Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa:

Nhịp cầu chờ nối giữa nữ Bộ trưởng với tấm lòng người mẹ

(Dân trí) - Ngày khai trường mở đầu một năm học mới, niềm vui “nhân đôi” của hàng triệu người dân với thí sinh nghèo đạp xe hơn 300km đi thi giờ đã trở thành tân sinh viên vẫn chưa trọn vẹn, bởi còn đó nỗi buồn “sẻ nửa” với ước vọng của một người mẹ già…

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
 
Nỗi niềm “thủ tục” ai chẳng tỏ

 

Số phận 2 con người có thể nói là đã được góp phần có tiếng nói định đoạt từ 2 vị Bộ trưởng. Đúng là ai cũng có thể nhận thấy 2 trường hợp này hoàn toàn khác nhau, nên cách xử lý cũng không thể như nhau. Nhưng vấn đề được nhấn mạnh trong đại đa số phản hồi của bạn đọc là ở chỗ: dù đều là cách thể hiện trách nhiệm và sự thượng tôn pháp luật, nhưng nếu gần dân hơn, thấu hiểu được dù chỉ phần nào những nỗi niềm của  người dân VN vốn luôn  phải đối mặt với các thủ tục “hành là chính”… thì cách xử lý của đa phần  giới chức nước ta chắc chắn đã không bị dân kêu nhiều như vậy.

 

Xin được nói đôi lời về một chuyện có lẽ hơi xa chủ đề này một chút. Đó là bất kỳ người VN nào khi đi ra nước ngoài đều dễ dàng nhận thấy công dân các nước bạn luôn có được những chỗ dựa vững chắc từ giới chức nước họ, dù họ đang ở bất kỳ đâu. Mỗi khi thấy người dân nước mình “gặp chuyện”, giới chức nước đó lập tức có mặt để trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ, tạo niềm tin cho công dân nước mình theo đúng tư cách phục vụ bởi được chính dân đóng thuế trả lương.

 

Còn với người VN ta thì sao, đa phần là ngại (thậm chí là sợ hãi) mỗi khi có việc đụng tới “cửa công” bởi phần nhiều là sẽ vấp phải những rào cản cứng nhắc, phải chấp nhận những sự đối xử theo kiểu kẻ cả, trịch thượng, ban ơn… Hay nói cách khác là vẫn còn đó cách làm việc theo kiểu Xin – Cho ở rất nhiều lĩnh vực.

 

Có lẽ cùng có chung suy nghĩ như vậy, nên nick Caylagiang nêu nhận xét tương tự sau khi đọc bài blog “Hai cách hành xử của hai vị Bộ trưởng” đăng trên Dân trí ngày 3/9:

 

“Tôi thấy bài so sánh này rất ý nghĩa. Một khía cạnh khác mà tôi nhìn thấy đó là một bên là một lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt và chủ động phù hợp với thời đại mới. Còn một bên kia xem ra vẫn là một vị lãnh đạo của "cơ chế Xin – Cho?"

 

Để minh chứng cho cái sự “Xin – Cho” vẫn tồn tại ngay cả trong lĩnh vực vốn rất chặt chẽ và nghiêm ngặt này, một số bạn đọc còn nêu những trường hợp cụ thể về kiểu cách làm việc “dễ ta, khó người” như Phạm Văn Trường so sánh:

 

“Theo tôi được biết, có không ít hồ sơ liệt sĩ, thương bệnh binh... GIẢ tại Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình... mà sao lại được xét duyệt dễ dàng vậy???? Còn hồ sơ về cố thiếu tá Trần Duy Nghĩa ở Yên Bái thì sao lại khó khăn thế???”
 
(minh học: Ngọc Diệp)
(minh học: Ngọc Diệp)
 
Nhiễu điều phủ lấy giá gương…
 

Cốt lõi vấn đề ở đây, trước hết có lẽ đúng là ở sự quan tâm đến người dân và cách lựa chọn giữa TÌNH với LÝ ra sao khi ra quyết định mà trong sự việc này càng có ý nghĩa đặc biệt vì liên quan tới con người. Dân tộc ta vốn từ bao đời nay luôn có truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Vậy nên về sự khác biệt trong cách hành xử giữa hai Bộ trưởng với 2 số phận con người, Hoang Duong nêu nhận xét có những điểm chung với ý kiến của nhiều bạn đọc:

 

“Đọc rất nhiều lời comment, tôi thấy có nhiều ý kiến trái chiều và khác nhau, người đồng tình người ủng hộ. Thật ra theo tôi nghĩ, giữa cái tình và cái lý, lựa chọn cũng thật là khó. Tôi không muốn nói đến việc ta nên làm theo cách nào, mà chỉ nhấn mạnh tới cách người ta quan tâm đến vấn đề đó ra sao. 2 vị bộ trưởng, 2 chức vụ trên cao. Còn 2 số phận kia họ chỉ là người dân thật bình thường, họ cũng không phải là những số phận éo le duy nhất vì trên đất nước VN này còn rất nhiều những số phận như vậy. Nhưng 1 người được chắp cánh để ước mơ tiếp tục bay cao, còn người kia sẽ dần bị lãng quên bởi cái mà người ta gọi là "luật". Như vậy liệu có hợp cả lý lẫn tình?”

 

Nguyễn Nhật Anh nhấn mạnh tới tình thương và sự cảm thông, chia sẻ (hay nói cách khác là tấm lòng) giữa con người với nhau. Mà nếu thiếu nó cũng là vắng chữ TÌNH thì quy định, luật lệ nào dù có thể hiện tính khoa học, sự công minh đến đâu mà cứ được chiểu theo để áp dụng cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ chắc sẽ không thể đúng đắn để được dư luận đồng tình ủng hộ:

 

“Trong hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo thì cuộc sống cần lắm những tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia. Tôi thật sự rất cảm động trước việc làm của BT Thanh, vì tôi biết rằng với điều kiện như em Thuận mà được vào trường Quân đội là con đường duy nhất đến với trường Đại học. Bởi cho dù nếu một trường nào đó (ngoài QĐ) có "đặc cách" cho em đi nữa, thì chắc em cũng không đủ khả năng tài chính theo học. Bằng hành động của mình vị BT Quốc phòng đã cho chúng ta hiểu sâu hơn về đạo lý làm người: biết đồng cam, cộng khổ, biết chung tay đùm bọc. Phải chăng đó cũng là phẩm chất, đạo đức của những người lính Cụ Hồ?

 

Còn về vế sau của sự việc, tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới bà BT LĐTBXH rằng: không ai nắm tay được từ tối tới sáng, không ai không một lần phải rơi nước mắt... Mong BT luôn sống bằng cái tâm của một người làm vợ, làm mẹ, bằng lương tâm của người cán bộ được Nhà nước giao trọng trách lo cho dân, vì nhân dân…”

 

Nick Cobe_xinhxan_9x nói về sự cảm thông cần có, nhất là ở các giới chức VN hiện nay, để có thể thấu hiểu được nỗi lòng người dân:

 

“Cảm ơn tác giả đã có một bài viết sâu sắc và ý nghĩa. Đúng như các bạn đã nói "mọi so sánh đều là khập khiễng", nhưng sống ở đời cần có một tấm lòng. Việc làm của BT Thanh có lẽ cũng đáng để cho BT LĐTBXH suy nghĩ lại. Bố tôi là một liệt sỹ chống Mỹ nên tôi hiểu phần nào nỗi đau mất người thân, mà còn nỗi đau nào hơn khi đất nước không công nhận công lao đóng góp của mình. Ở đây tôi rất mong bà BT LĐTBXH hiểu rằng không phải bà mẹ đó muốn đòi công trạng hoặc được ghi danh cho con trai, mà ở đây người ta cần được thấu hiểu. Tôi mong bà BT suy nghĩ lại. Tổ quốc rất cần những người có tấm lòng”.
 
Thiếu tá công an Trần Duy Nghĩa
Thiếu tá công an Trần Duy Nghĩa

 

Nói và Làm trong cuộc sống muôn màu

 

Phạm Khải lưu ý một khía cạnh khác, đó là khi vận dụng các quy định đã có từ lâu trong thời đại mới rất cần có sự linh hoạt, bởi nhiều quy định của chúng ta giờ đã trở nên không còn phù hợp nữa. Bởi thế mới có nhiều trường hợp miễn có tiền người ta vẫn lách được luật, trong khi những người dân thấp cổ bé họng thì dù có đúng mười mươi vẫn chẳng biết làm sao chứng minh cho bản thân được dù lẽ phải thuộc về mình:

 

“Một sự so sánh thật ý nghĩa. Hai sự việc nhưng về cơ bản thì đều thể hiện một sự vận dụng thực hiện pháp luật. Một người vận dụng linh động, hợp lòng người, hợp đạo lý dân tộc, được đông đảo nhân dân đồng tình. Và một người xử lý xem ra đúng là quá cứng nhắc, không chứng tỏ được tình người. Mong sao trái tim bà Bộ trưởng cũng rung động cùng với hàng triệu người dân chúng tôi”.

 

Tô Mỹ Bình nhắc lại ý kiến đã được rất nhiều người dân bày tỏ cũng về vụ việc này:

 

“Một số ý kiến cho rằng bà BT LĐTBXH đã làm đúng vì bà làm theo pháp luật. Nhưng theo tôi nghĩ, luật pháp cũng do con người soạn thảo ra, nó phù hợp trong giai đoạn này nhưng có khi lại không phù hợp trong giai đoạn khác. Ngành chủ quản (ở đây là Bộ LĐTBXH) là cơ quan tham mưu cho Nhà nước, nếu thấy chưa phù hợp thì cần đề nghị sửa đổi. Cái chúng ta cần ở họ là có trình độ, có tâm, có tầm để xem xét, cân nhắc các vấn đề liên quan.

 

Một sự việc xảy ra với thiếu tá công an Trần Duy Nghĩa ở Yên Bái mà cả về tình, về lý đều xứng đáng được phong tặng liệt sỹ. Và thực tế thì bên CA cũng đã bổ sung đầy đủ các vấn đề bên Bộ LĐTBXH yêu cầu, vậy có gì không thỏa đáng ở đây nữa? Tôi nghĩ, trong trường hợp này nếu áp dung vào các nghị định đã ban hành về người có công thì không có gì sai, cũng không phải lụy tình đâu. Cách so sánh ở đây để ta thấy cái tâm sáng hay chưa của những con người cầm cân nẩy mực, chứ không ai yêu cầu bà BT xuê xoa, đại khái đâu. Điều cần làm cũng là xử lý sao cho công minh, hợp lòng người!”

 

Và chắc cũng vẫn còn rất nhiều người dân trên cả nước quan tâm tới 2 trường hợp này có chung mong muốn như  Đỗ Thanh Tuấn bày tỏ:

 

“Theo tôi, chúng ta chưa thể chủ quan đưa ra nhận xét ngay được, vì để có 1 quyết định thì không chỉ suy nghĩ chủ quan mà cần nhiều yếu tố khác nữa. Hãy để các cơ quan chức năng và Bộ trưởng lên tiếng rồi mình đánh giá cũng chưa muộn. Tôi không tin là Bộ trưởng LĐTBXH lại cứng nhắc, quyết định thiếu tình và lý đâu”.

 

Tương tự như vậy, hy vọng về cái lý của lẽ phải như của Phạm Bá Hiếu có lẽ vẫn còn đó trong lòng bao người dân quan tâm tới vụ việc đề nghị công nhận liệt sĩ cho thiếu tá Nghĩa:

 

“Tất nhiên để sửa 1 quyết định là rất khó, nhưng tôi hy vọng lẽ phải sẽ thuộc về người sống tốt, sống đúng lương tâm. Tôi tin bà Bộ trưởng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn, để người mẹ già của thiếu tá Nghĩa ở Yên Bái không phải thất vọng”.

 

Càng mong mỏi hơn nữa là sự giao lưu trực tiếp giữa Bộ trưởng với người dân, như Nguyễn Thị Thắm đề xuất:

 

“Xin kính mời BT LĐTBXH lên diễn đàn online để cùng trao đổi với mọi người dân  trên khắp đất nước Việt Nam. Mong bà bớt chút thời gian vàng ngọc cùng chúng tôi giao lưu.... Rất mong bà nhận lời!”

 

Xem ra một cái kết có hậu cho trường hợp của thiếu tá Nghĩa vẫn còn để ngỏ, bởi có hàng triệu tiếng nói đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ những điều Phạm Hải Dương bộc bạch:

 

“Rất mong bà BT LĐTBXH dũng cảm quyết định  công nhận liệt sỹ cho thiếu tá công an Nghĩa. Tôi tin nhân dân chỉ thêm tin tưởng, thêm yêu  quý bà BT… Và tôi cũng tin Nhà nước cũng chẳng có lý do gì để khiển trách hoặc phê bình bà BT đâu. Như chúng tôi nhìn nhận, thì BT Phùng Quang Thanh đã làm điều mà những BT khác có lẽ chưa ‘dám’ làm. Đó là vì ông đã thực sự thấu hiểu những mảnh đời còn khó khăn nhưng vẫn tràn đầy nghị lực. Điều ông làm rất đúng đắn, hợp lòng dân và có ý nghĩa hơn mọi lời nói suông”.

 

Giờ đây hàng triệu người dân trên cả nước đang hướng sự quan tâm, chú ý tới Bộ LĐTBXH và vị nữ BT là người cầm cân nảy mực cao nhất ở đây, để chờ đợi một câu trả lời cụ thể củng cố được niềm tin và sự kỳ vọng của dân.

 

Chỉ một câu trả lời cụ thể để người dân phải tâm phục, khẩu phục sao mà ở VN mình nhiều khi lại khó như muốn hái sao trên trời vậy? Hơn nữa đây là câu trả lời mà một người mẹ già đau khổ đang mong ngóng từng ngày, từng giờ vào lúc cuối đời, đã và vẫn đang khiến hàng triệu trái tim đồng bào cả nước cùng nhói đau… Chỉ một câu trả lời thôi, nhịp cầu trái tim sẽ được nối liền.

 

Kiều Anh