Nỗi lòng khai giảng

(Dân trí) - “Khai giảng là ngày gì hả mẹ?”. Nghe con hỏi, người mẹ đáp: “Là ngày con và các bạn sẽ bắt đầu năm học mới”. Đứa con lắc đầu: “Sao lạ vậy mẹ, bọn con học từ lâu rồi. Ngày hè con và các bạn vẫn đi học mà”...

Câu chuyện của “hai mẹ con” diễn ra ngay trước giờ khai giảng tại trường tiểu học Hồ Văn Huê (Q. Phú Nhuận, TPHCM). Người mẹ trở nên lúng túng trước “phản bác” của con và biết câu trả lời của mình chưa “chuẩn” nên chị gạt đi: “Thì khai giảng là khai giảng”. Thả con xuống khỏi xe, người mẹ chỉ con vào lớp để còn kịp đi làm. Cũng như bao ngày tới trường khác, cả mẹ lẫn con dường như không có nhiều cảm xúc trong ngày lễ khai giảng.

Nỗi lòng khai giảng - 1

Nhiều HS không háo hức với ngày khai giảng vì đó không phải ngày đầu được gặp lại bạn bè, thầy cô sau một năm học.

Chị nói: “Hồi nhỏ, trước ngày khai giảng là mình mất ăn mất ngủ vì hồi hộp nghĩ đến bạn mới, thầy cô mới. Bố mẹ cũng háo hức theo con. Còn giờ các em học quanh năm, hè cũng học nên nói khai giảng hiện ngay là ngày bắt đầu “sự học” của một năm mới là không đúng. Đi khai giảng nhưng trẻ không có được cảm giác thấp thỏm… được đi học vì các em phải học quá nhiều, đi học trước khai giảng cả tháng trời".

Cũng như các phụ huynh khác, chị không cùng tham gia vào ngày khai giảng với con hay đứng ngoài cổng trường nhìn theo bước chân “ngày con nhập trường” mà vội vã đi làm.

Tại các trường tiểu học - độ tuổi các em háo hức nhất với ngày khai giảng – giờ đây ngày khai giảng của các em không còn hình ảnh bố mẹ khấp khởi, bịn rịn đưa con vào vị trí từng lớp. Ngoài cổng trường cũng vắng tanh, cổng đóng kín mít mà nếu không vào trong hay nghe tiếng loa đài thì không mấy ai biết… đang khai giảng năm học mới.

Với phụ huynh ngày khai giảng giờ đây chỉ là ngày con tập trung dưới sân trường. Nhiều người muốn vào với con cũng không được vì từng vị trí trong ngày lễ đã được xếp trước, không có chỗ dành cho phụ huynh. Thậm chí, ở một số trường nhiều HS không được đến khai giảng vì để trang nghiêm, để long trọng, để thành công rực rỡ hoặc vì sân trường không đủ chỗ nên các em dự lễ cũng được chọn lọc.

Nhiều em có mặt tại lễ khai giảng với vẻ mặt… vô hồn. Tại trường tiểu học chúng tôi có mặt vào lễ khai giảng ngày 5/9, sau nghi lễ chào cờ, tiếng hô hát Quốc ca – Đội ca của giáo viên dẫn chương trình vang lên dõng dạc, nhưng thật khó để tìm nhìn thấy ở các em sự hào hùng cùng nhịp hát. Tiếng hát từ loa đài thu nhạc sẵn vang lên… còn các em chỉ việc nghe. Có những em lẩm bẩm hát theo, nhưng cũng có những em cúi gầm mặt và có em còn đưa tay lên bịt tay lại vì tiếng nhạc từ loa phát ra quá lớn.

Tại bậc học lớn hơn, lễ khai giảng lại càng giảm ý nghĩa với HS và có lẽ với cả giáo viên. Nhiều HS, đặc biệt là các cấp 3 còn trốn lễ khai giảng để tụ tập trước cổng trường, la cà với bạn bè. Một nữ sinh đứng quây quần với bạn trước cổng trường THPT Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) chờ bạn đi uống trà sữa cho hay: “Đâu phải ngày đầu gặp bạn bè, trường lớp đâu mà háo hức cơ chứ. Ngày nhỏ em thích khai giảng lắm, bây giờ thì hết thích rồi”.

