Quét cầu thang

(Dân trí) - Nhà báo Hữu Thọ nổi tiếng với hàng ngàn tác phẩm báo chí xuất sắc và hàng chục cuốn sách, phản ánh chân thực cuộc sống, thẳng thắn phản ánh những tiêu cực của xã hội với mục đích cảnh tỉnh, điều chỉnh, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

83 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, Nhà báo Hữu Thọ đã nhẹ bước về cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt một nhà báo tài năng, sắc sảo, chúng tôi xin trích đăng, gửi tới bạn đọc 4 bài báo trong cuốn– cuốn sách cuối cùng của Ông, vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành tháng 6/2015.

Quét cầu thang

Theo tục lệ thì mồng một Tết không ai quét nhà. Cũng có nhà kiêng cả ba ngày Tết, nhưng từ mồng hai đã có thể quét nhà, và nhiều người muốn quét nhà sớm cho sạch rác.

Ngày đầu năm hay nghĩ xa, nghĩ rộng. Cầm chổi quét nhà lại nghĩ đến chuyện quét nhà của anh Nguyễn Chí Thanh, cho nên vừa quét nhà vừa cười thầm trong bụng.

Ai cũng biết cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là người rất tích cực theo gương Bác Hồ chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng anh lại có lối nói dí dỏm, dân dã cho nên dễ nghe, dễ nhớ và thấm thía tới ruột gan.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh và ngày mở đầu năm 2014, cũng nhân dịp triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng Đảng, tôi đọc sách của anh, đặc biệt nhớ lại cuộc nói chuyện của anh ở Vĩnh Yên mà tôi được dự. Anh nói chuyện chống tham nhũng, chống lãng phí phải như chuyện quét cầu thang.

Anh nói mà mọi người hiểu ngay, khi quét cầu thang thì không ai quét từ dưới lên mà phải quét từ trên xuống, bắt đầu từ bậc cầu thang cao nhất cho tới chân cầu thang, quét bậc nào cho sạch bậc đó. Chống tham nhũng, lãng phí – bọn giặc nội xâm thì cũng phải như quét cầu thang.

Anh nói chuyện quét cầu thang mà nói một triết lý, một phương pháp.

Chắc có nhiều người cũng nghĩ đến điều đó, nhưng không thể nói được cách ví von sâu sắc như anh. Thưa anh, quét hay lau cầu thang vốn đã mệt, mà quét cầu thang như thế đúng là sạch, song phải leo lên leo xuống mệt lắm. Nhưng dù sao chịu mệt mà sạch thì còn hơn là quét dở dang, quét rồi mà rác vẫn còn nguyên.

Xin phục anh.

Khai bút xuân Giáp Ngọ 2014

Tạp chí Tuyên giáo, 4-2014

Không giết nó thì nó sẽ giết mình

Sắp tới giờ ghi phiếu, cuộc vận động rất tấp nập. Họ đều biết nhau cả. Cũng không tranh luận nhưng rầm rì đủ nghe. Đủ cả lý lẽ để bàn chuyện bỏ cho người này, gạch tên người kia. Trao đổi ý kiến về nhân sự cũng là chuyện bình thường. Nhưng bỗng có tiếng nói “phải giết”.

Sao lại giết, mà giết ai?

Họ nói “giết” là nói gạch tên trong phiếu bầu nhưng với thái độ quyết liệt. Cho nên phải tìm hiểu xem họ định giết ai. Cũng không nghe rõ tên, chỉ thấy họ xì xào “ không giết nó thì nó sẽ giết mình”.

Nghe thế và nhìn mặt những người xúm nhau xì xào bán tán thì cũng có thể phán đoán được phần nào nhưng cũng phải chờ.

Quả nhiên anh ta không trúng cử. Anh ta là người có thành tích và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực nhưng lại “hay tuyên bố”. Ngay khi nghe anh ta tuyên bố hùng hồn đấu tranh chỗ này chỗ kia, cũng là nói thật lòng sự bức xúc của anh và dân chúng. Cũng biết rõ tâm trạng của anh muốn nhanh nhanh xử lý các việc và hiện tượng tiêu cực nhưng sao cứ phải bô bô cái mồm tuyên bố theo kiểu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Lộ bài thế là rất nguy.

Bây giờ thì rõ rồi. Một số người có “dính” chuyện này, chuyện khác cho rằng anh lên nắm quyền thì họ sẽ bị sờ gáy do đó phải ngăn chặn từ xa. Cho nên rủ nhau “giết”, xoá tên anh.

Thì ra họ bàn nhau “giết” những người hăng hái đấu tranh chống tiêu cực vì “không giết nó thì nó giết mình”.

- Nhưng vì sao họ lại có thể chiếm đa số?

- Cũng không phải họ đông, nhưng cộng với những người không muốn bầu cho anh vì những lý do khác nhau cho nên thành đa số!

22/12/2013

Bằng cấp và năng lực làm việc

- Ông ơi ! ở ta sao nhiều tiến sĩ thế?

