Sa thải HLV Falko Goetz - nước cờ “dí tốt”?
(Dân trí) - Phần đông bạn đọc Dân trí đều cho rằng, việc sa thải HLV người Đức Falko Goetz chỉ là một nước cờ trong ván bài giữ chân ông Trần Quốc Tuấn của VFF khi mà có chuyện xin từ chức nhưng có tới 100% phiếu phản đối.
VFF thực sự chưa trưởng thành!
Việc VFF lấy lý do HLV Falko Goetz kém năng lực không mang lại thành tích cho bóng đá Việt Nam kể từ khi dẫn dắt đã có nhiều ý kiến phản biện. Trong những ý kiến đó có không ít lý do cho thấy sự non nớt của VFF trong khâu tuyển chọn cũng như ký kết hợp đồng.
Nguyễn Đình Tuấn: dinhthien5692@yahoo.com chỉ rõ: “Việc sa thải HLV Falko Goetz thực tế là chưa đủ.Việc lãnh đạo VFF đã chọn ông Falko Goetz dẫn dắt đội tuyển mà không ràng buột các chỉ tiêu vào hợp đồng là 1 sai lầm, thể hiện sự yếu kém của mình. Việc chọn người tài và sử dụng người tài là công việc của VFF .Các vị phải có trách nhiệm về những gì mình đã chọn. Năng lực của ông Falko Goetz không phải là yếu kém , mà là chưa gặp được những nhà hoạch định, nhà quản lý thực tài.Việc sa thải ông Falko Goetz một lần nữa thể hiện sự yếu kém của VFF, vì sẽ phải mất một khoản tiền bồi thường lớn - mà tiền lấy từ ngân sách, của người dân đóng góp. Chúng ta nên mạnh dạn cơ cấu lại bộ máy VFF càng sớm càng tốt!”
Cơ hội để HLV Falko Goetz tiếp tục công việc không còn - Ảnh: Ngọc Cương
“Từ chức mà 100% không cho từ chức! Trong khi 100% đồng ý sa thải ông Goetz? có phải VFF đang chơi trò “1 giọt máu đào hơn ao nước lã” không? Ông Tuấn từ chức vì lí do gì thì chắc trong đơn của ông cũng đã ghi rõ. Và một khi ông Tuấn cảm thấy không đảm đương được công việc, quyết tâm từ chức thì cần gì phải họp biểu quyết. Mà cuộc họp ở đây là bàn về việc từ chức của ông Tuấn, cuối cùng kết quả lại là bàn về việc sa thải ông Goetz vậy là nước cờ gì?” - Tuấn Dũng: votuandung08@yahoo.com thất vọng đặt câu hỏi.
“Tôi thấy rằng cần phải xem xét lại toàn bộ VFF, cái bộ máy này hoạt động không hiệu quả, bóng đá VIệt Nam lúc lên lúc xuống và xuống là chủ yếu. Bao nhiêu đời huấn luyện viên mà cũng không vực dậy được đội tuyển Việt Nam. Như vậy chỉ có ba khả năng: VFF quản lý điều hành kém, huấn luyện viên không đủ khả năng, tố chất cầu thủ kém. Tất cả các nguyên nhân này chắc mọi người đều có kết luận giống tôi đó là VFF yếu kém. Cho nên việc cải tổ, sa thải phải bắt đầu từ VFF đừng theo kiểu “Bụt đẻ thì lành, sư sãi mà đẻ thì tanh cả chùa” - Nguyễn Đức Thái: ducthai_sd10@yahoo.com.vn nhận định ví von.
“Lý do thất bại mà đổ hết lên đầu huấn luyện viên thì không đúng 1 chút nào cả. Nếu ông Trần Quốc Tuấn có tài lãnh đạo thì bóng đá Việt Nam đã không rơi vào tình trạng: Giải đấu trong nước thì tiêu cực, giải đấu quốc tế thì thua ê chề. Những thất bại này có từ trước khi ông Falko Goetz về Việt Nam đấy chứ? Chẳng qua ông Falko Goetz cũng chỉ là con tốt thí mạng thôi... Le Phuong: buocngoatcuocdoi_dtb@yahoo.com thẳng thắn.
Thời gian 4 tháng là quá ít để một vũ sư có thể uốn nắn học trò thành vũ công chuyên nghiệp huống hồ đội tuyển U23 của ta vừa rồi có thực sự dám tự hào là đã cống hiến hết mình. Rất nhiều bạn đọc có chung quan điểm như Thuỷht: thuydaht@gmail.com nêu thực trạng: “Tôi không hiểu BCH VFF là những người như thế nào nữa, tôi thấy Seagames vừa rồi các cầu thủ đá như chán quá, có phải tội gánh chịu một mình huấn luyện viên đâu. Thử nhìn mấy cầu thủ đá trên sân mà chúng tôi quá nản. Tốt nhất hãy bắt đầu từ những cầu thủ đã, học trò gì mà chỉ muốn đánh bóng tên tuổi mình trong lúc đá thì thử hỏi thầy sẽ làm được cái gì... Thế mà những cầu thủ ấy lại được định giá hàng tỷ đồng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì tương lai không xa sẽ không còn ai xem đội tuyển Việt Nam đá nữa chứ không nói gì đến giải vô địch quốc gia. Câu hỏi này dành cho các nhà quản lý”
“LĐBĐ Việt Nam cứ như vậy, biết đến bao giờ đội tuyển mới tiến bộ được. Thật là khó hiểu với những quyết định của VFF. Nếu xét tổng thể thì lỗi lớn nhất thuộc về ai thì VFF cũng quá hiểu rồi chứ. Ông Goezt trong 4 tháng làm được như vậy đâu phải là hoàn toàn không hiểu quả. Cái gì cũng phải có thời gian, VFF làm như húp cháo nóng như vậy thì đến bao giờ tiến bộ được” - Nguyễn Quốc Hưng: Ty_traomaiveem_dn@yahoo.com chán nản.