Tại nhiều trường, khi nghi lễ khai giảng diễn ra, thầy cô đã liên tục phải canh chừng HS vì sợ HS đứng dậy ra về trường sẽ vắng. Có trường phải yêu cầu bảo vệ khóa cửa để HS không có lối ra buộc phải ngồi lại.

Vì lẽ gì mà lễ khai giảng năm học mới đang mất dần ý nghĩa như vậy? Phải chăng vì người lớn đang lấy đi của trẻ thơ quá nhiều thứ? Lễ khai giảng hay chính bản thân các em đã được “công nghiệp hóa” thì còn đâu cảm xúc và sự hân hoan?
 

1 - Chung Nguyễn - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội:

Tôi nhớ khi tôi học cấp 2, chúng tôi tập có 4 buổi tập trung trong tháng 8 để tập nghi lễ diễu hành qua sảnh trường, và kiểm tra bọc vở, nhãn vở và tôi luôn là người bị phạt nhiều nhất . Chúng tôi còn phải mang hoa đi để trồng vào bồn cây trước lớp . Còn giờ thì ..hết rồi. Hơi thơ của thời đại phả vào cả nhưng nơi đó – nơi được biết đến với sự ngây thơ, trong trắng học trò...

 

2 - Sài Gòn - Nữ - 55 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh:

Đúng đấy bạn, công nghiệp hóa trong học đường chắc là đang cải cách đấy. Tôi rất băn khoăn về việc cải cách sắp xếp lớp học, ai biết bảo tôi với. Là vì cháu tôi học lớp 6, lại được học tầng 2 , lớp 7 phải học tầng 1. Hỏi ra mới biết lớp 7 hiện giờ học tầng 1, nhà trường đã gợi ý phụ huynh HS lắp điều hòa cho nên bây giờ không chuyển được điều hòa lên tầng 2 , đành phải học tầng 1, hơn nữa trong các lớp đó có con cô giáo hiệu trưởng. Các bác xem có phải cải cách không nhỉ?

 

3 - Ngo Hanh Ngan - Nữ - 29 tuổi - Từ Hà Nội:

Đúng thế! thời công nghiệp hóa .. nên khai giảng của học sinh cũng được hoà theo "nhịp đập" của cuộc sống.

 

4 - Ngọc Thanh - Nữ - 22 tuổi - Từ Thái Nguyên:

Những việc theo như bài báo nói không phải xảy ra ở tất cả các trường. Với trường tôi, cũng là 1 trườngcâp 2 ở trung tâm thành phố, ngày lễ khai giảng với các em vẫn có ý nghĩa. Mặc dù đi học trước khai giảng 2 tuần nhưng việc cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ, tham gia vào việc hình thành nội dung phần Hội của buổi khai giảng cũng khiến các em rất có hứng thú. Buổi lễ khai giảng có thực sự ý nghĩa khi chính bản thân các em được tham gia vào việc chuẩn bị cho buổi lễ đó. Còn với các em học sinh lớp 6, bước chân vào mái trường cấp 2, là em út của trường, cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Các em vẫn háo hức và chút tò mò về buổi lế khai giảng ở trường mới sẽ khác cấp 1 thế nào. Vậy là từ suy nghĩ khai giảng chỉ là cái lệ của 1 số học sinh, phụ huynh và cả giáo viên, có lẽ các nhà giáo dục cần xem lại buổi lễ khai giảng ở chính ngôi trường mình.

 

5 - Hoàng Mai - Nam - 37 tuổi - Từ Bắc Ninh:

 

Ta tăng lượng kiến thức trong chương trình học, vì thế phải tăng thời gian học thêm 2 tuần so với vài năm trước. Thời gian tăng thêm 2 tuần này học vào tháng 8, trước khi khai giảng, vì thế các cháu mới phải “ăn cơm trước kẻng” thế này. Sau đó, các nhà giáo dục tiến hành giảm tải, cắt bớt một số nội dung trong chương trình đi. Không hiểu các nhà giáo dục làm những việc luẩn quẩn như thế để làm gì? Chỉ biết rằng sự hồn nhiên, hồi hộp, vui sướng...ấn tượng theo suốt cuộc đời các cháu đã bị lấy đi một cách phũ phàng.

 

Trên đây chỉ là một ví dụ dễ thấy để làm bớt “chất nhân văn”, tăng sự chai sạn trong tâm hồn con trẻ. Hơn chục năm sau, người ta lại hỏi: “Sao thế hệ trẻ bây giờ ích kỉ thế?”.

 

6 - Thùy Anh - Nữ - 30 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu:

 

Ở một số trường nhiều học sinh không được đến khai giảng vì để trang nghiêm, để long trọng, để thành công rực rỡ hoặc vì sân trường không đủ chỗ nên các em dự lễ cũng phải qua khâu… chọn lọc. Đọc thấy thật xót xa. Ngày trước, đến ngày khai giảng chúng tôi háo hức lắm! Chờ đợi, hồi hộp lẫn tò mò thầy mới bạn mới. Còn bây giờ đã đi học rồi còn đi khai giảng đúng là là chỉ rước thêm bực mình!

 

7 - Nguyễn Văn Nam - Nam - 35 tuổi - Từ Hải Phòng:

 

Bây giờ khai giảng chẳng còn ý nghĩa gì, ngoài học hè tràn lan bây giờ còn bắt học trước hai tuần đến ngay bản thân tôi là giáo viên còn chăng thèm để ý đến ngày khai giảng nữa. Có rất nhiều người than nhưng biết làm sao giáo dục cứ thay đổi luôn.

 

8 - Hoang Ngoc - Nữ - 27 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh:

 

Năm học mới bắt đầu từ giữa tháng 8, học sinh học cả tháng rồi mới khai giảng thì còn ý nghĩa gì nữa đâu. Vậy mà các bài báo vẫn cứ viết “các em học sinh háo hức trong ngày đầu tiên của năm học”, “các bé lớp 1 sau vài phút bỡ ngỡ đã rất dạn dĩ với các bạn mới quen”... Thật là thành thích và nực cười!

 

9 - Quỳnh Anh - Nữ - 35 tuổi - Từ Bình Dương:

 

“Ừ thì cũng phải khai giảng, cũng phải cờ quạt, cũng đánh trống, cũng mời quan trên xuống đọc những diễn văn nhạt thếch, dài lê thê. Mọi thứ nó theo công thức cả rồi và cứ thế mà diễn. Khai giảng là ngày bắt đầu một chu trình mới, như bao năm rồi, với vẫn những thứ cũ mà không ai dám thay đổi. Đúng như bài báo nói, ngày khai giảng càng ngày càng kém ý nghĩa, nhất là với đối tượng chính: học sinh

 

10 - Trần Hương - Nam - 38 tuổi - Từ Hải Phòng:

 

Do chương trình học yêu cầu nhiều thời gian hơn trước kia, hầu hết các lớp, các bậc học đều bắt đầu từ giữa tháng 8 mới có thể hoàn tất chương trình trước 30/5, vì vậy, có thể đổi Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường vào ngày 15/8 thay vì 5/9, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy.

 

11 - Trần Xuân Khoá - Nam - 38 tuổi - Từ Hải Phòng:

 

Đúng là không còn cái “nao nức những kỷ niệm mơm man của buổi tựu trường” như câu trích trong đoạn văn của Thanh Tịnh “Tôi đi học”. Tại sao làm mất đi vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ? Suốt năm trời chỉ biết “học, học và học...”. “Ai chở mùa hè của tôi đi đâu?” Học trước nửa tháng thì kiến thức thêm được gì? Tại sao không hướng dẫn cho người học cách “học mà chơi, chơi mà học” trong dịp hè để phát triển trí thông minh và các năng khiếu cá nhân? Mong những người có trách nhiệm xem lại!

 

12 - Hoàng Lan - Nam - 38 tuổi - Từ Hải Phòng:

 

Thân gửi các bạn. Tôi không hẳn đồng tình với các phát biểu tiêu cực nói trên, bởi vì đối với mẹ con tôi mỗi khai giảng vẫn là một ngày trọng đại và chúng tôi cùng háo hức như nhau. Cho dù con gái tôi năm nay đã lên lớp 5, nhưng mỗi khai giảng đối với cháu là một ngày vui, còn với tôi nó cũng rất ý nghĩa.

