Sẽ còn vang mãi hồi trống cuối!

Trưa 12/10, hàng nghìn người bao gồm học sinh các thế hệ của trường Lương Thế Vinh cùng phụ huynh và người dân đã có mặt tại Nam Trung Yên để chờ đợi giây phút nhà giáo Văn Như Cương trở về mái trường quen thuộc. Khi “Bài ca Lương Thế Vinh” vang lên, đó cũng là lúc tiếng trống trường nổi lên thay lời tiễn biệt một một nhân cách lớn của nền giáo dục Việt Nam.


Học sinh trường Lương Thế Vinh xếp hàng đưa tiễn thầy Văn Như Cương (Ảnh: Kim Sơn)

Học sinh trường Lương Thế Vinh xếp hàng đưa tiễn thầy Văn Như Cương (Ảnh: Kim Sơn)

Vậy là tâm nguyện của thầy Văn Như Cương đã được thực hiện. Đó là sự gắn bó đến tận cùng với những gì ông đã chọn, là phần thưởng vô giá với tình yêu thương của con trẻ, và cả một triết lý giáo dục đầy cá tính nhưng cũng rất đỗi nhân văn. Tất cả đều được thể hiện bằng kỷ luật và cả tình người. Không phải qua sách vở, cũng không thể tô hồng một cách giáo điều khi người ta nhìn thấy những ánh mắt đỏ hoe của học sinh trường Lương Thế Vinh hôm nay. Và những giọt nước mắt của các bậc phụ huynh đã nói lên tất cả. Họ không còn chỉ thấy những kết quả học tập qua những con số nữa. Trên hết, còn gì tự hào hơn khi thấy những đứa trẻ của mình đã trưởng thành khi biết cảm thông và tiếc nuối, biết kính trọng và xót xa. Dẫu có ai đó cho rằng người thầy ấy mang tính biểu tượng của một thời xưa cũ, và sự nghiêm khắc bất biến của ông cũng đã từng khiến một số người cảm thấy hoài nghi...

Thầy Văn Như Cương từng nói, nếu ông còn ở đây, dưới mái trường Lương Thế Vinh, sẽ không bao giờ có chuyện buông lỏng kỷ luật. Một học trò dù xuất sắc đến đâu đi nữa cũng không thể phù hợp với tư duy giáo dục của ông nếu không biết tôn trọng kỷ cương, tôn trọng thầy cô, tôn trọng bạn bè. Là người đi đầu trong việc mở trường dân lập, ông đồ xứ Nghệ vẫn luôn đề cao tầm quan trọng của “đạo làm người”. Chẳng có gì phức tạp hay vĩ mô cả, như ông từng nói: “Lười biếng thì các em không thể thành công, nhưng trước khi là người thành công, hãy là một người tử tế”.

Những người mà thầy Cương từng dạy dỗ với kỳ vọng trở thành “người tử tế", hôm nay đã đứng xếp hàng dài cả cây số trong trật tự, cố gắng kìm nén cảm xúc để hát vang bài ca quen thuộc khi đoàn xe đưa người thầy đáng kính trở về. Đó là hình ảnh sẽ rất khó quên với những người chứng kiến. Đó không chỉ là một thông điệp về cách “trồng người”, mà còn là tuyên ngôn của một đạo lý không thể mất: "Tiên học lễ, hậu học văn".


Giây phút học sinh và phụ huynh tiễn biệt thầy Văn Như Cương. Ảnh: Kim Sơn

Giây phút học sinh và phụ huynh tiễn biệt thầy Văn Như Cương. Ảnh: Kim Sơn

Khiêm tốn và giản dị, cương trực nhưng cũng không thiếu hài hước, người thầy giáo có bộ râu như một ông tiên ấy đã nhận được sự kính trọng của biết bao học trò, trở thành niềm cảm hứng của biết bao đồng nghiệp. Nếu như hàng vạn con hạc giấy của học trò đã khiến ông rơi lệ, thì giờ đây, có lẽ ông đã mỉm cười nơi chín suối khi chứng kiến đại diện các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh trong suốt mấy chục năm qua đều có mặt, nghẹn ngào tiễn ông lần cuối. Đó là phần thưởng không gì sánh bằng đối với một nhà giáo!

Sân trường lặng im nghe hồi trống cuối dành cho thầy Văn Như Cương. Khoảnh khắc này có lẽ sẽ còn mãi trong kí ức của các em học sinh Lương Thế Vinh. Sinh thời, thầy Văn Như Cương vẫn từng đánh trống khai giảng năm học mới tại ngôi trường này. Hôm nay, tiếng trống trường trở thành lời tri ân người sáng lập ngôi trường dân lập đầu tiên của nước nhà trong thời kỳ Đổi mới. Các học trò sẽ không thể quên hồi trống ấy, cũng như sẽ không quên người thầy đã từng luôn ở đó, luôn truyền lửa cho các em bằng tiếng trống khai trường!

Theo Hà Cường

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm