Ý kiến chuyên gia
Quyền được chết - an tử và trợ tử
(Dân trí) - Ở nước ta đưa an tử và trợ tử vào luật có thể là còn hơi sớm.
Quyền được chết là vấn đề thời sự từ hai tuần nay. Bà Bộ trưởng Y tế đề nghị đưa quyền này vào Dân luật. Dư luận tiếp đón đề nghị này với nhiều ý kiến khác nhau. Xin mạn phép tham dự vào cuộc bàn luận với vài vốn liếng ngành xã hội học về y khoa và luật học.
An tử – có thể định nghĩa là được chết một cách thoải mái, ra đi để không phải đau đớn khổ sở. An tử là một quyền nhưng quyền này cần được giải thích và áp dụng một cách sáng suốt để không bị lạm dụng, để không biến thành việc thiếu săn sóc người đang ở trong tình thế nguy ngập.
Trợ tử – là giúp người bệnh mà ta không còn cách nào cứu chữa để ông hay bà ấy thanh thản ra đi, không kéo dài những đau đớn vô ích. Ở đây cũng cần áp dụng một cách hoàn chỉnh để trợ tử không thành ...giết người hợp pháp.
An tử là một vấn đề nổi cộm nửa thế kỷ trước ở trời Tây, lúc mà Y khoa chưa tiến bộ như bây giờ, lúc mà bác sĩ chưa biết nhiều về những phương thức chăm sóc giảm đau (soins palliatifs trái nghĩa với soins curatifs chăm sóc để chữa trị cho lành bệnh).
Những người theo khuynh hướng an tử lúc đó lý luận rằng khi Y khoa đã bất lực trước một tình trạng bệnh lý nào đó thì kéo dài cuộc sống thành kéo dài đau đớn cho người bệnh và kéo dài những khó khăn khổ sở cho gia đình người bệnh. Hơn nữa, những phương thức kéo dài sự sống mà không hi vọng lành bệnh còn là một gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và cho xã hội.
Thế nhưng, nhiều người chống đối khuynh hướng này.
Vì lúc đó, cách đây năm mươi năm, dân tình nhiều người còn theo đạo Thiên chúa, tức là họ tin rằng sự sống và cái chết của ta chỉ thuộc quyền lực của đấng tối cao. Ta chỉ phải tuân thủ và không được quyết định.
Bên cạnh đó, bác sĩ, những người theo lời thề Hyppocrate, có bổn phận phải tranh đấu cho sự sống, “còn nước thì còn tát” dù hi vọng có mõng manh đến đâu đi nữa. Cái chết, đối với người mặc áo blouse trắng là một thất bại, thất bại của sự sống, thất bại của y khoa, thất bại của chính mình. Dân y khoa không đầu hàng trước cái chết vì sự sống, dù có đau có khổ, trong bậc thang giá trị, vẫn cao hơn cái chết.
Hơn nữa, với tiến bộ của khoa học, bệnh mà y khoa hôm nay không cứu chữa được có thể thành cứu chữa được ngày mai.
Thí dụ kinh điển, trong những năm 1940 là thí dụ của một bác sĩ giúp con mình, bị bệnh uốn ván, chết một cách nhẹ nhàng, khi chôn con xong, ông ấy nghe đài báo là một serum trị bệnh uốn ván mới vừa được phát minh.
Y khoa lại không phải là môn toán hay vật lý. Y khoa chỉ là những nghệ thuật và phương thức chữa trị và nhiều khi kết quả thật bất ngờ – cái kiểu như có phép mầu nào đó, người bệnh thoát cơn hiểm nghèo.
Người sắp chết có quyền lựa chọn. Sống mà đau đớn, sống mà không có giá trị hay không có ý nghĩa thì chết còn hơn. Người bệnh, ở Bỉ chẳng hạn, có quyền ký giấy, lúc còn minh mẫn, rằng ông hay bà ấy chọn được quyền chết khi phải bệnh mà không còn một hi vọng nào trị được. Bỉ có luật cho phép người bệnh được an tử từ 2002, nhưng luật này được áp dụng với những điều kiện nghiêm ngặt.
Không thể để cho bất cứ người bệnh nào chết dù họ có “đòi chết”
Vì hiện thời, những phương thức chữa giảm đau thành phổ cập: hơn 80% đau đớn có thể kiểm soát được. Người bệnh, khi được trị đau, sẽ không bị trầm cảm và kiên nhẫn chờ kết quả các phương thức chữa trị bệnh.
Chính vì thế ta phải thận trọng trước những bệnh nhân đòi quyền được chết. Có thể bệnh nhân đòi chết vì không được thông tin đầy đủ. Bị áp lực của đau đớn có thể họ đuối sức nên ... chọn cái chết chứ thật tâm họ chưa hay không muốn chết.
Đồng thời giới Y khoa phải biết chắc chắn rằng bệnh của ông hay bà đó là vô phương cứu chữa. Nhưng thế nào là vô phương cứu chữa ? Cái “án lệnh” vô phương cứu chữa là một án lệnh rất khó “phê”. Các bác sĩ ở trời Âu, với luật an tử có bổn phận phải tham hỏi ý kiến một hội đồng y khoa gồm ba bác sĩ độc lập với bệnh nhân, trước khi “ký” án này.
Vấn đề trợ tử còn phức tạp hơn nữa. Giúp ai đó chết. Lạm dụng, cho trợ tử có thể thành cho phép giết người một cách hợp pháp. Trợ tử cũng có thể là một phương thức cho người ngoài quyết định về cái chết và sự sống của người khác.
. một em bé sinh ra với dị tật. Cha mẹ hay bác sĩ có quyền “giúp” bé chết hay không ?
. một cha mẹ già khó săn sóc cho gia đình neo người. Với lý do là trợ tử, con cháu sẽ quyết định đó hay sao ?
. Một bác sĩ bất tài hay vì một sai lầm trong chẩn đoán bệnh, với quyền trự tử, có thể xóa hết dấu vết của sai lầm của chính bản thân.
An tử thì còn có thể bảo vệ được. Nhưng đưa an tử vào luật thì phải rào trước đón sau và ấn định những điều kiện khắc khe khi áp dụng vào thực tế.
Còn trợ tử mà đưa vào luật thì không khác nào cho quyền giết người cho một số trường hợp hay cho một số hạng người.
Ở nước ta chưa có luật về quyền của người bệnh, nhất là quyền được thông tin đầy đủ. Ta chưa có hệ thống chữa giảm đau, nhất là cho các bệnh nhân ở cuối đời, ... đưa an tử và trợ tử vào luật có thể là còn hơi sớm.
Nguyễn Huỳnh Mai