 

Năm nào cũng vậy, tôi đến sớm cùng cháu, mua cho cháu bóng bay, cùng giúp các cháu cài phù hiệu lên ngực áo, cùng các phụ huynh khác đứng phía cuối sân trường theo dõi lễ khai giảng. Và niềm vui lâng lâng xúc động khi nghe tiếng trống khai trường, tiếng hò reo khi một rừng bóng bay được thả tung lên trời, mang theo bao nhiêu hy vọng và mong muốn của chúng tôi... Và ngày đó năm nào cũng vậy, tôi đến cơ quan muộn nhưng ai cũng thông cảm.

 

Tôi nghĩ nếu phụ huynh chúng ta cũng coi nhẹ ngày khai giảng như vậy thì con cháu chúng ta cũng sẽ thờ ơ thôi mà.

 

13 - Phan Linh - Nam - 38 tuổi - Từ Hải Phòng:

 

Khai giảng năm xưa, háo hức, mang quần áo mới, gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè vui mừng rối rít. Bây giờ khai giảng như là một thủ tục mà thôi. Nhớ thời học sinh quá!

 

14 - Hoàng Nga - Nữ - 33 tuổi - Từ Khánh Hòa:

 

Tôi thấy ngành giáo dục cần mạnh dạn cắt bỏ 2 tuần dạy trước khai giảng. Thứ nhất , ngành đang quyết liệt giảm tải chương trình. Thứ hai là thời tiết “tháng tám rám trái bưởi” rất khổ cho cả dạy và học. Sau nữa là trả lại cho thầy cô và học sinh thời gian nghỉ hè như trước đây. Xin cảm ơn..

 

15 - Con tôi chưa bao giờ được dự lễ khai giảng - Nữ - 34 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh:

 

Con tôi đang học ở một trường tiểu học có tiếng ở quận Phú Nhuận nhưng năm nào cũng không được đi dự lễ khai giảng mặc dù kết quả thi cuối năm trước của cháu cũng cao. Tôi hỏi thì cháu nói cô chỉ chọn một số bạn đi thôi mà không nói rõ tiêu chí lựa chọn. Năm nào câu chuyện cũng đi vào ngõ cụt như thế. Con toi và phần lớn các bạn khác trong lớp chẳng được biết cái “mùi vị” của cái lễ khai giảng là như thế nào nữa. Tôi không hiểu nổi các vị đang làm giáo dục bây giờ suy nghĩ gì nữa?

 

16 - Hoàng Nga - Nữ - 33 tuổi - Từ Hà Nội:

 

Tôi rất tâm đắc với bài viết này. Rất mong các vị lãnh đạo ngành giáo dục xem xét, không thực hiện dạy học trước khai giảng 2 tuần như mấy năm nay. Thứ nhất, ngành đang tích cực giảm tải chương trình. Thứ hai, thời tiết tháng 8 “nắng rám trái bưởi” dạy và học rất vất vả. Sau cùng, dành thêm thời gian cho các em và các thầy cô nghỉ hè. Xin cảm ơn.

 

17 - Black_moon - Nữ - 31 tuổi - Từ Hà Nội:

 

Mong ước một ngày nào đó giá trị của ngày khai giảng sẽ được nguyên vẹn, những người làm giáo dục sao không nghĩ đến việc này nhỉ? 5/9 vốn là một ngày ý nghĩa, giờ đang dần mất đi. Nhưng sẽ không quá muộn nếu ta thay đổi lại.

 

18- Nguyễn Hiên - Nữ - 33 tuổi - Từ Hà Nội:

 

Không chỉ con trẻ, đến tôi là một giáo viên cũng còn thấy mất hết ý nghĩa, mất hết tâm trạng háo hức chờ đón một ngày lễ khai giảng đáng lẽ là đầy ý nghĩa, ấn tượng sâu sắc đối với đời học sinh. Tôi mong giáo dục sớm có các cuộc cải cánh, giảm tải để GV và HS không phải ngày học 2 buổi và học trước nửa tháng mới hết chương trình nữa.

 

19 - Tạ Vân - Nữ - 27 tuổi - Từ Hà Nội:

 

Có một phụ huynh học sinh nói với tôi rằng: Ngày khai giảng đối với trẻ con vui như ngày cưới của người lớn. Ở với nhau chán rồi mới cưới thì ngày cưới còn có gì là háo hức nữa. Nên chăng chúng ta cần cắt bỏ hai tuần học cưới tháng 8, trả lại sự háo hức khai trường cho trẻ em?

Hoài Nam