Những đồng tiền “vận động” của người cách ly: Không xứng với màu áo lính
Rất đau, hành vi "vận động tiền" người cách ly của 2 sĩ quan y như sự phản bội với những tận tụy, hi sinh của những người đồng đội.
Một ngày nọ, trung úy Đang từ đảo tiền tiêu Nam Yết được về phép sau chẵn một năm làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Trái ngược hoàn toàn với những gì người lính can trường tưởng tượng. Con gái khóc thét khi anh bước chân vào nhà. Người được gọi là cha, đen sạm vì gió biển, gầy quắt vì thiếu rau xanh... Đến mức, đứa trẻ nhìn anh còn lạ lẫm hơn một người xa lạ. Lần đầu tiên trong đời, nước mắt người lính tuôn rơi.
Trung úy Đang, hơn 1.000 ngày làm cha, chỉ có được 60 ngày bên vợ con.
13 năm lính, 3 “tăng” đi đảo. Thứ có trong ba lô của anh là một bức hình vợ con. Một lọ muối vừng. 2 chiếc áo cộc tay vợ mua giá 150 ngàn. Và trong túi, đếm đi đếm lại, chỉ có tổng cộng 32 ngàn đồng.
Đây là những dòng viết về người lính cực kỳ xúc động trên VNE. Nó là những chi tiết, những con số nếu đã đọc thì không thể quên được.
Những người lính, như bao lâu nay vẫn thế. Nhìn ngay trong những ngày dịch bệnh này thôi, họ nhường cả đến chỗ ở để làm khu cách ly. Họ luôn là những người đầu tiên đối mặt với nguy hiểm, luôn là những người phải hi sinh nhiều nhất.
Hôm nay, nhớ đến 32 ngàn đồng của trung úy Đang khi quân đội tuyên bố sẽ xử lý bằng hình thức “cho xuất ngũ” và “cảnh cáo” đối với 2 cán bộ sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long.
Hai người, một chủ nhiệm hậu cần, một trưởng Ban quân y đã tự ý "vận động tiền" của người đang thực hiện cách ly tại Trường quân sự tỉnh Vĩnh Long.
Số tiền họ vận động là bao nhiêu? Con số chỉ là vô nghĩa. Bởi, nói như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Đơn, hành vi ấy đã vi phạm “ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng”, là “không thể chấp nhận được", và làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh quân đội.
Trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, hơn 2 vạn người lính đã được huy động phục vụ đón tiếp, chăm sóc người dân tại các khu cách ly, hay nếm mật nằm gai suốt từ các chốt tiền tiêu biên giới cho đến hải đảo xa xôi với những hình ảnh về sự tận tụy, hi sinh phải nói là lay động lòng người.
Và điều họ sợ nhất, không phải là con virus vô hình hài... mà là những viên đạn bọc đường, những cạm bẫy khiến cho những đồng đội, dù chỉ là cá biệt, không khác gì đang bắn sau lưng đồng đội, bắn vào vào hình ảnh của sự hi sinh.
Những cá biệt, không làm thay đổi cách nhìn của dân đối với sự hi sinh của người lính. Chắc chắn thế.
Và cũng chẳng có cách nào bảo vệ hình ảnh đẹp đẽ ấy tốt hơn là xử lý nghiêm khắc xứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi.
Không chỉ là cảnh cáo hay cách chức. 2 viên sĩ quan kia không còn xứng với màu áo của sự hi sinh đó nữa.
Theo Anh Đào
Báo Lao động