Bạn đọc viết:

Nói và làm để chống tham nhũng

(Dân trí) - Ban Nội chính tỉnh Lâm Đồng vừa có một chủ trương khá độc đáo. Độc đáo vì đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước (có lẽ tiếp theo cách làm của Ban Nội chính Trung ương) tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng bằng cách mua tin quần chúng tố giác tham nhũng.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tin rẻ thì 500.000 đồng, tin có giá trị lên đến 10 triệu đồng. Người bán tin được giữ bí mật tuyệt đối tên tuổi, địa chỉ…
 
Giữa thời buổi kinh tế thị trường, quả là cái gì cũng có giá của nó.

 

Hi vọng với chủ trương này, tham nhũng ở Lâm Đồng sẽ không còn đất sống bởi tai mắt của nhân dân khắp nơi, “sâu” tham nhũng dù có tinh vi xảo quyệt đến đâu cũng khó mà lẩn trốn. Và trong công cuộc chống tham nhũng còn nhiều cam go hiện nay, Lâm Đồng chắc sẽ là địa phương ghi công đầu trong cả nước.

 

Nhưng súng nổ to chưa chắc đã trúng “địch”. Người dân mong mỏi chống tham nhũng phải đem lại hiệu quả thực sự, chứ không nên theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột" hoặc "hò voi, bắn súng sậy".

 

Tin tưởng ở Ban Nội chính Tỉnh, nhưng người dân vẫn không khỏi băn khoăn khi thấy vẫn có nhiều sự việc sờ sờ trước mắt sao chẳng thấy ai làm gì được? Ví dụ như tình trạng biệt thự, tài sản “khủng” của một số vị quan chức nghỉ hưu có, đương chức có, được báo chí nêu lên, dư luận bức xúc nhiều nhưng rồi cuối cùng đều… chìm nghỉm?

 

Mới đây thôi, ngay tại Lâm Đồng lại rộ lên chuyện biệt thự cũng có giá triệu đô của một đương kim sếp lớn. Báo chí cũng đã đăng bài, đưa hình ảnh minh chứng, đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng. Nhưng ai sẽ trả lời cho câu hỏi của dư luận: Những tài sản ấy từ đâu ra? Nếu là một doanh nhân thì dư luận cũng chẳng rỗi hơi, nhưng đây là quan chức đương nhiệm thì rất cần một câu trả lời thật minh bạch.

 

Còn kê khai tài sản ư? Thì cũng đã kê khai rồi đó thôi, nhưng kê khai rồi… để trong ngăn kéo thì có lẽ chẳng nên kê khai mà làm gì, vô hình trung có khi lại hợp thức hóa tài sản bất minh nếu không được thẩm định nghiêm túc.

 

Dư luận không muốn nghe những câu trả lời lấp liếm, rằng biệt thự “khủng” có được là nhờ cô em, ông anh kết nghĩa, nhờ vợ con kinh doanh, nhờ người nhà ở bên Tây gửi về…

 

Dân mình giờ tinh lắm, “vải thưa không che được mắt thánh” dù họ chỉ là phận thấp cổ bé họng mà thôi.

 

Thế cho nên, dư luận mới đặt câu hỏi : các vị “Bao công” tả xung hữu đột có dám giơ cao “thượng phương bảo kiếm” mà khua lên… phía trên đầu mình? Được thế thì dân tâm phục, khẩu phục lắm lắm!

 

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm