Quà Tết tặng sếp: Cấm cũng như không!

(Dân trí) - Cái phong bì truyền thống đã quá chật hẹp so với những món quà giá trị bạc tỉ hiện nay. Và ma lực của nó, những món quà “khủng” ấy, không gì có thể cưỡng nổi. Liệu những văn bản cấm chung chung lâu nay có đủ sức để răn đe, ngăn chặn?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
Tặng quà là nét văn hóa ứng xử đẹp của con người từ xưa đến nay. Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa tặng quà cũng phát triển đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Nhưng tựu trung lại, việc tặng quà bản chất của nó là xuất phát từ tình cảm giữa người tặng và người nhận. Người ta tặng quà trước hết là vì tình thân, vì muốn kết nối quan hệ, vì sự ngưỡng mộ... Việc tặng quà có thể vào những dịp lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tặng quà không còn giữ được tính chất trong sáng vô tư nữa. Nó đã bị cuốn theo vòng xoáy của thời cuộc, biến chất và có thể xem là một dạng hối lộ núp bóng tặng quà. Người tặng dùng giá trị món quà (thường là rất lớn) để mưu lợi cá nhân. Người nhận bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình, tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu mà người tặng đặt ra sao cho tương xứng với giá trị món quà đã nhận. Và thế là bắt đầu một qui trình tha hóa. Lợi ích nhóm hình thành; tiêu cực, tham nhũng có được mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Nhận thấy hệ lụy nguy hiểm của việc tặng quà nhất là vào dịp Tết cho cấp trên, nên hằng năm các ngành các cấp đều có công văn, chỉ thị nghiêm cấm. Tuy nhiên, từ chỉ thị đến thực tiễn còn một khoảng cách quá xa. Cấm thì cứ cấm còn tặng thì cứ tặng, thật khó có thể kiểm soát được, bởi việc tặng quà cũng biến thái tinh vi lắm. Chẳng mấy ai dại gì đợi đến Tết mới tặng quà sếp. Người ta đã rục rịch từ trước đó cả tháng, khi những công văn chỉ thị cấm còn nằm trong ngăn kéo, trong hộc tủ, và thực hiện bằng nhiều chiêu biến hóa khôn lường.

Nhân bàn chuyện tặng quà lại nhớ đến chuyện ở cơ quan giáo dục nọ, hằng năm cứ đến ngày 20/11 là lãnh đạo cơ quan lại chuẩn bị quà cáp (thường là phong bì) đi tặng cấp trên. Cấp trên ở đây không phải là ngành dọc chuyên môn của cơ quan, mà là chính quyền và ngành sở tại liên quan đến cái túi “ngân sách” của đơn vị. Chuyện thật mà như bịa. Ngày lễ của mình người ta không tặng quà chúc mừng mình thì thôi, chứ ai lại đi tặng quà chúc mừng họ? Chẳng hiểu các vị ấy lúc gặp cấp trên để trao quà sẽ nói năng gì, không lẽ lại là “chúc mừng anh/chị nhân ngày 20/11” (!?)

Một khi chưa có chế tài kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức thì chuyện tặng quà vì mục đích vụ lợi vẫn cứ tồn tại và ngày càng tinh vi hơn. Cái phong bì truyền thống đã quá chật hẹp so với những món quà thậm chí giá trị lên tới cả bạc tỉ hiện nay. Và ma lực của nó, những món quà "khủng" ấy, không gì có thể cưỡng nổi.

Vậy thì liệu những văn bản cấm chung chung như lâu nay có đủ sức để răn đe, ngăn chặn? Hay thực ra... cấm cũng như không...

Nguyễn Duy Xuân