Bạn đọc viết

Nụ cười công chức

Hiện nay là có một bộ phận công chức "chảnh" với dân. Trong số anh em ta ngồi đây, không ít lần chúng ta đã từng gặp những vị công chức kiểu này, nhất là khi có việc phải tới các cơ quan công quyền.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Như thường lệ, sáng thứ bảy tôi lại tới quán cà phê đầu phố nhâm nhi ly cà phê đen. Hôm nay đến quán đã thấy mấy bác trong tổ dân phố ngồi đó đang uống cà phê và nói chuyện. Một bác hỏi với giọng có vẻ bức xúc:

- Gần đây dư luận hay nói có tình trạng công chức "chảnh" với dân, vậy tôi xin hỏi các vị "chảnh" là gì? Tại sao công chức lại "chảnh" với dân?

Bác kia đáp:

- Theo tôi hiểu, "chảnh" là một từ địa phương Nam Bộ được giới trẻ sử dụng phổ biến trong những năm gần đây, có nghĩa là "lên mặt, làm cao, tỏ vẻ ta đây". "Chảnh" còn có hàm ý chê bai thái độ phách lối, khinh thường người khác của ai đó. Điều đáng nói hiện nay là có một bộ phận công chức "chảnh" với dân. Trong số anh em ta ngồi đây, không ít lần chúng ta đã từng gặp những vị công chức kiểu này, nhất là khi có việc phải tới các cơ quan công quyền.

- Đúng vậy! Công chức chưa coi mình là công bộc của dân mà nghĩ mình là quan dân, có vị trí quan trọng nên thường tỏ ra nghiêm túc. Ngay cả cán bộ cấp phường cũng vậy, nhiều vị lúc nào cũng tỏ ra quan trọng. Công chức bây giờ thay vì mỉm cười lại thường tỏ ra nghiêm nghị, thiếu thân thiện với dân. Họ không mấy khi công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính với dân. Để hình ảnh "nụ cười công chức" ở chốn công quyền thực sự là điều không đơn giản. Dư luận đã nói thẳng ra rằng, công chức có thái độ thiếu thân thiện với dân có liên quan tới chữ "nhũng". "Tham" với "nhũng" đi liền với nhau. "Tham" tức là chiếm đoạt, tham ô... còn "nhũng" là là gây khó khăn, phiền nhiễu, nhiều thủ tục phiền hà, không công khai các thủ tục đó hòng kiếm lợi. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra nạn hối lộ, đút lót, chạy chọt...

- Tôi cũng thấy thế. Có người còn nói, công chức ít cười, hách dịch để tạo "uy". "Uy" này để làm gì? Để "trị" dân hay là để "mơi" dân? Việc công chức ít cười có rất nhiều nguyên nhân. Một vị quan chức đã biện minh rằng, đôi khi do sức khỏe không tốt hoặc do gia đình có chuyện đau buồn, bực bội không thoải mái nên thái độ của họ trở nên cáu bẳn, thiếu thân thiện với dân. Cũng có trường hợp người dân khi tới phản ánh sự việc lại nổi khùng với cán bộ, công chức, có thái độ thiếu kiềm chế, gây bức xúc cho họ. Ngoài ra còn do môi trường làm việc, cá tính của từng người... Một vị cấp phó phụ trách một ngành ở một thành phố nói rằng, có những cán bộ đưa con đi học bị tắc đường, đến cơ quan muộn bị cấp trên phê bình dẫn đến cáu bẳn khi tiếp dân! Rồi trụ sở cơ quan thì rất chật chội, điều kiện bức bối, 2-3 người ngồi chung một bàn, có nơi phải đi thuê trụ sở... Khổ thế!

Bác khác tham gia:

- Năm trước, tôi còn nghe nói một vị lãnh đạo cao cấp của thành phố đã phải than rằng, chất lượng đội ngũ công chức đang đi xuống thê thảm hay họ đang vô trách nhiệm quá mức? Ông còn kể câu chuyện điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm với công việc, đó là để thảo một bức thư cảm ơn nước bạn nhưng hai cơ quan là Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Ngoại vụ phải làm suốt... 29 ngày mới xong!

- Thật là hết biết! Công chức suốt ngày than lương thấp, nhưng tại sao họ cứ đủng đỉnh, kẻ cả? Và dù lương thấp đến đâu cũng không thấy ai nghỉ việc. Điều đó có thể họ còn có những nguồn thu khác ngoài lương. Để khắc phục tình trạng công chức "chảnh" với dân thì phải làm thế nào đây?

- Theo tôi cần phải mở ngay lớp đào tạo công chức "cười", thân thiện với dân, đưa vào chương trình giảng dạy kỹ năng quản lý nhà nước hoặc bồi dưỡng cán bộ, công chức khi mới vào cơ quan nhà nước. Thường thì một bộ phận công chức khi tiếp xúc với dân do thói quen, do áp lực nghề nghiệp và chưa hiểu hết tác dụng của nụ cười, hoặc có cười nhưng chưa tươi, chưa làm người dân cảm thấy thân thiện.  Ai cũng biết nở nụ cười, xã hội sẽ thân thiện hơn, bớt đi những hiềm khích, toan tính và cả tội ác. Người Việt Nam mình vốn hay cười, trong dân gian có câu nói về đặc tính của người Việt là "Ăn nhanh, đi chậm, hay cười". Nụ cười mà mọi người mong muốn nhận từ nhau không phải là nụ cười gượng gạo, nhếch mép, ngượng ngùng... mà phải là nụ cười trong sáng, rạng ngời, làm sao cho người đối diện cảm thấy an tâm, hạnh phúc.

- Ngoài ra tôi thấy công chức cũng nên dành thời gian để thư giãn bằng cách đọc các tác phẩm tiếu lâm, truyện cười, thơ trào phúng... Hy vọng khi tiếp xúc với dân họ sẽ luôn nở nụ cười tươi tắn!

Đặng Việt Thủy

(Hà Nội)