Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi): Vẫn còn nhiều băn khoăn

Ngày 20.11, với 90,06% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, có nhiều điểm mới đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Điển hình Quốc hội thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho NLĐ. Song, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ một số băn khoăn.

Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi): Vẫn còn nhiều băn khoăn - 1

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 20.11. Ảnh: QH

Về tuổi nghỉ hưu

Trao đổi với Lao Động, nhiều đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội ghi nhận những ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, họ vẫn bày tỏ những băn khoăn khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) chưa đáp ứng hết nguyện vọng, mong muốn của họ để bảo vệ được quyền và nghĩa vụ của NLĐ.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi): Vẫn còn nhiều băn khoăn - 2
Tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ là đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Ảnh: H.A

NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, theo lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và tăng 4 tháng đối với nữ, như vậy, đến năm 2028 mới có người đàn ông đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62. Đến năm 2035 mới có người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.

Thêm 1 ngày nghỉ trong năm cho người lao động

Về việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) thêm 1 ngày nghỉ trong năm cho NLĐ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ hết sức cầu thị, lấy ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh. Còn việc chọn nghỉ trước hay sau Quốc khánh 2.9, trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể. Ví dụ, nếu ngày Quốc khánh (2.9) trùng vào thứ bảy, chúng ta sẽ cho nghỉ sớm (1.9). Nếu trùng vào ngày chủ nhật, chúng ta sẽ nghỉ vào ngày tiếp theo (3.9). Mục đích là sẽ tạo điều kiện để người lao động được nghỉ liên tục 2 ngày hoặc 3 ngày, có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình.

N

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.Hồ Chí Minh): Còn nhiều áy náy với NLĐ

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua mang đến nhiều lợi ích cho NLĐ, cũng như người sử dụng lao động, giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Song cũng có những điều tôi muốn luật phải sửa đổi làm sao ngày càng tiệm cận, đảm bảo sự công bằng của mọi NLĐ trong xã hội.

Hiện nay, cán bộ, công chức làm 40 giờ/tuần, còn nhiều NLĐ làm việc 48 giờ/tuần. Trong một xã hội công bằng, một xã hội như của chúng ta thì phải tiếp cận, đảm bảo được sự công bằng của mọi NLĐ. Dĩ nhiên là cần lộ trình để thực hiện, có điều tôi thấy không vui khi lần này thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, đặt vấn đề chưa kéo giảm giờ làm việc bình thường của NLĐ vì chưa được đánh giá tác động. Làm luật mà chưa đánh giá tác động thì không thể đặt vấn đề đó được. Cho nên lần này khi bấm nút thông qua, tôi cũng thấy rất áy náy với NLĐ.

Đây là điều cần rút kinh nghiệm trong công tác làm luật. Những vấn đề bức xúc của xã hội, vấn đề thực tiễn đặt ra thì phải nghiên cứu tác động một cách toàn diện trước khi trình dự thảo luật lên Quốc hội. Thực sự, tôi thấy rất đáng tiếc.

ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Bộ luật chi phối động lực phát triển xã hội

Sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động có vị trí quan trọng nhất bởi chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, trung tâm là NLĐ. Bộ luật này được Quốc hội thông qua đang ở mức đáp ứng yêu cầu mang tính lý tưởng xã hội “là làm sao hướng tới giảm giờ làm, giảm cường độ lao động cho NLĐ trong khi năng suất lao động thấp, thu nhập bị phụ thuộc”. Trong thời gian rất ngắn nữa, những sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh với thị trường lao động thế giới đang đòi hỏi chúng ta cần kịp thời chuẩn bị ngay từ bây giờ, nếu không sẽ đi đến vấn đề về một cuộc khủng hoảng lao động rất lớn.

QBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội: Tạo sự cơ động cho Chính phủ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy mong muốn giảm giờ làm, nâng lương, tăng thu nhập là xu thế của các nước. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá rằng, đất nước dù tăng trưởng nhưng năng suất lao động còn thấp, tăng trưởng chưa ổn định. Vì vậy, giảm lúc nào, cách thức như thế nào, Chính phủ hoàn toàn quyết định. Đây là tạo sự cơ động cho Chính phủ. Quan trọng là giữ được tốc độ tăng trưởng của đất nước, giữ được nền kinh tế phát triển.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Tăng thêm ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh là sáng suốt.

Về nội dung điều chỉnh giờ làm việc bình thường, đây là vấn đề lớn, tác động sâu rộng đến tất cả chủ thể, các đối tượng như NLĐ, chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp. Do đó, chúng ta phải có đánh giá toàn diện về vấn đề này. Ngay sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ xem xét đánh giá dựa trên từng giai đoạn cụ thể để trình với Quốc hội xem xét. Có thể 1 năm, 2 năm, nếu có điều kiện cho phép thì chúng ta có thể thực hiện điều này sớm hơn.

Theo Cao Nguyên - Đặng Chung

Báo Lao động