Nhìn lại thất bại của Tây Ban Nha: Tiki-taka đã “chết” như thế nào?

Đội bóng của huấn luyện viên (HLV) Fernando Hierro đã thực hiện 1.114 đường chuyền và tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 79% trong trận gặp đội tuyển (ĐT) Nga, nhưng vẫn chịu thất bại cay đắng trên chấm 11m. Có vẻ như lối chơi tiki-taka đã hết thời.

Những con số vượt trội…

Làm sao để Tây Ban Nha có thể giành chiến thắng nếu không tung ra được pha dứt điểm nào? Bàn mở tỷ số đến với họ từ một tình huống phản lưới nhà của hậu vệ ĐT Nga. Trong số 1.114 đường chuyền ở trận này, các học trò của HLV Hierro thưc hiện được 1.006 đường chuyền chính xác (90,31%), qua đó lập kỷ lục mới kể từ khi Opta (tổ chức thống kê dữ liệu bóng đá toàn cầu) bắt đầu thống kê dữ liệu các trận (năm 1966). Về phía đội chủ nhà, họ loại một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch và giành vé lọt vào tứ kết sau vỏn vẹn 290 đường chuyền suốt 120 phút bóng lăn, trong đó có 191 đường chuyền chính xác (65,86%).


Vượt trội về những con số thống kê, nhưng ĐT Tây Ban Nha phải dừng bước ở vòng 16 đội khi để thua chủ nhà Nga trong loạt sút penalty. Ảnh: Getty Images

Vượt trội về những con số thống kê, nhưng ĐT Tây Ban Nha phải dừng bước ở vòng 16 đội khi để thua chủ nhà Nga trong loạt sút penalty. Ảnh: Getty Images

… nhưng bàn thắng chỉ là con số 0

Lẽ ra Tây Ban Nha có thể thắng trận này, bởi đối thủ của họ chỉ có 1 pha dứt điểm duy nhất thành bàn từ tình huống penalty, trong khi họ dứt điểm tới 9 lần về phía khung thành Igor Akinfeev. Vấn đề là độ khó của những pha dứt điểm ấy chưa đạt yêu cầu. Chuyền bóng mãi cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không mang lại bàn thắng. Thực tế cho thấy tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội của Tây Ban Nha chỉ phát huy hiệu quả ở hiệp phụ thứ hai. Theo định nghĩa của Opta, cơ hội được gọi là rõ rệt là “các tình huống một cầu thủ có khả năng ghi bàn trong các pha một đối một hoặc dứt điểm cận thành”. La Roja (biệt danh của ĐT Tây Ban Nha) chỉ tạo ra được 2 cơ hội như thế và đều diễn ra trong 15 phút cuối trận. Còn phần lớn thời gian, họ chỉ chuyền đi chuyền lại từ khoảng cách 30-35m so với khung thành Akinfeev, trong khi 11 cầu thủ Nga kiên trì chịu trận và cứ tha hồ để cho đối phương “diễn”.

Hình mẫu dành cho các đội bóng “cửa dưới”?

ĐT Nga phòng thủ quá hay ở trận này. Tuy nhiên sau khi đã ghi được bàn thắng, họ chỉ tập trung vào phòng thủ. Kể từ phút 41 (sau khi gỡ hòa 1-1), họ chỉ thực hiện 91 đường chuyền và tung ra 2 pha dứt điểm. Mục tiêu của họ rất rõ ràng là đưa đối thủ đến loạt đá luân lưu cân não và chiến thuật ấy đã phát huy tác dụng. Đội chủ nhà không mạnh, nhưng họ vẫn “sống sót” tới vòng tứ kết bởi 9 trong số 12 pha dứt điểm kể từ đầu giải đã làm tung lưới đối thủ. Chưa dừng lai ở đó, họ thực hiện thành công cả 4 quả 11m vào lưới thủ thành De Gea ở loạt luân lưu. Vì thế với bất kỳ đội bóng nào bị đánh giá ở “cửa dưới”, khả năng chiến thắng với tỉ lệ kiểm soát bóng 21% và dứt điểm ít hơn đối phương 17 lần vẫn là điều hoàn toàn có thật.

Trên khán đài lúc đầu trận, các cổ động viên Nga liên tục la ó và thúc giục các cầu thủ chủ nhà xông vào tranh cướp bóng từ các “nghệ sĩ trái bóng” của “Xứ sở Bò tót”. Ngoài đường biên, HLV Cherchesov cứ “bình chân như vại” chỉ đạo các học trò tuân thủ đấu pháp. Tất nhiên, chiến thuật này không thể áp dụng với mọi đối thủ nhưng thật dễ thấy ông Cherchesov là một người có khả năng “dĩ bất biết, ứng vạn biến” và được kỳ vọng sẽ giúp "Gấu Nga” tiếp tục gây bất ngờ ở những vòng tới. Và, chưa biết sau này lối chơi tiki-taka có còn “đất sống” hay không, nhưng có thể khẳng định nó đã “chết” tại vòng chung kết World Cup 2018.

Theo Dương Long

Báo Quân đội nhân dân