Đề xuất quy hoạch và giải pháp giao thông Hà Nội
Nội dung ý tưởng về giải pháp dài hạn cho quy hoạch và giao thông Hà Nội
Năm khu với 5 chức năng khác nhau, vừa độc lập lại vừa liên kết với nhau thành một chỉnh thể đồng nhất, tạo thành một khu thành phố hiện đại tiện nghi ngay cạnh “Khu nội thành Hà Nội hôm nay”
(Tiếp theo kỳ trước)
. Ý tưởng về giải pháp dài hạn
Nội dung ý tưởng về giải pháp dài hạn cho quy hoạch và giao thông Hà Nội được nghiên cứu bởi Nhóm Marketing Trường ĐH Thăng Long và được trình bày tương đối chi tiết tại hai (02) tài liệu sau: “Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?” [7] Và “SƠ KHẢO Ý TƯỞNG DỰ ÁN THÀNH PHỐ SÁNG TẠO - HÀ NỘI HIỆN ĐẠI”. Tham luận gửi Hội thảo “Quy hoạch đô thị và an toàn giao thông” tổ chức bởi Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ngày 28-10-2011.[8]
Bài [7] trình bày ý tưởng giải pháp dài hạn và tài liệu [8] thể hiện các con số thống kê, chứng minh tính thực tiễn, khả thi của những ý tưởng nêu trong tài liệu [7]. Cũng cần lưu ý, các tài liệu [7, 8] được thực hiện vào năm 2011, các số liệu thống kê được cập nhật năm 2010. Đến nay, chắc các số liệu đã khác nhiều. Để xây dựng thành một dự án, đương nhiên cần thu thập, tìm kiếm lại số liệu, thông tin cập nhật của ngày hôm nay.
Chúng tôi xin phép trình bày lại sơ lược những thông tin chính như sau.
Như đã trình bày, để kéo người dân “Khu nội thành Hà Nội hôm nay” (từ đường Phạm Hùng (đường vành đai 3) đổ về phía Hồ Gươm, phố cổ) ra bên ngoài, cần xây dựng, hình thành một khu mới ngay bên cạnh Hà Nội, có cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ, phủ khắp, tiện lợi, cho phép đi bất cứ đâu trong khu vực, chỉ cần dùng phương tiện giao thông công cộng. Khu này được gọi là "Thành phố Sáng tạo", trải dài từ đường Phạm Hùng (đường vành đai 3) đổ về phía Thạch Thất, Quốc Oai, bao gồm 5 khu, đại diện bằng 5 quảng trường lớn.
Đó là:
1. Khu Quốc gia (hoặc Chính phủ), với quảng tường trung tâm mang tên Quảng trương Quốc gia, bao gồm các bộ, các cơ quan chính phủ;
2. Khu Hà Nội, với quảng tường trung tâm mang tên Quảng trương Bốn mùa, bao gồm các sở, các cơ quan của Hà Nội;
3. Khu Hữu nghị, với quảng tường trung tâm mang tên Quảng trường Văn hóa, bao gồm các cơ quan đại sứ nước ngoài;
4. Khu Tài chính, với quảng tường trung tâm mang tên Quảng trường Ánh sáng, bao gồm các tổ chức tài chính, ngân hàng, sàn chứng khoán;
5. Khu Doanh nhân, với quảng tường trung tâm mang tên Quảng trường Doanh nhân, bao gồm các văn phòng các doanh nghiệp, trụ sở của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Năm khu này, với 5 chức năng khác nhau, vừa độc lập lại vừa liên kết với nhau thành một chỉnh thể đồng nhất, tạo thành một khu thành phố hiện đại tiện nghi ngay cạnh “Khu nội thành Hà Nội hôm nay”. Ngoài chức năng chính của mình, mỗi khu đều có các khu dân cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, v.v. của riêng mình, bảo đảm tiện nghi cho cuộc sống hiện đại của người dân tại khu vực.
Về cơ bản, khu thành phố Sáng tạo sẽ được quy hoạch trở thành một khu hiện đại của Hà nội, một cách sắp xếp có chủ ý giữa các làng mạc, di tích, khu dân cư, khu văn phòng, khu doanh nghiệp hay khu hành chính, tiện nghi và hiện đại, giảm thiểu nhu cầu đi lại, tiết kiệm thời gian, hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Điều đó vừa đòi hỏi nỗ lực, đồng thời tạo ra cơ hội sáng tạo cho các nhà quy hoạch, kiến trúc mà bấy lâu có vẻ âm thầm, nhịn nhục. Nay như trang giấy khổng lồ, trí tưởng tượng của họ tha hồ được thả sức sáng tạo, vẽ vời. Từ góc độ của mình, tuy không phải là tuy không phải là kiến trúc sư, chúng tôi cũng mơ những giấc mơ của mình, khi hình dung ra ý tưởng bố trí các khu như sau:
Sơ đồ bố trí 5 khu tại Thành phố Sáng tạo
Theo giả thiết, tính toán của chúng tôi (Phụ lục 1 của tài liệu [8]) , với dự án Thanh phố Sáng tạo, mật độ dân số nội thành sẽ giảm đi 62%, từ 10,702 người/km2 xuống còn 4,104 người/km2. Mật độ dân số tại khu Thành phố Sáng tạo sẽ là 3,966 người/km2.
Với mật độ như vậy, nhu cầu giao thông “Khu nội thành Hà Nội hôm nay” sẽ giảm đi hơn một nửa (62%), ách tắc giao thông sẽ không còn là nỗi lo thường trực của khu Hà Nội. Với mật độ dân số sau dự án chỉ khoảng gần 4 ngàn người trên 1 km2, sau khoảng 20 đến 30 năm, toàn bộ Hà Nội sẽ là một thành phố có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại trong đó, chủ yếu là phương tiện giao thông công cộng và ô tô con. Xe máy chỉ còn thưa thớt, dành cho những người đam mê, chứ không phải là phương tiện giao thông chủ yếu như hiện nay.
