Phụ huynh “thở phào” vì Thủ tướng cấm quảng cáo, kinh doanh đồ uống có ga trong trường học

(Dân trí) - Sau khi Chỉ thị 46/CT-TTg của thủ tướng chính phủ ban hành quy định việc không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía phụ huynh và dư luận.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị không quảng cáo, kinh doanh đồ uống có cồn, nước có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe của học sinh. Chỉ thị đã nhận được hiệu ứng rất tích cực từ nhiều phụ huynh và giáo viên.

Trao đổi với PV, phụ huynh Vụ Thị Thu Hương (Hà Nội) có con trai đang học tập tại trường THCS Trần Nhật Duật chia sẻ: “Hiện nay nhiều bạn nhỏ rất thích uống nước ngọt có ga, mặc dù chưa hiểu cụ thể tác hại của nước ngọt có ga mang lại, nhưng qua phương tiện truyền thông, tôi biết nước ngọt có ga là thứ đồ uống càng tránh xa lũ trẻ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chính vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra Chỉ thị này, tôi thấy thực sự bổ ích và ý nghĩa”.

Phụ huynh “thở phào” vì Thủ tướng cấm quảng cáo, kinh doanh đồ uống có ga trong trường học - 1

Nói về chỉ thị không kinh doanh nước ngọt có gas trong trường học, một phụ huynh khác có con học tại trường Tiểu học Giáp Bát, Hà Nội cho biết: Tôi rất ủng hộ việc không kinh doanh nước ngọt có ga trong nhà trường. Tuy nhiên cấm các bạn học sinh không mua nhưng vẫn cứ sản xuất thì không có ý nghĩa gì cả.”

Theo vị phụ huynh này, ngoài việc cấm bán nước ngọt có ga, chính phủ cũng nên có chính sách đi kèm. Ví dụ như tăng thuế đối với mặt hàng này và có thêm những quy định nghiêm ngặt về việc xử phạt.

Về cơ bản là làm thế nào để hạn chế tối đa việc sản xuất và lưu hành những mặt hàng cấm này gần trường học.

“Theo ý kiến cá nhân của tôi thì trẻ em không nên dùng nước ngọt có ga nhiều và tôi ủng hộ việc ko bán nước ngọt có ga trong trường học. Tôi cũng không cho các con mình uống vì theo cảm nhận của tôi chúng có thể chứa phẩm màu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các con”, cô Đào Ngọc Hà (Cổ Nhuế, Hà Nội) chia sẻ.

Bà Trần Phương Anh, phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ: "Ở trường con tôi học, không biết việc tuyên truyền tác hại của nước ngọt có gas đến đâu, nhưng khi các cháu đi dã ngoại, khẩu phần ăn nhà trường chuẩn bị cho học sinh vẫn thường là cơm rang và một chai nước ngọt có ga. Có lẽ, sắp tới tôi phải có kiến nghị đến giáo viên chủ nhiệm, để họ thay đổi việc này”.

Tại Chỉ thị 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cần tập trung xây dựng các kiến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì… để dự phòng các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, dinh dưỡng cho người cao tuổi…

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh. Các trường không được phép quảng cáo, kinh doanh đồ uống có gas, có cồn.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Viện Công nghệ Sinh Học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Đây là Chỉ thị rất đúng đắn”.

Theo PGS, học sinh phổ thông (nhất là tiểu học và THCS) cần ăn uống các chất dinh dưỡng để phát triển cơ thể chứ không phải những thứ nước ngọt có gas, đây chỉ là loại nước tạo ra ảo giác mà thôi.

PGS Thịnh khẳng định, đồ uống có gas không có tác dụng dinh dưỡng: “Thành phần chính của các loại nước ngọt có gas thường có đường Carbonhydrat, trẻ em không cần uống nhiều loại đường này vì dễ gây béo phì.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là Protein giúp trẻ phát triển. Vì thế, kể cả người lớn cũng đừng ham uống nước ngọt có gas, dù có cảm giác 'ngon miệng' một chút nhưng nó đã tạo ra hiện tượng dư năng lượng”.

Năng lượng này không phải năng lượng đi từ những chất dinh dưỡng mà đi từ các chất đường. Cơ thể có quá nhiều đường thì sẽ gây nguy cơ béo phì.

Trong các đồ uống có ga thường có tính axit, bộ máy tiêu hóa của trẻ em là học sinh vẫn chưa hoàn chỉnh nên nếu uống nhiều đồ uống có ga sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, các loại nước ngọt hiện nay còn có thành phần chất bảo quản, chất phụ gia thực phẩm để tạo ngọt có thể bằng đường hóa học thì không có lợi chút nào nếu lạm dụng. Ông khuyến cáo các gia đình không nên cho trẻ sử dụng thường xuyên các loại đồ uống này.

Hoài Anh