Thất bại là hậu quả của một quá trình
Chuyện ông TTK Trần Quốc Tuấn muốn xin “cáo lão từ quan” cũng không được đã đành, nhưng việc lập lại điệp khúc: mọi sai sót đều là lỗi của HLV thì dư luận không thể không lên tiếng. Bởi ai cũng biết rằng từ trước khi vị HLV người Đức này được giao trọng trách lái con thuyền của ta là quá nhiều thất bại.
“Thất bại của tuyển Việt Nam là hậu quả của một quá trình tổ chức, quản lý cũng như chiến lược yếu kém của VFF. Với khả năng kỷ thuật yếu kém hiện nay của tuyển Việt Nam, đồng thời cơ hội lựa chọn cầu thủ cho ông Falko Goetz trong đội tuyển là không có, như vậy với thời gian ngắn ngủi như thế thì một HLV giỏi đến mấy cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. Quyết định trên đây của VFF là đang thấy rõ họ trốn tránh trách nhiệm, họ không quan tâm đến khán giả, đến nền bóng đá, họ chỉ quan tâm đến họ mà thôi. Mặc dầu VFF quyết định thế nào đi nữa thì với sự tôn trọng, vinh dự, niểm tin.... trong tôi không còn. Bóng đã Việt Nam lại tiếp tục một chặng đường đen tối” – Nick Bạn đọc: tuyenpvbv@yahoo.com.vn chán nản.
Trần Bảo Quang: Quangbao@yahoo.com ví bóng đá của ta như cái cây không gốc dù có bón nhiều đạm (HLV giỏi) cũng khó có thể thành công: “Tuổi trẻ VN có tố chất về bóng đá, khán giả VN rất mê bóng đá, chúng ta có nhiều nhà doanh nghiệp thành đạt sẵn sàng tài trợ cho bóng đá, ... nhưng bóng đá của ta hiện nay đang đi xuống, phải nói thẳng là do những người làm bóng đá. Quản lý kém thì sẽ tuyển chọn và sử dụng những người kém vào bộ máy từ HLV, trọng tài, cầu thủ, đến các quan chức liên quan khác, ... Người hâm mộ có thể chưa hiểu hết chuyên môn của các nhà làm bóng đá, nhưng thấy bóng đá đi xuống thì cái nguyên nhân chính vẫn là từ cái gốc. Chỉ có xử lý tận gốc mới có thể cứu được bóng đá VN. Còn những biện pháp khác như thay HLV, thay trọng tài, cầu thủ, ... cũng cần thiết nhưng chỉ là ngắt ngọn. Mà như là một cái cây, càng ngắt thì cây lại mọc càng nhiều ngọn hơn”
Ngoài ra trình độ cầu thủ của ta, thời gian tập luyện... cũng góp phần tạo nên thất bại chứ không thể đổ lỗi tất cả cho HLV như phần đông bạn đọc phân tích
“Qua bản tin thể thao sáng nay trên VTV1 & qua bài báo này tôi thấy Liền đoan bóng đá VN nên nhìn nhận lại để đưa ra quyết định đúng đắn sa thải hay không sa thải HVL. Chứ thất bại Seagame lần này theo tôi do chiến thuật là một phần nhỏ thôi, chủ yếu là trình độ của các cầu thủ ta còn non kém. Hơn nữa họ tập trung quá ngắn thời gian nên không thể hiểu nhau từng đường bóng phối hợp hơn nữa các CLB lâu nay đang thiên về cầu thủ ngoại nhiều nên các cầu thủ lứa tuổi này không có cơ hội trau dồi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thi đấu, chứ liên đoàn bóng đá VN mời ông HLV của ngoại hạng Anh về cũng không thể cải thiện. Lực bất tòng tâm mà. Hãy trao cơ hội cho HLV người Đức này thêm thời gian nữa mới đánh giá đúng thực lực của họ” - Nguyễn Thành Tâm: kimchihanquoc46@yahoo.com gợi ý.
“Bóng đá VN thua thì lại đổ lỗi HLV, Ngoại hay Nội gì cũng được vậy tại sao chúng ta không dùng tiêu chí “người Việt xài hàng Việt” sẽ giảm chi phí rất nhiều. Trong khi đó thuê 1 HLV ngoại tốn biết bao nhiêuu là tiền của. Cần xem lại năng lực của các cầu thủ, xem họ đá như thế nào kìa chứ đừng hễ thua thì HLV bị sa thải” - Đào Hải Hưng: daohaihung77@yahoo.com nhắn nhủ.
“Cuối cùng sau những thất bại .... trách nhiệm đều đổ lên đầu HLV ... Sau thất bại hình thức nhanh gọn nhất là sa thải... vậy không hiểu khi cân nhắc chọn HLV người Đức thì VFF suy nghĩ như thế nào? “Người có trình độ chuyên môn kém” nhưng vẫn được chọn để dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 . Nếu đã mạnh dạn sa thải HLV sau những thất bại thì VFF cũng nên mạnh dạn sa thải những người được tín nhiệm giao trách nhiệm “chọn mặt gửi vàng” . Đừng đổ lỗi ngay cho HLV là có chuyên môn kém .... Nếu TTK Trần Quốc Tuấn được trao thêm cơ hội tiếp tục đảm nhiệm thì tại sao HLV người Đức lại không? Thành công thì cũng cần phải có thời gian ... chứ không thể 1 sớm 1 chiều ... qua 1 vài giải đấu mà đánh giá mọi chuyện” - BDT: gamegame1981@yahoo.com rút ra kết luận.
.............
Trần Bách