Nhiều thế hệ chủ tịch huyện, xã nợ quán, nợ miệng!
Một lãnh đạo không thể thuyên chuyển công tác hay về hưu thanh thản khi để lại những món nợ. Mà nợ gì không nợ, nợ tiền ăn nhậu, nợ miếng ăn, nợ tai tiếng.
Không có cách nào tự làm xấu mình nào tệ hơn là biến thành một chúa Chổm, nợ nần đầm đìa. Nợ gì không nợ, lại nợ tiền ăn nhậu, nợ miệng. Nợ từ đời chủ tịch này qua đời chủ tịch khác với những món nợ “không ngân sách nào trả nổi”.
Câu chuyện chính quyền “nợ quán” được Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông tâm sự như là thổn thức. Đại ý, mỗi năm đến 10-15 “đoàn về”, khiến “xã chảy nước mắt vì phải tiếp khách, phải nợ quán”.
Thì đó, Ba Lòng đang nợ quán đến 200 triệu đồng. Nợ từ thời chủ tịch cũ với “bao nhiêu thế hệ chủ tịch nợ quán”.
Và ông Chủ tịch cũng thú thực là vì nợ nên thu tiền của 9 hộ dân thuê đất, dưới danh nghĩa đối ứng công trình nhà văn hoá thôn Tà Lang - để trả nợ quán.
Nhưng có một sự thật mà chúng ta không thể không nói. Đây hoàn toàn không phải là chuyện cá biệt ở Ba Lòng. Nợ quán cũng không phải chỉ là chuyện cấp xã.
Chúng ta từng cười ra nước mắt trước những món nợ, những con nợ chính quyền ở khắp nơi.
Ở Yên Định, Thanh Hóa, cả UBND và Huyện ủy đều nợ nần chồng chất với khoản nợ kinh khủng: Hơn 50 tỉ đồng. Đây là tiền sửa xe, tiếp khách mà bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch huyện Yên Định xác nhận số nợ phát sinh chủ yếu là tiền tiếp khách trong giai đoạn Yên Định xây dựng... nông thôn mới.
Hay như ở Krông Nô (Đắk Nông), dư luận từng xôn xao khi có tới 15 cơ quan hành chính huyện nợ tiền một nhà hàng.
Nợ quán, trong khi biết quy định nhà nước không chi đối nội đối ngoại, khi biết rõ không ngân sách nào trả nổi - lời Chủ tịch xã - đã là một cái sai. Nhưng trả nợ bằng cách thu tiền dân một cách trái phép, còn sai hơn nữa.
Bởi bản chất, xóa nợ miệng bừa phứa của mình bằng tiền mồ hôi nước mắt dân.
Đừng coi đó chỉ là chuyện thường ngày ở huyện, ở xã. Uy tín của cơ quan công quyền là vấn đề mà ĐBQH, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh nhìn thấy qua những con nợ chính quyền này. Và ông đặt ra một câu hỏi: Chính quyền sẽ chỉ đạo và thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương thế nào khi chính mình đang là con nợ của người dân?
Tình trạng nợ nần này sẽ không thể chấm dứt nếu nó mãi vẫn chỉ là chuyện kế thừa từ đời chủ tịch này qua đời chủ tịch khác với các thế hệ chủ tịch nợ quán.
Cũng không phải là không có cách để chấm dứt. Đó là xem xét trách nhiệm của người trực tiếp, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Một lãnh đạo không thể thuyên chuyển công tác hay về hưu thanh thản khi để lại những món nợ. Mà nợ gì không nợ, nợ tiền ăn nhậu, nợ miếng ăn, nợ tai tiếng.
Theo Anh Đào
Lao động