“Sai phạm nhỏ tái diễn 2 lần trở lên là đóng cửa phòng khám!"
(Dân trí) - Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước việc nhiều phòng khám sai phạm liên tiếp vẫn tồn tại vì chỉ phạt tiền dẫn đến hậu quả đau lòng là một ca tử vong tại phòng khám Maria vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Anh
Thưa ông, sau ca tử vong của bệnh nhân tại phòng khám Maria, nhiều luồng ý kiến cho rằng phòng khám này tồn tại quá nhiều sai phạm, tái diễn nhiều lần vẫn được phạt cho tồn tại là nguyên nhân dẫn đến hậu quả một bệnh nhân tử vong tại đây? Theo ông, trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội đến đâu trong vụ việc này?
Theo lý giải của cơ quan y tế Hà Nội, Thanh tra sở Y tế đã nhiều lần thanh tra phòng khám này, nhưng mức độ lỗi chưa nặng nên chưa thể đóng cửa phòng khám. Tôi cho rằng, việc xử phạt, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề… đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu cứ phát hiện sai phạm phải đóng cửa ngay là chưa đúng.
Tuy nhiên tôi cho rằng, mức xử lý vi phạm hành chính cũ chưa phù hợp, quá thấp. Sắp tới luật xử lý vi phạm hành chính ra đời, mức phạt cao hơn, nhất là trong một số lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người thì chúng ta phải phạt cao hơn, thậm chí đến vài trăm triệu vì các cơ sở này thu tiền rất lớn, để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe con người thì mức phạt cao hơn.
Ngoài ra, tôi cho rằng, sai phạm dù lỗi nhỏ nhưng 2 lần trở lên là đóng cửa, đặc biệt là hành nghề không phép là phải phạt đóng cửa tạm thời, đến khi khắc phục thì lại cho hoạt động tiếp.
Sự việc lần này cũng là lời cảnh báo, chúng ta cần có biện pháp thanh tra kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn. Bởi trong cơ chế thị trường, vì lợi nhuận, một số đối tượng đã cố tình vi phạm thì họ tìm mọi cách để lách luật.
Ông đánh giá như thế nào về việc nhiều phòng khám tư tại Việt Nam có xu hướng thuê bác sĩ Trung Quốc hành nghề “chui”. Khi xảy ra sự cố, người quản lý phòng khám phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa ông?
Thực tế không phải ngẫu nhiên bác sĩ Trung Quốc vào làm việc tại các phòng khám này mà họ phải được sự mời gọi, sự cho phép của giám đốc. Vậy vấn đề gì xảy ra trong phòng khám đó thì giám đốc, người được giao quản lý phòng khám phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Xảy ra sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh cho những người đang cho thuê bằng để mở phòng khám. Dù luật nghiêm cấm cho thuê bằng nhưng tình trạng này rất phổ biến, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn khác.
Thực tế, trên cả nước có nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài “sờ đâu cũng thấy sai phạm”. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng với phòng khám tư nhân, đặc biệt là phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động và trách nhiệm quản lý của ngành y tế Sở tại?
Thực tế, cả nước có từ 70.000-80.000 cơ sở y tế tư nhân trong khi cả hệ thống thanh tra của ngành y tế có khoảng 200-300 người. Do số lượng người rất ít nên việc thanh tra hạn chế. Việc đi kiểm tra các phòng khám, phòng y tế quận huyện mỗi năm đi được khoảng 2 lần. Còn ở cấp Sở, việc đi kiểm tra các phòng khám này có lẽ mỗi năm chưa đến 1 lần. Đây là khó khăn cho chúng ta trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.
Hơn nữa dù có thông tin người dân phản ánh nhưng việc thanh tra cũng chưa hiệu quả bởi cơ sở có trăm phương nghìn kế đối phó, vì vậy phải rút kinh nghiệm về phương pháp thanh tra. Kiểm tra đột xuất, đóng giả bệnh nhân đến phòng khám đó khám bệnh thì chắc chắn phát hiện ra. Nhưng mấy ông hoạt động trong lĩnh vực thanh tra, y tế, phòng khám đã quen mặt, vì thế cần huy động người dân tham gia. Thanh tra nhân dân trực tiếp đóng giả bệnh nhân đến phòng khám đó khám bệnh thì chắc chắn sẽ phát hiện ra
Rất nhiều phản ánh của người dân về mức giá cao vút tại các phòng khám này. Theo ông, có biện pháp gì để quản lý giá, đưa mức giá này trở nên hợp lý?
Đây là lĩnh tư nhân thực hiện theo cơ chế thị trường, họ đầu tư, vốn, lương, thuế, hoàn toàn không có sự đầu tư của nhà nước thì giá do họ quy định nhưng phải niêm yết giá rõ ràng. Còn việc bệnh nhân đến đó hay không có nhiều nguyên nhân.
Thực tế từ phòng khám Maria cho thấy rất nhiều bệnh nhân nghe quảng cáo. Vì thế, cần quản lý các nội dung quảng cáo, phải có chuyên viên theo dõi riêng để kịp thời phát hiện những sai phạm trong quảng cáo.
Thu phí dịch vụ cao nhưng các phòng khám này bị rất nhiều bệnh nhân “tố” vì chẩn đoán sai bệnh. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các phòng khám đông y TQ tại Việt Nam?
Chúng ta phải xác định đây là những người sang Việt Nam để kiếm tiền. Tôi cho rằng chuyên môn của họ không thực sự giỏi, bởi những người chuyên môn giỏi họ kiếm tiền ở nước họ nhiều hơn. Còn những chuyên gia, bác sĩ đông y Trung Quốc sang Việt Nam làm việc tại các bệnh viện theo chương trình hợp tác giữa hai chính phủ thì rất là tốt, chuyên môn rất giỏi.
Còn ở các phòng khám này, họ hoàn toàn đi theo con đường tư nhân, thậm chí khám “chui” khi chưa được cấp phép.
Trước đây, nghe nói bác sĩ đông y Trung Quốc người dân rất tín nhiệm bởi đông y Trung Quốc rất nổi tiếng. Nhưng nay số phòng khám có bác sĩ Trung Quốc giảm đi rất nhiều, ở Hà Nội hiện còn 5 cơ sở, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, xảy ra những sự việc này, chúng ta không thể đổ trách nhiệm cho bác sĩ người Trung Quốc, mà đây là trách nhiệm của người Việt Nam. Những người Việt Nam vì tiền đã cho những người không có bằng cấp chuyên môn, không có giấy phép hoạt động vào phòng khám khám “chui” cho người bệnh. Chúng tôi thấy rằng việc xử lý những người đứng đầu phòng khám chưa nghiêm, việc xử phạt ngươi đứng đầu cơ sở khi có sai phạm cần phải nghiêm túc hơn thì mới tăng cường trách nhiệm của họ với hoạt động của phòng khám do họ quản lý, đứng đầu.
Xin cảm ơn ông!
Tú Anh(ghi)