Bạn đọc viết
Rốt cuộc, tại ông trời
(Dân trí) - Đó là một sự bất công vĩ đại, bởi trên thế gian này, không ở đâu “hằn học” với ông trời như người xứ mình.
Cái lí do muôn thuở ấy hóa ra vẫn đúng trong thời đại khoa học – công nghệ ngày nay.
Thuở xa xưa, khi trình độ nhận thức của con người còn thấp kém, trời đất là bí ẩn lớn nhất của thế giới tự nhiên - trở thành lực lượng thần bí trong con mắt nhân loại - có thể “hô mưa, gọi gió”… Con người trước vũ trụ mới bé nhỏ làm sao. Có lẽ đấy là nguồn gốc sâu xa làm nảy sinh cụm từ “Tại ông trời” nói trên. Từ khi nó xuất hiện, con người như trút được gánh nặng mỗi khi phải đối mặt với sự kém cỏi, bất lực của mình để rồi thốt lên: “Tại ông trời!”.
Những tưởng ở thời hiện đại, cụm từ ấy sẽ bớt xuất hiện trong cuộc sống bởi con người tuy chưa phải là thần thánh nhưng cũng đã có thể chế ngự được thiên nhiên, đào núi lấp biển không còn là chuyện hô khẩu hiệu nữa.
Vậy mà, người ta vẫn sính dùng cụm từ nói trên và dường như đã thành lệ – cái lệ đổ tội cho trời đất khi một sự cố nào đó xảy ra.
Mới đây nhất, giải thích cho thảm họa sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt trong hầm lò suốt 82 giờ đồng hồ, ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietracimex, đại diện chủ đầu tư nói: “Sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời Lâm Đồng lại mưa kéo dài cả tháng. Khi nước ngấm vào nền đất cát và tụt xuống hầm”. Thế là đã rõ, thảm họa khủng khiếp ấy, làm đau tim hàng triệu người dân trong suốt hơn 80 tiếng đồng hồ, không ai khác ngoài… ông trời (!!!).
Nhưng ngẫm cho kĩ thì lời giải thích của ông Võ Nhật Thăng lại hàm một ý khác, có thể ông không lường trước điều này. Ai cũng biết một công trình như thế, chi phí cho khảo sát, thăm dò địa chất, phải hàng tỉ tỉ đồng. Biết nền đất yếu, biết “trời Lâm Đồng mưa kéo dài” sao không có giải pháp kĩ thuật tối ưu để khắc phục? Hay là các vị bỏ qua khâu quan trọng này? Cứ đào hầm như thợ đào vàng chui? Hóa ra lời giải thích của ông Thăng như con dao hai lưỡi. Tưởng rằng đổ tội cho nền đất yếu, cho ông trời là né được trách nhiệm, ai dè…
Hồi tháng 9-2014, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài nhất Việt Nam vừa khánh thành đã lún nứt. Giải thích sự cố này, theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - Bộ Giao thông vận tải, là do nền đất yếu lại phải gánh chịu hai cơn bão liên tiếp với lượng mưa lớn. Tóm lại vẫn là tại… ông trời.
Ngày 19/8/2012, đường Lê Văn Lương - con đường huyết mạch của thủ đô bỗng dưng bị sụt lún gãy làm đôi, lòng đường toang hoác. Lỗi được các cơ quan chức năng xác định: tại trời mưa to!
Tháng 5-2012, mặt cầu Thăng Long “bỏng rộp” hư hỏng, người ta cũng chỉ đích danh thủ phạm: ông trời. Bởi ông gây nắng mưa thất thường khiến bê tông trên bản thép khi thì nở ra, khi thì co lại, mặt cầu không hư hỏng mới là chuyện lạ?
Năm 2007, nhiều dự án công trình giao thông ở Cà Mau “hành” dân do xây dựng dở dang, tiến độ thi công “rùa” cũng được người ta giải thích là tại… ông trời! Ổng đã không chịu mưa khiến kênh rạch khô cạn, làm cho việc vận chuyển vật liệu khó khăn (!)
Vân vân và vân vân…
Các công trình hỏng cứ hỏng, lỗi đã có… ông trời hứng chịu dù ông có chạy… đằng trời!
Đó là một sự bất công vĩ đại, bởi trên thế gian này, không ở đâu “hằn học” với ông trời như người xứ mình.
Nguyễn Duy Xuân