Bạn đọc viết

Nợ công tăng: Điểm mặt những “thủ phạm” là nguyên nhân chính

Chỉ trong giai đoạn từ (2010 – 2015), tình hình nợ công của Việt Nam tăng rất cao, tính đến năm 2015, nợ công đã ở mức trên 2,6 triệu tỉ đồng (bằng 62,2% GDP) và tuy vẫn chưa cán mốc 65% GDP (mức trần cho phép)nhưng nếu không đưa ra giải pháp kịp thời thì nợ công không những chạm trần mà còn có nguy cơ vượt trần cho phép. Vậy đâu là nguyên nhân?!

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Chi từ ngân sách

Theo thống kê, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, ngân sách Nhà nước đã bội chi trên 150 nghìn tỉ đồng bởi cùng thời điểm, tổng thu ngân sách chỉ đạt trên 665 nghìn tỉ đồng trong khi tổng chi trên 816 nghìn tỉ đồng. Như vậy có thể hiểu đơn giản là thu không đủ để chi, vậy câu hỏi đặt ra trong các khoản phải chi thì khoản chi nào chiến tỉ lệ cao? Và hiệu quả đến đâu?

Hàng tháng, Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ để chi cho công tác quản lý nhà nước, đặc là chi trả lương cho cán bộ, CNVC nhà nước các cấp như tỉnh, huyện, xã… với một khoản tiền rất lớn trong khi thực tế cho thấy đang còn tồn tại một lượng lớn cán bộ CNVC (đặc biệt là cấp cơ sở) làm việc không hiệu quả với những tình trạng mang tính thường xuyên như thờ ơ, thiếu trách nhiệm, làm việc riêng, đi muộn về sớm…và như vậy số tiền lương từ ngân sách chi cho nhóm đối tượng này thực sự lãng phí.

Đối với tình hình đóng góp ngân sách của các địa phương cho Nhà nước cũng là điều khiến nhiều người phải giật mình. Theo thống kê, mức đóng góp ngân sách của các tỉnh/TP chênh lệch nhau rất lớn, chúng ta có thể điểm mặt những tỉnh/ TP có mức đóng góp ngân sách cao như TP. HCM, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tầu, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng…trong khi đó phần lớn các tỉnh không tự cân đối được (chu – chi), mức đóng góp thấp nhưng TƯ phải trợ cấp một khoản ngân sách rất cao, đáng chú ý là có địa phương theo thống kê, tổng thu ngân sách cả năm không bằng doang thu một năm của một doanh nghiệp loại trung bình của Hà Nội, hoặc nhiều địa phương tổng thu ngân sách một năm không bằng thu ngân sách của TP. HCM trong một ngày. Điều đó cho thấy sự chênh lệch rất lớn về thu chi ngân sách của các địa phương và tình trạng thu ít, chi thì khổng lồ vẫn chưa được cải thiện.

Đầu tư dàn trải

Quy mô và kết quả đầu tư sẽ cho thấy sự hưng thịch và cơ chế quản lý của mỗi quốc ra hay của mỗi địa phương trong nước và không phủ nhận rằng trong những năm qua rất nhiều dự án đầu tư đã thực sự phát huy, đem lại nhiều hiệu quả to lớn, nhưng đó chỉ là phần nổi bởi thực tế cho thấy còn rất nhiều dự án của TƯ và địa phương đang nằm “phơi, đắp chiếu” hàng năm nay với nhiều lý do, nhiều nguyên nhân sau khi đã “ngốn” hàng chục nghìn tỉ, điển hình như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng của Tập đoàn Dầu Khí (PVTex), Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, S-Fone…

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là khuyến kích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đầu tư trong xây dựng, nhưng thực tế cho thấy công tác thực hiện chủ trương còn nhiều bất cập, nhiều hạn chế dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và chỉ với những dự án đề cập trên cũng đã “ngốn” hàng trăm nghìn tỉ.

