Bạn đọc viết

Nỗi niềm đám cưới ở quê

Đã lâu ít có dịp dự cỗ cưới ở quê, vừa rồi được dự một đám cưới của người thân trong họ mà ra về tôi cứ băn khoăn bởi, đám cưới ở quê bây giờ khác xưa. Chẳng ra đổi mới, cũng chẳng ra kiểu cũ, cứ dở dở ương ương, quen quen lạ lạ.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

 

Quả là tai nghe không bằng một thấy, đúng là đám cưới ở quê bây giờ khác xưa nhiều quá. Phông bạt trang trí tưng bừng, rồi âm thanh, loa đài, thêm cả bộ karaoke ầm ĩ cả xóm làng… lại thêm anh “phó nháy” cứ thấy khách vào là giơ máy lên bấm liên tục.

Mới 9 giờ sáng nhưng cỗ bàn đã bày la liệt. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, mọi người cho biết: Ngày hôm nay là ngày cỗ thứ hai rồi. Hôm qua hơn 80 mâm, hôm nay hơn 70 mâm nữa. Vì cỗ phong tục ở quê giờ đây hay ăn sớm nên gia chủ phải chuẩn bị từ 2, 3 giờ sáng, có nhà làm nhiều mâm thì phải làm từ đêm mới kịp. Có điều, người làng tôi vẫn thường nhìn vào mâm cỗ để đánh giá sự chu đáo của gia chủ, nên hầu hết các gia đình dù giàu hay nghèo, khi dựng vợ, gả chồng cho con, cháu đều phải làm đầy đủ các món để mời họ hàng, làng xóm.

Khổ một nỗi gia đình kinh tế khá giả thì không phải lo nghĩ gì, còn gia đình khó khăn thì dựng vợ, gả chồng xong cho con cái là bạc mặt trả nợ, dù vẫn biết vậy, nhưng không làm cỗ đủ các món như mọi người thì không được, bởi sợ bị dân làng cười chê, hơn nữa cũng là để dịp làm cỗ “trả nợ miệng”, nên dù khó mấy cũng phải cố mà làm. Thông thường chi phí cho cỗ một đám cưới mất khoảng 80 đến 100 triệu đồng. Đấy là còn chưa kể đến chi phí chụp ảnh cưới, sắm giường tủ, tiền thuê váy cưới, rồi thuê cả ô tô đưa, đón dâu, tiền làm album ảnh cưới... quay camera…

Thế nhưng gánh nặng cho gia chủ đã đành, người được mời đến ăn cũng mệt mỏi theo. Ấy là chuyện cứ đến dịp cuối năm trong làng liên tục có đám cưới trùng cùng ngày. Ông anh họ tôi vừa nói vừa lôi trong túi đến cả chục cái thiếp mời, vừa cho biết: suốt gần nửa tháng qua dường như chẳng đi làm được việc gì ngoài đi ăn cỗ. Mà chẳng phải riêng nhà anh, bởi dường như nhà nào cũng vậy, chỉ có điều với nhà đông người thì chia nhau đi, nên dải đều khắp, còn gia đình ít người thì cứ phải chạy sô đi ăn cỗ. Có ngày do nhiều đám cưới trùng nhau, nên mặc dù đã phân công cắt cử nhau đi, nhưng vẫn không xuể, cứ sáng ở nhà này, trưa lại ở nhà nọ, chiều lại về nhà khác. Khổ nỗi là ở quê, nên không có chuyện không đi được thì gửi phong bì mừng như ở thành phố, mà đã được mời thì thế nào cũng phải đi, mà đã đi thì không thể không ăn, không uống. Cứ thế mỗi đám chỉ dám uống dăm ba chén là say mèn.

Đấy là chưa nói chuyện mừng tiền là lệ bất thành văn. Dẫu tiền mừng phong bì cũng chỉ từ 100.000đ đến 200.000đ, nhưng dân nghèo, chỉ làm ruộng như quê tôi để có tiền mừng đám cưới việc đầu tiên nghĩ đến là họ phải bán thóc, bán gà… Vì vậy nhiều gia đình sợ phải nhận thiệp mời đám cưới. Mỗi khi có thiệp mà lo ngay ngáy như giấy đòi nợ. Một tạ thóc chỉ đủ mừng cho 1 hoặc 2 đám cưới là hết.

Mới đây, một gia đình trong xóm cũng chỉ vì không có tiền đi đám cưới, anh chồng đòi bán đàn lợn để lấy tiền, khiến hai vợ chồng cãi nhau.

Đem chuyện thắc mắc với mấy bác cán bộ thôn được biết: chuyện cưới xin linh đình, rồi mời mọc khách… đâu chỉ có ở trong thôn mà các xã ở khu vực đều giống nhau cả. Mặc dù thời gian qua thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chính quyền địa phương cũng có quy định một đám cưới không được mời quá 300 khách. Hàng tháng cấp ủy, chính quyền xã đều phổ biến xuống thôn. Thậm chí, những tháng cao điểm mùa cưới, mỗi tuần loa truyền thanh của xã tuyên truyền ra rả về tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm. Thế nhưng, sự chuyển biến rất chậm và xã cũng chẳng làm cách nào để ngăn cản được người ta tổ chức đám cưới to. Bởi “ngày vui của người ta mà đưa người đến lập biên bản xử phạt là rất phản cảm, nên vẫn phải tuyên truyền, vận động từng bước theo tính chất mưa dầm thấm lâu”. Hơn nữa phong tục ấy đã hiện diện trong cộng đồng dân cư từ xửa từ xưa rồi, bây giờ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nên đâu thể nói là làm được.

Câu nói ấy khiến khi rời đám cỗ cưới tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi về chuyện ăn uống cưới xin tưởng chừng cũ đấy mà luôn mới, luôn đáng phải bàn. Đó đúng chẳng phải là chuyện cá biệt mà là nỗi niềm đang gây không ít phiền toái, lãng phí ở miền quê.

Minh Tư