Quản lý phòng khám kiểu “thả gà ra đuổi”

(Dân trí) - Maria chưa qua đã lại tới Huê Hạ. Những cái tên nghe khá kêu, nhưng “con mồi”nào dại dột sa chân vào đó nhẹ thì bỏ của chạy được người, nặng thì "tật mang" hoặc nguy hiểm tới tính mạng. “Vụ Huê Hạ” càng làm tràn ly nước dư luận đã ở quá độ sôi...

Phòng khám Huê Hạ vội vàng đóng cửa... (ảnh: Vân Sơn)
Phòng khám Huê Hạ vội vàng đóng cửa... (ảnh: Vân Sơn)

 

Thừa quy chế, thiếu quy phạm?

 

Suốt một thời gian dài vừa qua, các phòng khám (PK) tư nhân bao gồm cả PK TQ mọc ra  khá nhiều không chỉ tại 2 thành phố lớn là HN và TPHCM, mà còn ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tiếp đó là những chiến dịch quảng cáo rầm rộ (chắc chắn là ngốn nhiều núi tiền chứ chẳng chơi), khiến nhiều người dân nhất là ở các vùng nông thôn do bị nghe cứ như “rót mật vào tai” mà… sa bẫy.

 

Thực tế sau đó cho thấy với các PK quảng cáo trên trời như vậy thì thường là “sờ đâu đều thấy sai phạm đó”, nhưng do chỉ bị phạt cho tồn tại nên mới có chuyện vẫn “ngang nhiên chữa bệnh suýt gây chết người dù đã bị rút giấy phép” như Huê Hạ ở TPHCM.

 

Trách người thì dễ, nhưng đúng như một số bạn đọc đã vạch rõ: không có chính những người VN ta dung túng, tiếp tay, thì sao người nước ngoài vào VN tự tung tự tác như thế được. Để rồi bây giờ chính chúng ta tự đẩy mình vào thế “thả gà ra đuổi” một cách thật trớ trêu.

 

“Đúng là vẫn "mất bò mới lo làm chuồng"..... Chúng ta cần phải rà soát lại văn bản xem hổng ở đâu để tiến hành sửa đổi nhằm siết chặt hơn, cứng rắn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn đối với những PK tư nhân ở Việt Nam. Xã hội đang lên án gay gắt vấn đề y đức đã tồn tại từ rất lâu trong các bệnh viện công, làm mất lòng tin của nhân dân, nhất là khi các bệnh nhân đều chỉ có thể giao phó mạng sống của mình cho bác sĩ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát BV và PK tư nhân. Mà về công tác quản lý các BV và PK tư này, theo tôi, ngành Y tế không nên để tái diễn tình trạng "thả gà ra đuổi" như hiện nay” - Natec:  phuong_natec@yahoo.com

 

“Chuyện lạ là ở đây phòng khám TQ mọc lên như nấm sau mưa, cơ chế quản lý thì lỏng. Ví dụ như PK Huê Hạ xảy ra những trường hợp như thế mà chỉ tước giấy phép có 9 tháng? Trong khi theo tôi nghĩ, nên phạt nặng về hành chính, tước giấy phép lâu hơn. Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc. Đồng thời cũng cần xem xét kỹ lại quy định về các thông tin quảng cáo, đặc biệt là với truyền hình...  Yêu cầu các cơ quan ban ngành hữu quan vào cuộc thật sự, nhằm lấy lại lòng tin cho nhân dân” - Nguyễn Thái Thảo:  thao0459@gmail.com

 

“Bây giờ không riêng gì y tế, mà hầu như trong mọi lĩnh vực đều có tình trạng: bất cứ khi nào xảy ra scandal, các cơ quan chức năng lại bắt đầu "vào cuộc" và đương nhiên là phát hiện sai phạm mười mươi!!!! Vậy tại sao không tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khâu thẩm định cấp giấy phép hoạt động, mà cứ chờ đến lúc đồng bào ta tiền mất tật mang (thậm chí là mạng cũng mất) rồi mới truy cứu trách nhiệm? Các vị được trả lương để đảm bảo những vấn đề này cơ mà?” - Bạch Quốc Dương: bachduongitb@gmail.com

 

“Công tác quản lý có vấn đề. Tôi thấy hình như chỉ xây dựng quy trình mà không xây dựng quy phạm, nên không phát hiện được sai trái mà chỉ phạt tiền.... Nếu việc rút giấy phép được thông báo công khai, buộc PK phải trưng bảng to thông báo ở trước cửa về việc này thì lừa ai được nữa? Đâu cần các vị phải đến “nằm vùng” ở PK mới cấm họ được. Theo tôi thì thực tế là các vị chỉ cần quản lý mấy cái bảng thông báo cấm chữa bệnh là xong. Điều này nếu Sở Y tế mà không làm được thì… để người dân địa phương họ cũng quản lý được mà. Tôi nghĩ ở đây chỉ có thể nói là lòng tham mới biến hóa được mọi chuyện ra như vậy thôi”- Minh433:  minh433@yahoo.com.vn

 

“Thật là bức xúc! Theo tôi, cơ quan quản lý là nơi phải chịu trách nhiệm trước nhất. Thấy PK nào không đủ khả năng quản lý thì không cấp phép hoạt động. Còn khi PK đủ khả năng hoạt động thì vẫn phải kiểm tra và phải có người chịu trách nhiệm chính. Phân công 1 người phụ trách mấy PK cụ thể, thường xuyên báo cáo hoạt động và đánh giá khách quan, phòng khám nào không tốt quy trách nhiệm cho người quản lý.

 

Thứ 2 là về vấn đề quảng cáo. Có thể nói quảng cáo ở nước ta còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, thông tin vẫn đưa dù sai lệch khiến người dân không biết đâu mà lần. Truyền hình lại còn khuyên: "Hãy là người tiêu dùng thông thái!" Thử hỏi trong các bạn ai đủ khả năng đó?... Theo tôi, vấn đề này cũng cần có quy định luật chặt chẽ, phạt nặng nếu đưa thông tin sai dẫn tới hậu quả nghiêm trọng… Nhưng mà hầu như đâu đâu và vụ việc nào cũng chỉ toàn thấy: xử lý hành chính, rút kinh nghiệm...???” - DHau1710:  duchau1710@gmail.com

 

“Tôi thấy 1 điều quan trọng nữa là cần có quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động quảng cáo. Các bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ngại đến bệnh viện vì sợ bị gây khó khăn, lại nghe được quảng cáo quá hấp dẫn nên dễ bị lừa. Tôi đề nghị không cho quảng cáo nếu không có căn cứ xác thực. Ví dụ: giấp tờ, máy móc, bác sĩ, với những điều kiện như thế nào thì được chữa những bệnh như thế nào. Thắt chặt quy chế mở PK tư… Mà suy cho cùng cũng do tâm lý người dân ta thường hay sợ bệnh viện gây khó khăn, thủ tục rườm rà, ở xa không quen không biết… nên ngại đi đến bệnh viện, thành ra mới bị họa như thế….” - Hoa:  moitruonga52@gmail.com
 
Vợ chồng ông Ái kêu trời khi biết mình bị sập bẫy PK Huê Hạ (ảnh: Vân Sơn)
Vợ chồng ông Ái kêu trời khi biết mình bị "sập bẫy" PK Huê Hạ (ảnh: Vân Sơn)

 

Bằng cho thuê, tên cũng cho thuê

 

Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” như tố cáo của nhiều người dân với các PK giả hiệu rõ ràng không thể tồn tại được nếu không có những người cho thuê bằng, thuê tên…Vụ việc mới nhất vừa xảy ra ở PK Maria với cái tên được đẩy lên hàng đầu là bác sĩ Đỗ Y Na càng như lửa đổ thêm dầu, khiến dư luận càng tranh luận nhiều hơn về tình trạng này. 

 

Một trong số những phản hồi được gửi tới Dân trí có lẽ là của chính bác sĩ Y Na viết rất ngắn: “Cảm ơn những bình luận của các bạn. Nhìn về hiện tượng thì các bạn nói không sai. Tôi đang rất đau lòng” - Toi Do Y Na:  yna281148@com.vn
 
Bác sĩ Đỗ Y Na (ảnh: H.H)
Bác sĩ Đỗ Y Na (ảnh: H.H)

 

Còn từ các bạn đọc, sự cảm thông tuy cũng có phần nào, nhưng phần lớn hơn rất nhiều là những lời phê phán, chê trách và thậm chí đề xuất quy trách nhiệm thật nặng. Quả là giờ đây không chỉ đáng lo ngại với vấn nạn bằng giả hoặc “tiến sĩ, thạc sĩ… giấy” nữa, mà cũng cần phải gióng chuông báo động nhiều hồi về tình trạng tới tấm bằng và cái tên của mình mà cũng có người… đem cho thuê nốt!!!

 

Một số người ít nhiều có biết bác sĩ Y Na tỏ ra có phần cảm thông với tính cách của bà cùng những sự phức tạp, nhiêu khê của các khâu làm thủ tục hành chính (vẫn “hành là chính” ở nước ta, như nhiều người “tố khổ”).

 

“… Tôi không phải là đồng nghiệp, nhân viên của cô Na, cũng không phải người nhà của cô Na. Tuy nhiên tôi có biết chút ít về cô. Qua bài "Trưởng phòng khám Maria: Tôi đã không kiên quyết" tôi cho là những tâm sự, chia sẻ của cô Na có thể tin được bởi tính cô giải quyết công việc hay cả nể, không dứt khoát. Nhưng âu cũng là bài học rút ra cho mình, cô ạ” - Thành Nam:  nguyenhong@gmail.com

 

“Bác Y Na đã từng công tác với mẹ tôi. Tôi biết bà là một người trung thực, nhưng có lẽ sự không dứt khoát đã khiến bà vướng vào vấn đề khó khăn này?” - Lâm:  cu_ca_rot101@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ có lẽ mọi người chưa hiểu rõ… BS Na chỉ là người mà Hội đồng Quản trị đứng ra thuê. Trong khi thủ tục mở một PK cực kỳ nhiêu khê, BS Na chỉ mỗi việc ký vào giấy tờ, sau đó sẽ có người “chạy” giấy tờ đó, cho nên xin rút cũng không phải dễ dàng đâu, phải có người “chạy” mới rút được. Người ta đã quyết liệt không nhận lương rồi còn gì? Nhân đây xin nói thêm về vấn đề chết người, tôi thấy trong các bệnh viện công bệnh nhân cũng chết vì lỗi BS đó mà có ai làm được gì đâu. Trong khi lĩnh vực y tế tư nhân cứ có sai phạm là có thể sạt nghiệp… Theo tôi được biết, dịp này các PK tư nhân đang lo cuống cuồng để ứng phó với thanh tra y tế, có PK bị phạt hơn 170 triệu đồng vì dùng túi đựng rác không đúng quy định (màu vàng) và nhân viên y tế chưa có chứng chỉ đào tạo phân loại rác đấy. Trong khi các vị vào bệnh viện nhà nước mà xem người ta xử lý thế nào…” - Man:  man@yahoo.com

 

Nhưng với đa số người dân thì rõ ràng trong chuyện này không thể vì tình cảm mà bỏ qua những vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy. 

 

“Tôi là một bác sỹ, cũng không thể nào đồng ý với giải trình của bà Na. Phải phạt thật nặng những người chắc là đã cho thuê bằng như bà mới mong họ có trách nhiệm với tấm bằng của mình. Thực sự mà nói thì đây chính là hình thức cho thuê bằng rồi để người khác muốn làm gì thì làm, còn người cho thuê bằng khi có chuyện xẩy ra thì lại đổ lỗi cho người thuê là sao??? Đúng là con kiến mà leo cành đa ....” - Bs Minh:  minhvt@yahoo.com

 

“Bà Na là bác sỹ,  tiến sỹ, nguyên phó giám đốc BV 198. Vậy theo tôi, bà phải có được khoản lương tới… và tôi chắc bà Na và Sở Y tế phải có quan hệ thế nào đó chứ…  Còn vấn đề bà Na xin từ chức thì theo tôi nghĩ, cùng đi trên 1 còn thuyền sao bỏ giữa chừng được. Nếu lương tâm và y đức của bà bứt rứt, thì lẽ ra bà phải tố cáo PK nhiều sai trái này chứ.... Tất cả giải thích giờ đã quá muộn và tôi vẫn thấy là ngụy biện. Còn các cơ quan quản lý của ta, nói thật là... phạt hơn 10 triệu chỉ là gãi ngứa thôi, còn thực ra thì…ai chẳng biết là  còn có “cửa sau” đó…” - Nguyễn Sơn: nguyenson17kt@gmail.com

 