- Nhiều gì mà nhiều, còn thiếu nhiều ấy chứ, cho nên mới phải có chương trình đào tạo cấp tốc hàng vạn tiến sĩ. Nhiều trường đại học vẫn phải “cơm chấm cơm”. Giáo viên, cử nhân vẫn phải “dạy” cử nhân đấy thôi!

- Có vị nói ở ta viên chức có bằng tiến sĩ nhiều gấp mấy trăm lần viên chức Nhật Bản?

- Nghĩa là nơi dạy học thì thiếu tiến sĩ đứng lớp còn ở cơ quan thì thừa tiến sĩ ngồi bàn giấy cho oai.

- Ngồi bàn giấy mà có trình độ học vấn cao cũng tốt chứ sao!

- Điều quan trọng là hoạt động hành chính ở nước mà ít viên chức có bằng tiến sĩ lại có hiệu quả hơn rất nhiều, thế mới là vấn đề đáng bàn.

- Ta không nói tới những tiến sĩ “rởm”, nhưng có bằng cấp cao với làm việc có hiệu quả là hai việc khác nhau. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm có bài báo nhắc lại câu hỏi của vua Quang Trung ra Bắc Hà khi có người giới thiệu với vua một người đã đỗ thám hoa (là loại tiến sĩ bậc ưu thời trước) thì nhà vua hỏi “Thám hoa có làm việc bằng chánh tổng không"?. Hỏi thế không phải nhà vua không coi trọng trí thức vì chính nhà vua cũng mấy lần cầu ẩn sĩ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Nhà vua hỏi thế là muốn nói tới năng lực điều hành của viên chức chứ không phải chỉ qua tấm bằng cấp mà lúc này nhà vua lại đang cần người điều hành giỏi.

- Đúng là hai việc khác nhau. Cũng là bài học cho các vị có trách nhiệm đánh giá và bố trí cán bộ thời nay.

14/4/2013

Vặt vãnh

Ai cũng biết chuyện đó nhưng bây giờ đã có người nói ra. Người biết mà biết rất rõ, rất cụ thể chính là các doanh nhân khi phải lót tay, vi thiềng. Nhưng xem ra họ chỉ ấm ức trong lòng, hoặc có bạo mồm nói trong các cuộc góp ý cải cách hành chính thì cũng chỉ dám nói chung chung, nếu nói rõ ra có khi lại tai bay vạ gió, bởi để cho cán bộ thuế ”để ý” thì lại “khốn khổ đủ đường”. Cho đến khi ông Bộ trưởng Tài chính nói “cán bộ thuế toàn ăn vặt” thì họ - giới doanh nhân, doanh nghiệp - hả dạ mà cán bộ thuế xem ra cũng im re vì người nhận xét là thủ trưởng của cơ quan cấp trên, nhưng quan trọng là ông ấy bấm đúng huyệt.

Nghe thì hả dạ, thấy Bộ trưởng sát thực tế, dám nói sự thật tiêu cực của một bộ phận trong ngành mình, nhưng rồi lại thấy hình như vị đó vẫn chưa nói đủ sự thật. Tài chính có nhiều bộ phận nhưng ông ấy mới nói chuyện thuế mà chưa động tới các chuyện khác cũng đang có nhiều ý kiến. Ngay chuyện thuế thì đâu chỉ có chuyện “ăn vặt”. Theo từ điển tiếng Việt thì “vặt” là nhỏ nhặt, không quan trọng, nhưng ông nói “toàn ăn vặt” thì đâu chỉ có “toàn”. Vài trăm triệu đồng lót tay là món tiền lớn, chứ đâu có phải chuyện vặt, chuyện nhỏ mọn!

Vẫn chuyện “ăn vặt”, ông cha ta nói “ăn vặt quen miệng”, nghĩa là “ăn vặt” trở thành thói quen, coi như chuyện bình thường không quan trọng, nhưng nó trở thành nhân cách của một số không ít người, trở thành tiếng xấu của hàng vạn người trong ngành, động tới uy tín, sự tin cậy của một ngành thì không chỉ là chuyện vặt vãnh!

Rồi chúng ta thường có thói quen nói văn vẻ, chứ thực ra chuyện vòi vĩnh, đòi tiền không hợp pháp, thực chất là hành vi chiếm đoạt, là tệ ăn cắp. Ăn cắp của công hay ăn cắp của tư thì cũng là ăn cắp.

“Ăn vặt quen miệng”, “ăn cắp quen tay”... đều là những bệnh khó sửa nếu không kiên quyết ngăn chặn. “Quen miệng” đâu chỉ ăn vặt; “quen tay” đâu chỉ ăn cắp vặt! Nhưng điều quan trọng, to lớn hơn là nó làm hư hỏng cả một bộ máy, cả một xã hội khi người nhận tiền hối lộ “quen tay” nhận, thì người đưa tiền hối lộ buộc phải “quen tay” đưa, do đó đâu có phải là chuyện vặt vãnh, vì đã thành tệ nạn.

16-11-2014.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm