cắt hộ khẩu ngay lập tức trước khi may mắn được đi học tập công tác ở nước ngoài để làm cơ sở cắt các loại  nhu yếu phẩm (tránh lãng phí?) Người chết, thì lại càng phải khẩn trương cắt hộ khẩu để các tiêu chuẩn được kịp thời “chuyển” sang thế giới bên kia.

 

Ngoài ý nghĩa hộ khẩu là gạo là rau là thịt là đậu phụ…thì hộ khẩu còn, với mục đích quan trọng hơn: quản lí công dân. Và, ai cũng hiểu việc quản này bắt đầu từ việc “nắm” từng dạ dày của công dân. Lơ tơ mơ là…cắt gạo. Hiệu quả hơn cả những chế tài khác.

 

Ngày nay, đã qua thập niên đầu của thế kỷ 21. Cả thế giới đã điện tử. Các quốc gia lân cận đã chính phủ điện tử. Họ quản lí công dân thế nào, ai chẳng biết. Thế mà, ta, tự xem là văn minh…vẫn cứ loay hoay hộ khẩu hay không hộ khẩu. Từ sau 1990 không còn sổ gạo, tem phiếu nữa, vậy mà hộ khẩu vẫn tiếp tục sứ mệnh…hành dân, gây không biết bao nhiêu phiền toái trong giao dịch dân sự. Trong khi chỉ cần một cái thẻ theo như đề xuất của Bộ trưởng Tư Pháp hồi năm ngoái, thế mà vẫn còn để…ngâm cứu.

 

Thật lạ, trong khi Hiến pháp ghi rõ công dân được quyền tự do cư trú thì cái sổ hộ khẩu vẫn cứ như vòng kim cô kìm hãm phát triển ở cả từ nghĩa hẹp nhất đến rộng nhất.

 

Đến bao giờ xóa bỏ sổ hộ khẩu? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ. Chẳng nhẽ, bao nhiêu năm tháng đã qua, bao nhiêu đổi thay như vũ bão trên tất cả mọi lĩnh vực mà “cái nước mình nó thế” vẫn là điệp khúc không bao giờ quên?
 
(1) Xem bài Khó phát triển vì sao? (Dân trí, 26/9/2012)

 

Đinh Việt Bình