Tương tự, khi mật độ dân số giảm, các hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác, môi trường sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Hệ thống giao thông của Thành phố Sáng tạo
Động lực của việc di chuyển tự nguyện từ “Khu nội thành Hà Nội hôm nay” ra “Thành phố Sáng tạo” là tiện nghi, hiện đại và văn minh. Chính vì vậy, mạng lưới giao thông trong từng khu, giữa các khu, các quảng trường phải đặc biệt hiện đại, tiện lợi và văn minh.
Sơ đồ bên dưới thể hiện ý tưởng về hệ thống giao thông tại khu Thành phố Sáng tạo
Sơ đồ hệ thống giao thông tại khu Thành phố Sáng tạo, trong đó:
Cơ sở hạ tầng, đường xá khu thành phố Sáng tạo phải được quy hoạch, ưu tiên dành cho các phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, tàu cao tốc TGV (Très Grande Vitesse), cầu vượt, đường hầm chui cắt ngang, mặt đường rộng ưu tiên dành cho ô tô, xe buýt, v.v. Nghĩa là sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất trong giao thông, các loại hình phương tiện công cộng cho thành phố Sáng tạo. Với đặc thù các khu này còn thoáng, mật độ dân cư còn thấp, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng sẽ thấp hơn trong khu Hà Nội hôm nay rất nhiều.
Riêng đường bộ nối giữa các khu được thiết kế, xây dựng cho phép lái xe ô tô tới vận tốc đến 170 km/h.
Sẽ có một hệ thống đường bộ bao xung quanh các khu của thành phố Sáng tạo, có thể gọi là đường vành đai thành phố Sáng tạo.
Cần có sự liên kết chặt chẽ về giao thông giữa Thành phố Sáng tạo và khu Ba Đình, để không có cảm giác cách biệt giữa trung tâm hành chính (khu Quốc gia và khu Hà Nội) với trung tâm chính trị.
Chúng ta vẫn thường phàn nàn, kể từ sau thời Pháp thuộc, Hà Nội chưa xây dựng được công trình khả dĩ được coi là dấu ấn của thời đại [17]. Với Thành phố Sáng tạo, 5 quảng trường của 5 khu, sẽ là dấu ấn của giới kiến trúc sư Việt Nam. Nếu được tổ chức thi thiết kế một cách minh bạch, rộng mở trong toàn xã hội và người dân, thành phố Sáng tạo sẽ là kiệt tác kiến trúc và văn hóa của thế hệ người Việt hôm nay dành cho con cháu mai sau. Đó là một trong những lý do, vì sao gọi khu Hà Nội mới, hiện đại này được gọi là Thành phố Sáng tạo.
Để thấy rõ hơn chi tiết tính toán, phương thức tìm kiếm nguồn vốn, đầu tư được trình bày chi tiết hơn tại tài liệu [8].
Với ý tưởng này, khi đăng trên báo điện tử, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, khen có, chê có. Đáng chú ý là ý kiến phản hồi, phê phán của bà Debra Efroymson (Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge Canada, cho rằng Thành phố Sáng tạo chỉ dành cho nhà giàu [9], mà có vẻ chưa rõ ý tưởng của chúng tôi: Sự hiện đại, tiện nghi, văn minh chính là động lực thu hút người dân Hà Nội tự nguyện chuyển ra sống tại Thanh phố Sáng tạo. Một khi mật độ dân số khu nội thành giảm xuống, thì mới khả dĩ thực hiện bước tiếp theo, là hiện đại hóa khu Hà Nội cũ đồng bộ, hiện đại như Thành phố Sáng tạo. Và như vậy, không chỉ người giàu mà toàn bộ cư dân Hà Nội sẽ được sống trong điều kiện, hoàn cảnh như nhau, một thành phố Hà Nội vừa hiện đại, văn minh mà vẫn giữ được những nét cổ kính, thanh bình của thành phố nghìn năm tuổi.
Một dự án lớn, mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của Việt Nam đòi hỏi cần có những nghiên cứu kỹ càng, sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, cơ quan liên quan. Và quan trọng hơn cả là phải thổi bùng lên được ngọn lửa, nhiệt huyết trong cộng đồng vì một thủ đô văn minh, một nước Việt Nam tuy không giàu nhưng đủ kiêu hãnh sánh với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Để thực hiện ý tưởng này, đương nhiên cần có đội ngũ chuyên môn về quy hoạch đô thị, các nhà văn hóa, kiến trúc, kỹ sư, các nhà khoa học và trong một khoảng thời gian dài. Đó không chỉ tạo điều kiện phát triển chuyên môn, thể hiện tài năng của đội ngũ chuyên môn này mà còn là một cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Và quan trọng hơn, cần sự đồng thuận, kiên trì của người dân, cả nghèo và giàu, cả dân thường lẫn quan chức và nhất là sự dũng cảm của bộ máy lãnh đạo đất nước và Hà Nội.
Đó là một giấc mơ lớn. Giấc mơ đó là viển vông hay khả thi? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt, đồng lòng, quyết tâm, dám mơ, dám nghĩ, dám làm của toàn thể chúng ta.
Trong khi thực hiện giải pháp dài hạn, Hà Nội cần có biện pháp ngắn hạn, tức thời cho vấn đề giao thông của mình. Tiếp theo, xin trình bày giải pháp ngắn hạn cho giao thông Hà Nội.
(Còn tiếp)
Nguyễn Tuấn Anh