Buông lỏng quản lý

Quan điểm của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng trong việc quan lý, điều hành, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước là cần thắt chặt, cương quyết loại trừ sai phạm, đặc biệt là sai phạm mang tính nghiêm trọng ra khỏi hệ thống, xử lý nghiêm đúng pháp luật, đồng thời thay đổi tư duy, đổi mới cách thức và nâng cao vai trò trong quản lý nhà nước, để phát triển kinh tế xã hội, nhưng với hàng loạt những “sự cố” nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua gây thất thoát hàng nghìn tỉ đã phần nào nói lên những bất cập trong công tác quản lý và điển hình. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ (2010 – 2015) đã phát hiện hàng trăm vụ sai phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, vận tải, xây dựng khiến dư luận bất bình, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước và kìm hãm phát triển kinh tế.

Bên cạnh vấn đề về quản lý kinh tế, công tác quản lý hành chính – xã hội cũng đang trở thành điểm nóng và nỗi bức xúc trên các nghị trường và người dân khi liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sai phạm và phản cảm như (một sở có 44 lãnh đạo nhưng chỉ có 2 nhân viên, nhiều địa phương bổ nhiệm lãnh đạo cho nhiều người nhà…Việc không sát sao, buông lỏng quản lý đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho những việc làm sai trái, coi thường pháp luật, tham ô, nhũng nhiễu làm giảm lòng tin nhân dân, thiệt hại lớn về kinh tế.

Không điều chỉnh tỉ lệ

Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 khoảng trên 7% nhưng sau đó Chính phủ đã xin rút mức tăng trưởng xuống còn trên 6% và theo thống kê về kết quả sơ bộ khi kết thúc quý III năm 2016, Chính phủ hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên khi trình Quốc hội về đề xuất mức tăng trưởng trên 7% trong dự toán thu chi ngân sách năm 2016, như vậy có thể nói là dự toán thu chi ngân sách năm 2016 dựa trên đề xuất mức tăng trưởng trên 7% nhưng khi Chính phủ xin hạ mức tăng trưởng xuống còn trên 6% thì mức chi ngân sách năm 2016 lại vẫn được giữ nguyên, điều này không phù hợp bởi thông thường khi giảm mức tăng trưởng (có nghĩa là giảm thu) thì chi cũng phải giảm theo đúng tỉ lệ và việc không điều chỉnh giảm chi ngân sách theo tỉ lệ đã phần nào đè thêm gánh nặng về chi ngân sách.

“Ném phao”…cứu!

Không ai muốn việc Chính phủ cứ phải mãi “ném phao” để cứu, nhưng thực tế trong suốt nhiều năm qua vấn đề này không những không được cải thiện mà còn có nguy cơ tăng. Hàng năm chỉ tính riêng vấn đề cứu trợ các địa phương do thiên tai, sự cố, cũng đã “ngốn” một khoản ngân sách TƯ nhưng xét cho cùng, việc Chính phủ phải “ném phao” cứu trợ địa phương gặp hoạn nạn là việc mà ai cũng phải thông cảm, là việc bắt buộc phải làm nhưng “ném phao” dưới nhiều hình thức để cứu doanh nghiệp nhà nước thì cần phải xem xét lại. Chuyện các doanh nghiệp nhà nước cầu cứu Chính phủ xin ưu đãi, xin cơ chế đặc thù đã và đang trở thành “truyền thống” và cho dù Chính phủ có “ném phao” cứu bằng cách này hay cách kia cũng phần lớn ảnh hưởng đến thu ngân sách và tạo ra sự không công bằng với những doanh nghiệp tư nhân, điển hình và mới đây nhất là Vinacomin (KTV), Đạm Ninh Bình (thuộc Vinachem), Lọc dầu Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên…khi những doang nghiệp này liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ công tăng cao trong những năm gần đây, tuy vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Kính mong Chính phủ có giải pháp mạnh, mang tính đột phá để bài toán về nợ công tìm được lời giải.

Nguyễn Hiển

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm