Nỗi niềm thưởng Tết: Mong được lời nói cho nguôi tấm lòng!

Khánh Vân

(Dân trí) - Người lao động luôn mong được lời giải thích thấu tình đạt lý của lãnh đạo về vì sao không có hoặc thưởng Tết giảm, thể hiện sự tôn trọng với họ, vì dẫu sao cũng "mong lời nói cho nguôi tấm lòng"

Cứ năm hết Tết đến, đâu đâu cũng rộ lên thông tin về thưởng Tết. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, thì thưởng Tết năm nay có lẽ là nỗi niềm đầy trăn trở của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Thưởng Tết không được quy định trong Bộ Luật Lao động nhưng từ lâu đã trở thành một nét văn hóa doanh nghiệp. Thưởng tết ở Việt Nam có nét đặc thù riêng so với các quốc gia khác. Sau một năm làm lụng vất vả, thưởng Tết là điều người lao động mong mỏi vì trong bối cảnh giá cả leo thang thì món tiền thưởng Tết sẽ ít nhiều giúp họ có một cái Tết đầm ấm bên gia đình.

Thưởng Tết càng đặc biệt ý nghĩa với những người lao động xa quê, nguồn gốc nông thôn. Khi về quê ăn Tết thường mua quà cáp cho người thân. Nên với nhiều người trong số họ thì không có thưởng nghĩa là không có Tết.

Với người lao động ở nhiều ngành nghề, dù biết Tết năm nay tiền thưởng Tết ít hơn do ảnh hưởng của "bóng ma" Covid-19, nhưng chắc hẳn họ vẫn rất hồi hộp, đoán già đoán non về khoản thưởng này! Còn với không ít người chủ doanh nghiệp, đó cũng là một áp lực không nhỏ.

Ở hoàn cảnh khó khăn chung như vậy, người lao động cần biết thông cảm, chia sẻ với chủ doanh nghiệp vì không chỉ vì thưởng Tết giảm mà đã vội nản về nơi mình làm việc. Cần có những nhìn nhận khách quan, chính xác về nguyên nhân của sự sụt giảm ấy để có hành động cho phù hợp, thay vì thấy chỗ nọ chỗ kia đình công để đòi thưởng Tết mà hùa theo. Trong "cơn bão" Covid-19, biết bao người thất nghiệp, mà mình còn việc làm, chẳng phải là may mắn và đáng trân trọng sao? Thưởng Tết ai chả mong, chả ngóng nhưng liệu có phải là yếu tố duy nhất để quyết định sự gắn bó của mình với nơi làm việc hay không?

Còn với những lãnh đạo doanh nghiệp, cần đặt mình vào người lao động để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ để hai bên vui vẻ, hài hòa. Nếu khó khăn, chủ doanh nghiệp nên chia sẻ thẳng thắn, chân thành, thuyết phục về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để người lao động biết và có sự cảm thông (Có được thưởng Tết không, dự kiến bao nhiêu) hơn là để nhân viên xì xào bàn tán, lo lắng, dao động, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.

Người lao động luôn mong được lời giải thích thấu tình đạt lý của lãnh đạo về vì sao không có thưởng Tết hoặc thưởng Tết giảm, đó cũng là thể hiện sự tôn trọng với họ vì dẫu sao cũng "mong lời nói cho nguôi tấm lòng".

Khi tài chính hạn hẹp thì lãnh đạo các cơ quan doanh nghiệp càng cần phải cân nhắc về "cách cho" đối với vấn đề thưởng Tết. Đừng thưởng Tết cho có, cho xong chuyện mà hãy cân nhắc dựa trên nhu cầu thực tế của nhân viên. Đã có những câu chuyện về người lao động "được" thưởng Tết bằng hiện vật như sản phẩm của công ty… rồi phải đăng trên mạng rao bán, nhờ bạn bè người thân mua ủng hộ.

Năm nay, Bộ Luật Lao động 2019 bắt đầu có hiệu lực, mở rộng khái niệm thưởng Tết không chỉ bằng tiền hoặc tài sản mà bằng cả các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của họ. Nghĩa là, người sử dụng lao động có quyền thưởng bằng hiện vật thay vì chỉ thưởng bằng tiền. Luật là vậy, nhưng người sử dụng lao động cần linh động để làm sao khi nhận thưởng Tết, người lao động không phải "dở khóc dở cười" ngao ngán.

Đành rằng là khó khăn do dịch bệnh kéo dài, ai ai cũng biết, nhưng mức độ bị ảnh hưởng ở các lĩnh vực là khác nhau, không phải tất cả các doanh nghiệp đều bị thiệt hại nặng nề. Nên mong rằng các chủ doanh nghiệp căn cứ vào tình hình hoạt động của đơn vị mình để có khoản thưởng Tết phù hợp cho nhân viên, chứ đừng đổ hết tại Covid-19 mà cắt giảm lương thưởng của nhân viên. Sẽ đáng quý biết bao, dù gặp khó mà các chủ doanh nghiệp vẫn nỗ lực xoay sở để có thưởng Tết cho nhân viên thì họ sẽ vô cùng cảm kích vì "một miếng khi đói, bằng một gói khi no".

Gần Tết, trên báo chí lại đăng tải nhiều vụ việc đình công trên khắp cả nước do người lao động bức xúc với chế độ thưởng Tết. Đó là những bài học nhãn tiền cho các doanh nghiệp về làm sao để tránh xảy ra tình trạng "Mùa Tết là mùa đình công". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm