Phía sau màn “bài bạc cho vui”

(Dân trí) - “Máu đỏ đen” cũng là một sự “nghiện” mà khi đã dính vào khó ai có thể thoát ra được, dù vẫn biết: Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Lý sự "bài bạc cho vui" thật khó nghe, đặc biệt là với cán bộ giới chức…

Phía sau những màn “bài bạc cho vui”
Hình ảnh từ clip quay lại cảnh ông Lê Vũ Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đánh bài (theo Viết Hảo)

 

Nhàn cư vi bất thiện

 

Các cụ đã tổng kết như vậy từ thủa nảo thủa nào. Thôi thì với dân, tệ nạn đó có thể còn biện bạch bằng ngàn lẻ một lý do và họ đánh thì mất tiền túi của họ. Nhưng với các vị giới chức – những người bận trăm công ngàn việc, đồng lương thì khiêm tốn mà phải luôn đau đầu nhức óc lo cho dân, cho nước – thì thời gian và tiền bạc ở đâu ra mà nướng vào các “casino” dù chỉ “cây nhà lá vườn” được nhỉ?

 

Câu hỏi lớn này đã được đặt ra nhiều lần mỗi khi có thông tin về các vụ giới chức đánh bài bị quay clip, bị chụp ảnh rồi tung lên mạng. Và nay nó vẫn được lặp lại với vụ mới nhất còn nóng hổi vừa bị “chộp tại trận” ở Lâm Đồng, với tâm điểm là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Lâm Hà - ông Lê Vũ Thắng. Để rồi nhiều so sánh này sinh với một vụ khác vừa xảy ra chiều 10/1, tại một căn hộ trên tầng 5 trong khu chung cư K300, đường Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM. Trong đó một người tham gia đánh bạc là anh Thuận, hóa ra lại vừa được khen ngợi bởi thành tích dũng cảm bắt cướp. Với cùng một "tội danh" nhưng cách ứng xử của dân và giới chức rất khác nhau. Ông Thắng vẫn phản ứng lại khá… bài bản để chứng minh rằng mình…bị oan. Còn anh Thuận thêm 1 lần nữa thể hiện sự dũng cảm - thấy xấu hổ.

 

Và cũng chẳng có gì lạ khi số người tỏ ra cảm thông và… chia sẻ với các đệ tử của giới đỏ đen không phải ít. Còn với những người dân bình thường chúng ta, để đấu lại với mớ lý sự “cùn” vô cùng dây cà ra dây muống của họ xem ra cũng mệt lắm. Nếu không muốn nói là có lẽ lại cũng đành… bó tay chấm com khi các cơ quan chức năng còn chẳng xoay chuyển được gì  (???), dù  bức tranh về những mảng tối này của xã hội vốn đã vậy từ lâu.

 

“Làm gì có ai không bao giờ chơi cờ bạc? Thỉnh thoảng cuối tuần tôi vẫn cùng các bạn tôi om 3 cây cả đêm, vui cực. Tiền ăn cũng nhỏ thôi, 10-20k/ván. Quan trọng là vui! Nói chung số đen thì bị bắt, không có gì đáng chê trách cả. Đâu phải ai đánh bạc cũng xấu, người ta cũng là "anh hùng bắt cướp" đấy chứ! Khổ thân” - Long:  noname@yahoo.com

 

“Mấy ai trong XH này dám khẳng định mình không bài bạc? Kể cả các cán bộ, lực lượng chức năng…Sự thật theo tôi nghĩ là phải tới 95% có dính dáng, gần như tất cả mọi người đều chơi chỉ ít hay nhiều thôi. Nhất là lễ Tết, có ai nói là không chơi hay chỉ chơi ‘vui không có thưởng’ bao giờ chưa?” - Long:  long@vhs.vn

 

“Cũng bình thường thôi mà. Cờ bạc thì sao? Cốt là kiểm soát được và chơi vui là chính, hết tiền là thôi, không vay mượn gì thì ok mà. Nhưng cũng thắc mắc là phá sòng bài lớn thế mà tiền tang vật chỉ có 4,7tr + 8tr??? Hài quá!” - Nguyễn Bính:  nguyenbinh74@yahoo.com

 

“Đồng ý đánh bạc là không tốt, vi phạm pháp luật nhưng tôi thấy cũng không có gì đáng lên án cho lắm. Quan chức, đại gia đánh bạc hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường, chẳng qua ai không may thì bị bắt thôi!!!” - Vũ Xuân Tùng: mr.tungvx@gmail.com

 

