Những trăn trở nhìn từ vụ Thuận Phong
(Dân trí) - Đâu là lý do dẫn đến những kết quả giám định có kết quả trái ngược nhau như vậy. Phải chăng, do khái niệm “chất chính” và “thành phần chính” dẫn đến sự đánh giá khác nhau hay ẩn sau đó là những “khoảng tối”?
Câu hỏi có hay không sản xuất, nhập khẩu, mua bán phân bón giả của Cty Thuận Phong, lại một lần nữa nóng trên diễn đàn Quốc hội trong phiên chất vấn vừa qua. Vụ này, vì sao tại diễn đàn Quốc hội một năm trước (kỳ họp thứ 4) đã nêu, đến kỳ họp này các đại biểu QH vẫn tiếp tục đưa ra chất vấn?
Thứ nhất, đây là vụ việc không chỉ được cử tri cả nước quan tâm theo dõi, mà các bộ ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ đạo sát. Tuy nhiên, vụ việc này kéo quá dài mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng: phân bón đó có phải là hàng giả hay không? Điều này, không chỉ ảnh hưởng xấu đến dư luận, mà chính Cty Thuận Phong, nếu thực sự không làm, buôn bán hàng giả thì cũng sạt nghiệp.
Thứ hai, trước áp lực của những án oan cho một số doanh nghiệp nói riêng thời gian qua, chúng ta cũng cần thông cảm các cơ quan tiến hành tố tụng chịu áp lực từ ý kiến của nhiều bộ ngành cho đến diễn đàn Quốc hội và công luận về những dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả của Thuận Phong.
Phát biểu tại Đại hội Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam lần thứ 5 vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, “Ngay trong vụ phân bón Thuận Phong, tỷ lệ chất dinh dưỡng chính chỉ chiếm dưới 70%, thậm chí chưa được 10% nhưng vẫn có kết luận đấy không phải hàng giả là không thể chấp nhận được”. Hiệp hội phân bón Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của Cty Thuận Phong gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên chất vấn ở QH vừa xong, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, “đây không phải là vấn đề xử lý doanh nghiệp, mà phải khởi tố để làm rõ để đảm bảo công bằng cho cả công ty và nông dân”. Trả lời chất vấn nội dung này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, hiện Bộ NN&PTNN đã trả lời về kết quả giám định nhưng không đạt yêu cầu. Hai bộ Công Thương và KH&CN thì chưa trả lời. “Mà quy định là chưa có trả lời (giám định - pv) thì chưa xem xét khởi tố được”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói. Tuy nhiên, tranh luận với ông Trí, ĐB Lê Thanh Vân vẫn cho rằng, “với vụ Thuận Phong, tôi mong những bằng chứng cấu thành tội phạm đã rõ thì quan trọng là ý chí của Viện trưởng (Viện KSNDTC - pv). Tôi mong vụ này mau được khởi tố."
Thứ ba, từ nội dung của Viện trưởng VKSNDTC đề cập, các cơ quan chức năng cần làm rõ: Sự chậm trễ trong công tác giám định (hoặc kết quả không đạt yêu cầu) của các bộ, ngành liên quan là do khoảng trống trong các văn bản pháp quy hay chính các cơ quan chức năng không thực hiện đúng chức trách của mình?
Một vụ việc nghiêm trọng, có tác động rất lớn đến dư luận được Chính phủ trực tiếp đôn đốc mà còn chậm chạp như thế này, thử hỏi, với những vụ việc khác, dư luận tuy ít quan tâm sẽ bị kéo dài tới mức nào. Trong khi đó, những vụ việc như thế này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thậm chí đến sự tồn vong của doanh nghiệp.
Cuối cùng, đáng lưu ý là, trước đó đã có những kết quả giám định trái ngược nhau về sự thật giả của lô phân bón này đã làm khó cho chỉ đạo của các vị lãnh đạo và cơ quan chức năng. Tại kỳ họp thứ tư (khóa XIV), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ ra: Trong vụ việc phân bón Thuận Phong, sáu bộ, ngành đã có những tranh luận về “thành phần chất chính và thành phần chính”. Và cuối cùng, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt.”; “Như vậy, theo quy định của pháp luật (phân bón Thuận Phong - PV) là giả”. Nhưng sao cũng tại diễn đàn này, ĐB Hồ Văn Năm ( Đồng Nai) lại phát biểu: "các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố". Thật khó hiểu.
Dù hiện nay, cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai đang khởi tố lại vụ án, nhưng dư luận vẫn đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm rõ: Đâu là lý do dẫn đến những kết quả giám định có kết quả trái ngược nhau như vậy. Phải chăng, chỉ là do khái niệm “chất chính” và “thành phần chính” dẫn đến sự đánh giá khác nhau hay phía sau còn những “khoảng tối”, rất cần làm rõ nếu trong đó có len vào những lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng đến sự thượng tôn pháp luật.
Vương Hà