Những doanh nghiệp bất chấp quyền lợi của ngư dân - những người vốn đã khốn khó

(Dân trí) - Lý do gì khiến những doanh nghiệp đóng tàu dám đổ lỗi cho các con tàu đóng vỏ sắt bị gỉ sét là do nước biển quá mặn!? Dám đỗ lỗi cho ngư dân không quen sử dụng máy móc!!... Liệu có không những người chống lưng cho họ để họ dám đổ lỗi bừa như vậy?


Chú thích ảnh: Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), bức xúc vì tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vừa hạ thủy không lâu đã rỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho gia đình. (Ảnh TL Dân trí)

Chú thích ảnh: Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), bức xúc vì tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vừa hạ thủy không lâu đã rỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho gia đình. (Ảnh TL Dân trí)

Những ngày gần đây quá nhiều những thông tin đau lòng: Vụ cá Nam năm nay (kể từ đầu tháng 4.2017) đã trôi qua nhiều ngày, song nhiều tàu vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) phải “nằm bờ” vì hỏng, dù vừa đóng mới; 4 tàu đóng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đều có thân, vỏ bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi bị sự cố, máy phát điện hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh,...; Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định), qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng thì đều có tình trạng thân vỏ tàu, trang thiết bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng…Không chỉ ở Bình Định, mà ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng cũng có hiện tượng tương tự. Trong đó, một chủ tàu vỏ thép ở Đà Nẵng quyết định trả lại con tàu gần 12 tỷ đồng cho công ty đóng tàu ở Nha Trang vì 10 chuyến ra khơi thì có đến 4 chuyến tàu hỏng, vì vậy, gần một năm nay tàu nằm bờ trong tình trạng hư hại. Nhưng đáng nói là, các chủ cơ sở đóng tàu này hầu như không có động thái nào để sớm khắc phục.

Hậu quả với bà con ngư dân thì quá rõ, không thể nói hết nỗi thống khổ của họ khi bị mất nguồn kiếm sống hàng ngày, mà còn phải lo trả lãi ngân hàng và thời gian trả nợ ngày càng ngắn lại, trong khi mỗi con tàu trị giá từ 12 – 20 tỉ đồng. Mà hậu quả lớn hơn nữa, những doanh nghiệp đóng tàu này đã phá ngang chiến lược của Chính phủ đang quyết tạo điều kiện cho ngư dân làm chủ ngư trường, góp phần bảo vệ vùng biển của tổ quốc.

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Ai cho phép họ - những doanh nghiệp đóng tàu tự tiện đổi vỏ thép Nhật, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc? Máy mới gì mà ngay những chuyến đầu tiên đã hỏng? Nếu nói ngư dân chưa quen sử dụng tàu vỏ sắt thì tạm chấp nhận, nhưng nếu nói ngư dân sử dụng không thành thạo máy móc thì liệu có thỏa đáng? Lẽ nào họ không biết rằng, những thuyền trưởng, máy trưởng của các con tàu này thành thạo máy móc cỡ nào khi cùng chết hàng chục năm cùng đủ các loại máy, đủ các chủng loại? Phải chăng những doanh nhân này chỉ sai lầm khi đưa ra những nhận xét như vậy, hay họ đã cố tình lý sự cùn khi muốn trốn tránh trách nhiệm?

Theo chúng tôi, đã đến lúc chính quyền các tỉnh cần thay mặt ngư dân, không thể chỉ kêu gọi những doanh nghiệp này khắc phục sự cố mà còn yêu cầu họ phải bồi thường cho ngư dân, không chỉ là tiền khắc phục những thiết bị, vỏ tàu sai với hợp đồng mà còn thời gian tàu phải nằm sửa chữa và cả lãi xuất ngân hàng do tàu của họ “nằm chết” trên bờ bao ngày tháng…Nếu không được, chính quyền giúp người dân khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Với các doanh nghiệp này, không còn con đường nào khác.

Mặt khác, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Vì sao những doanh nghiệp đóng tàu này dám làm liều, làm ẩu như vậy? Tại sao Nhà nước đã hỗ trợ mà Cty Đại Nguyên Dương vẫn thu tiền thiết kế phí? Những ai đã giới thiệu các doanh nghiệp này vào danh sách đóng tàu cho ngư dân? Tại sao, một số lãnh đạo địa phương lại nói nhiều đến lỗi ngư dân khi không chịu thuê giám sát độc lập – liệu đây có là nguyên nhân quan trọng?...

Liệu phía sau rất nhiều những bất thường này có không bóng dáng của các nhóm lợi ích?

Vương Hà