“Cờ bạc, lô đề ở quê tôi chơi công khai như cơm bữa từ hàng mấy chục năm nay rồi, có ai làm sao đâu. Chẳng qua là các bác này chắc không…lo lót trước… Cũng có những trường hợp bị bắt nhưng… lo lót ngay, thế là lại không sao, lại tổ chức chơi bạc tiếp… Mà trong số các giới chức hiện nay, tôi thấy chẳng thiếu người “miệng Nam mô, bụng một bồ…” đâu nhé…” - Lan:  lan@yahoo.com.vn

 

“Bắt cướp và đánh bạc có liên quan gì với nhau đâu mà phải xấu hổ? Giờ có thể nói là gần như nhà nhà đánh lô đề, người người đánh bạc. Như thế là người xấu hết hay sao? Gần nhà tôi cuối tuần nào quan chức quận chả đến đánh bạc, ai mà chả biết, mỗi… công an không biết thôi. Thế nên có tội gì thì xử tội đấy, con người ta không ai hoàn hảo cả. Nói người hôm trước, hôm sau người cười mình đấy. Thông cảm và chia sẻ với anh Thuận” - Tiểu Bình:  tieubinhimip@yahoo.com

 

“Tết đến, Xuân về, tôi thấy đâu đâu cũng có các sới bạc dưới nhiều hình thức. Vụ việc này (ở TPHCM) cũng chỉ là bình thường nếu không có án mạng xảy ra. Theo tôi, đây cũng là kết quả của việc thiếu quan tâm đến nhu cầu vui chơi, giải trí cho dân của các cấp, các ngành liên quan. Ví dụ: nếu phong trào thể dục thể thao được đẩy mạnh thì việc dành thời gian vào bài bạc chắc hẳn không còn hoặc chí ít cũng giảm đi. "Nhàn cư vi bất thiện" - thừa thời gian sẽ nghĩ ra nhiều thứ để tiêu khiển...” -  Công Luận:  luanppt@gmail.com

 

“Đánh bài thì tôi thấy ở đâu mà chẳng đánh, cơ quan nào mà chẳng đánh. Mà toàn cán bộ lãnh đạo ham chơi hơn cả thôi” -  Nguyễn Văn Huấn: nvhuan2003@yahoo.com

 

“Chuyện quá bình thường ở huyện, có gì mà phải ầm ỹ lên thế. Phong trào mà!” - Pham Hung:  phandong73@gmail.com
 
Sòng bạc nằm tại tầng 5 của khu chung cư K300 ở TPHCM (ảnh: Phùng Bắc, Lao Động)
Sòng bạc nằm tại tầng 5 của khu chung cư K300 ở TPHCM (ảnh: Phùng Bắc, Lao Động)

 

Phần nổi của tảng băng chìm

 

Cũng không thể phủ nhận phần thực tế trong những lời “nói lấy được” như vậy. Chẳng thế mà nhiều khách nước ngoài tới VN đã ngạc nhiên trước cảnh đất nước còn nghèo, nhiều người dân rất vất vả kiếm sống. Vậy nhưng hàng quán mọc lên khắp nơi (nhất là quán nhậu) và luôn đông vui tấp nập. Rồi tệ cờ bạc thì…khó có lời nào tả xiết… Mà đó mới là phần nổi của tảng băng chìm các tệ nạn.  Điều đáng quan ngại hơn là nhiều cán bộ miệng nói rất đúng đường lối, chính sách trong khi tác phong, lối sống vẫn ngang nhiên nêu những tấm gương mờ.

 

 “Nếu đúng là như thế này thì cái ủy ban kiểm tra ở đây “vĩ đại” thật  mà cũng “kinh hoàng” thật, vì thời điểm mà nó diễn ra đúng khi Nghị quyết Trung ương 4  của Đảng đang đi vào cuộc sống… Phải nói là: hết chỗ nói, không còn gì để mà nói nữa. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là : (( Bó tay chấm com.))” - Lưu Quang Đức:  Anhduc1952@Yahoo.com.vn

 

“Chuyện thường, các ông ấy có nhiều ‘tiền chùa’ thì có ông ấy đốt 1 ít, có gì lạ đâu. Càng giới chức có vị trí càng chơi to hơn: - Nguyễn Văn Bốn: bonnasico@gmail.com

 

“Bọn họ làm gì mà đánh bài cho vui? Ông Thắng nói vậy liệu có phải vì...lẫn rồi hay sao chứ? Nhân dân trả tiền lương (còn tiền "tham nhũng chắc chắn có" nữa chứ) cho ông ta để giám sát công việc của cả huyện, vậy mà ông ta còn thời gian ngồi đánh bạc? Thật đúng là hết nói...” - Tiến Manh:  tienmanhvt@yahoo.com.vn

 

“Nói chung nếu đi dạo quanh các phường thì cũng thấy các chú, các bác ấy ngồi đánh rất nhiều. Có điều đánh bạc trên phường thì không ai bắt. Đơn giản mình là dân thì bị… đen” - Golden Eye:  sinhtst@gmail.com

 

“Quay clip làm gì, đưa lên mạng làm gì??? Nên nhớ giới chức bây giờ nhiều người cũng đánh bạc, vậy họ lấy tiền ở đâu ra và còn thời gian làm việc cho dân nữa không? Mà toàn là cao thủ cả đấy” – nink Liem sy: tanlien68@gmail.com

 

“Quê mình các ‘ông lớn’ trên UBND xã không những đánh bạc, mà lại còn là chủ ghi SỐ ĐỀ cơ. Trong nhà có cả máy fax, laptop sử dụng vào mục đích ghi đề. Ôi lãnh đạo quê tôi!!!” - Hùng:  minhhungvn@gmail.com

 

“Các bạn về bệnh viện Nhi HP mà chứng kiến cảnh đến cả những bác sỹ, nhân viên cũng đánh bạc trong bệnh viện như thế nào” - Hai Phong:  lamphong@gmail.com.vn

 

“Người dân đánh bạc kiểu gì cũng đáng bị lên án, bị kỷ luật rồi. Nhưng cán bộ lãnh đạo mà cũng đánh bạc thì còn bảo được ai. Nên kỷ luật thật nặng để trong sạch chính quyền. Đừng sợ nếu kỷ luật hết thì không có ai làm được việc của họ đâu, vì đã là ở vị trí đó thì phải biết giữ mình như thế nào chứ” – Tran Duc:  DucTran@gmail.com

 

“Tưởng gì chứ riêng việc đánh bạc thì tôi nghĩ ở cơ quan nhà nước nào mà chẳng có, nhất là từ cấp tỉnh trở xuống. Tôi biết có anh làm cán bộ nhà nước, khi đi nghỉ cùng cơ quan 1 tuần vậy mà chưa bao giờ thò mặt ra khỏi phòng khách sạn, vì đánh bạc xuyên ngày này sang ngày kia” - Thuy:  thuydo87@gmail.com

 
Các con bạc bị dẫn giải về trụ sở công an
 
Các con bạc bị dẫn giải về trụ sở công an
 

Ánh kim tiền

 

Vângm sức mạnh của đồng tiền thì thời đại nào và ở bất kỳ đâu cũng có thể thấy rõ. Song cái cách mà nó được tôn sùng, bị lạm dụng và cả biến tướng muôn hình vạn trạng cùng các hệ lụy của nó như hiện nay, thì có lẽ không người dân có ý thức nào còn có thể giữ quan điểm “mũ ni che tai” được nữa.

 

“Ngày nay đâu đâu cũng thấy ít nhiều có sát phạt nhau bằng… vui chơi giải trí, làm mất đi sự trong trẻo của bộ bài lơ khơ… Trong thế kỷ 20 từ hồi thập kỷ 80 trở lại, kinh tế khó khăn, cũng có những người chơi bài nhưng chủ yếu là để lấy lại sức lực và tinh thần sau một ngày lạo động mệt nhọc thật sự. Chứ sự biến tướng ngày nay xuất phát từ đâu, khi nhiều người luôn nghĩ ‘vui chơi phải có thưởng’? Vấn đề mấu chốt ở đây, theo tôi là ánh kim tiền đã làm cho người ta lóa mắt. Người ngoài sát phạt nhau, anh em cũng sát phạt nhau… một thực trạng hầu  như đâu đâu cũng thấy có. Đã đến lúc cần tuyên truyền đến từng người dân về hậu quả của tệ nạn ‘vui chơi có thắng có thua bằng tiền’ này” – Phạm Thị Thanh:  thanh_hoa1299@yahoo.com

 

“Không có gì là phải xấu hổ, chuyện đó cũng khá là bình thường ở nhiều nơi thôi. Nhưng quan trọng là cái tâm của người cán bộ đảng viên. Cán bộ là người tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, nếu muốn sống tự do buông thả thì thà làm người dân tốt bình thường còn hơn. Tất cả mọi cán bộ đảng viên rất nên có văn hóa xấu hổ khi phẩm cách đạo đức của mình kém người dân” - Nguyễn Văn Thỉnh:  thinhv45@yahoo.com

 

Tết đến Xuân về, đề tài này chắc còn nóng khiến dư luận sục sôi hơn nữa. Cán bộ ta nào là kêu lương thấp, khi dân cần thì kêu không có thời gian...Vậy mà xem ra khá nhiều người trong số họ đang chứng tỏ mình là tỉ phú cả về thời gian và tiền bạc đấy!

 

Khánh Tùng