“Lương y như từ mẫu. Bà Na là một bác sĩ , nguyên là một Phó Giám đốc bệnh viện thì chắc bà  biết rõ cứu người như cứu hỏa. Vậy mà biết những việc làm sai trái của PK sao bà lại không có hành động, không có sự chỉ đạo chỉnh sửa chuyên môn đối với những bộ phận làm sai… ? Bà đã nhìn thấy, nhận thấy và biết được những điều tệ hại sẽ xảy ra đối với người bệnh khi tới khám ở đây. Vậy mà với tư cách là Trưởng PK bà vẫn không có hành động, thế thì lương tâm người thầy thuốc ở đâu, y đức ở đâu...” -  Lại Hữu Đồng:  tiendong_law@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi được biết thì người đứng tên trưởng PK hay giám đốc doanh nghiệp là người phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật cho cơ sở của mình. Còn các đối tượng góp vốn kinh doanh thì người ta chỉ cần lợi nhuận thôi. Đầu tư là mong có lãi mà, tiền phải để ra tiền chứ… Đầu tư mà không có lãi thì ai làm. Nên trách nhiệm chính ở đây, theo tôi, vẫn thuộc về bà Na với tư cách là Trưởng PK. Nếu bà biết những sai phạm đó thì bà có thể đề nghị thay đổi. Nếu không thay đổi được bà có thể xin nghỉ việc. Tôi nghĩ bà Na không phải không có trình độ quản lý vì bà nguyên là phó giám đốc bệnh viện 198 cơ mà. Tôi nghĩ một  người giữ đến chức vụ này thì ngoài chuyên môn giỏi, còn phải có trình độ  quản lý vững vàng. Hơn nữa bà đã là phó giám đốc 1 bệnh viện quân đội, nơi mọi hoạt động đều rất quy củ và nghiêm ngặt và  mục đích chính là cứu người chứ không phải lợi nhuận. Vậy theo tôi, chỉ có thể giải thích bà cũng là người tham lam, biết mà kệ… là đã đánh mất đi lòng nhân đạo, lòng trắc ẩn và cả tấm lòng của một lương y…” - Trần Minh Huân:  huantm@yahoo.com.vn

 

“Dù bà Na đã có những hành động thể hiện thái độ thấy rõ những sai phạm của PK này, nhưng chính sự thiếu kiên quyết của bà Na đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay, cho nên bà Na cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc này. Cũng mong những ai có thể đang trong tình trạng của bà Na cần rút kinh nghiệm sâu sắc, để tránh những việc đáng tiếc như vậy xảy ra một lần nữa” - Nguyễn Thắng:  hodiep1810@yahoo.com

 

“Bà Đỗ Y Na là BS.TS, nguyên Phó Giám đốc BV 198 - một bệnh viện hàng đầu của ngành Công an mà lại thiếu hiểu biết pháp luật như vậy sao? Theo quy định của pháp luật thì người có giấy phép hành nghề phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến chuyên môn của PK” - Win:  sirwin07@yahoo.com.vn
 
Chị Lan (nạn nhân vụ PK Huê Hạ) đã tạm thời qua cơn nguy kịch (ảnh: Vân Sơn)
Chị Lan (nạn nhân vụ PK Huê Hạ) đã tạm thời qua cơn nguy kịch (ảnh: Vân Sơn)

 

Quản lý: Có cũng như Không?

 

Từ tất cả những vấn đề nổi lên qua các vụ việc liên quan tới những PK như thế này, bạn đọc có email trungdung@yahoo.com lại lên tiếng cảnh báo về căn nguyên sâu xa đã bao lần bị dư luận phê phán nặng nề, bởi nó càng gây hậu quả nghiêm trọng hơn trong  ngành Y tế vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con  người.

 

“Đây là hệ quả của cơ chế xin - cho và căn bệnh trầm kha “nhận hối lộ” trong ngành Y tế nước ta từ bao năm nay. Thử hỏi, nếu các giới chức của Sở Y tế Hà Nội và Bộ Y tế không nhận phong bao hoặc có cổ phần ăn chia trong đó, thì có mọc ra được những PK đáng ngờ như Maria, Khương Trung… bị nhiều người dân đã lên tiếng tố cáo lừa đảo hay không? Xin đừng cứ bao biện cho việc thanh tra ở đây, vì càng nghe các vị nói ra chúng tôi càng thấy không thể chấp nhận được… Cuối cùng vẫn chỉ khổ những người dân nhẹ dạ, cả tin vào những thông tin quảng cáo không đúng sự thật nhưng vẫn dược đưa tin tới khắp mọi nơi, để rồi họ tự đưa chân vào bẫy… Vậy liệu có thể nói là có những cơ quan quản lý đó Co mà cũng như Không chăng?....”

 

Nỗi bức xúc của dư luận người dân đã ở quá độ sôi, ngành Y tế lẽ nào vẫn cứ mãi biện giải cho công tác quản lý mà nhìn chung lâu nay vẫn bị người dân kêu ca là “có cũng như không” của mình?

 

Thanh Nguyễn