“Nhiều người làm chức to nhưng nhân dân không quý trọng“

TS Vũ Ngọc Hoàng: Có nhiều người làm chức to nhưng nhân dân không quý trọng, ngược lại có những người từ quan về ở ẩn nhưng nhân dân vẫn yêu quý.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công an TPHCM. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông mong muốn có một cuộc đổi mới căn bản trong giai đoạn hiện nay.

 

“Nhiều người làm chức to nhưng nhân dân không quý trọng“ - 1

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Không thể tranh cử với chính mình

PV: Xin bắt đầu câu chuyện bằng quan điểm của ông khi nói về quyền lực: “Quyền lực làm người ta tha hóa nếu không được trao cho những người có nhân cách”. Nhưng làm sao để quyền lực được trao đúng người như ông nói?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Quyền lực luôn có hai mặt, và giống như một con ngựa bất kham, nếu đủ sức điều khiển nó thì nó tốt, giúp ích cho dân, cho nước; còn không đủ sức mà cưỡi lên nó thì sẽ gây hại cho đời, nó làm “chết” người cưỡi nó. Người đó rồi cũng tha hóa, đánh mất nhân cách.

Vậy làm sao để chọn cho đúng người, để biết người nào đủ độ chín về văn hóa, đủ nhân cách? Nhân dân biết, đảng viên cũng biết. Phải dựa vào dân, dựa vào đảng viên để mà lựa chọn. Và Đảng phải có cơ chế dân chủ trong công tác cán bộ, phải đổi mới theo hướng ứng cử tự do, có tranh cử. Đã tranh cử thì không thể là một người tranh cử với chính mình. Đảng cần lãnh đạo cuộc đổi mới này, bảo đảm cho môi trường ứng cử và tranh cử ấy lành mạnh.

Dân chủ liên quan đến văn hóa, không thể đem dân chủ của nước này lắp nguyên vào nước kia được. Nhưng về nguyên lý thì quyền lực phải là của dân. Dân quyết định tối cao việc đó, không ai quyết định thay dân được. Và việc đó phải thực chất chứ không phải mang tính hình thức. Nghĩa là, nhân sự dân cử phải là dân quyết định chứ không phải Đảng và Nhà nước quyết định thay và tổ chức cho nhân dân hợp thức hóa.

PV: Có thể người ta có đủ đạo đức và nhân cách để được trao quyền, nhưng khi có quyền lực trong tay thì họ lại bị tha hóa, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đúng vậy. Chọn được người tốt là hết sức quan trọng. Nhưng vẫn chưa đủ. Có thể hôm nay anh tốt, nhưng khi anh có quyền lực thì anh lại hỏng. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp như thế. Khi có quyền lực rồi thì bản thân quyền lực lại làm tha hóa con người, nên cũng phải giả định rằng người đó chưa đủ độ chín về văn hóa và sẽ bị tha hóa khi có quyền lực, để từ đó mà tính giải pháp.

Mọi người vẫn nói nhiều đến sự suy đồi về văn hóa, đạo đức. Việc đấy cũng là hệ quả, có nguyên nhân hàng đầu của sự tha hóa quyền lực. Trong một gia đình, nếu thằng con hỏng thì có khi chỉ thằng con đó hỏng. Nhưng bố mẹ hỏng thì cả nhà hỏng. Vì thế, phải kiểm soát quyền lực.

Việc kiểm soát quyền lực chẳng những là câu chuyện chính trị, mà còn là câu chuyện văn hóa, câu chuyện của “trường tồn” dân tộc nữa. Lịch sử đã chứng minh, khi nào triều đình tha hóa quyền lực thì cũng là lúc giặc ngoại xâm lợi dụng cơ hội để tràn vào.

PV: Nhưng chúng ta không thể trông chờ các cá nhân tự kiểm soát quyền lực của mình được?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Việc này trước tiên nằm trong cách tổ chức Nhà nước, nhất thiết phải có kiểm soát quyền lực bằng Nhà nước. Lâu nay người ta hay nói Nhà nước là nắm quyền lực. Thì đúng rồi. Nhưng phải nhớ quyền lực ấy của Nhà nước là được dân trao cho, nhân dân ủy quyền, nên phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, đừng để cho con ngựa bất kham đó làm hỏng, biến Nhà nước của dân đó thành công cụ để một nhóm người cai trị dân.

Thế là không có CNXH gì cả và dân tộc cũng yếu đi không phát triển được. Nhà nước vừa nắm quyền, vừa kiểm soát quyền lực. Nó tạo ra cơ chế để các bộ phận của Nhà nước kiểm soát lẫn nhau, để có khả năng tự điều chỉnh. Phải nghiên cứu kinh nghiệm từ mô hình Tam quyền phân lập ở các nước đối với việc kiểm soát quyền lực. Giao quyền cho anh nhưng anh không được lộng quyền. Giao quyền cho anh nhưng anh chỉ được sử dụng vào những mục đích do pháp luật quy định.

Rồi kiểm soát quyền lực bằng quyền của dân, quyền của từng công dân và quyền của một cộng đồng. Việc đó liên quan đến cơ chế bầu cử và cơ chế bãi miễn. Làm sao để khi “ông chủ” không tin thì ông ấy có quyền bãi miễn anh. Phải có cơ chế để “ông chủ” thực hiện cái quyền của mình, ủy quyền mà không mất quyền.

Cũng cần kiểm soát quyền lực bằng chính Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo phải làm nòng cốt trong dân chúng để kiểm soát quyền lực, phải giương cao ngọn cờ dân chủ để kiểm soát quyền lực. Đảng lãnh đạo phải có cơ chế tự kiểm soát quyền lực, để bản thân các tổ chức của Đảng từ trên xuống dưới không lạm dụng quyền lực và không cho đảng viên của mình lạm dụng quyền lực. Đảng ấy mới là Đảng chân chính, lành mạnh, không có mục đích gì riêng mà chỉ một mục đích là phục vụ nhân dân.

Đại hội Đảng có thể bầu ra Ban giám sát của Đảng để giám sát việc sử dụng quyền lực và tư cách của cán bộ lãnh đạo. Mặt khác, phải phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự lành mạnh; của báo chí với tự do ngôn luận (gắn với trách nhiệm xã hội và không vi phạm tự do của người khác). Báo chí chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” không có vùng cấm, thường xuyên tăng cường sức đề kháng của cơ thể xã hội. Thực hiện phản biện kể cả trước và sau khi đề ra các quyết định về công việc.

Nhân tài không chạy lăng xăng ở cơ quan tổ chức

PV: Đảng cũng thừa nhận đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất. Phải chăng chúng ta đang thiếu công cụ để đánh giá chính xác cán bộ?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Lịch sử từng cho thấy, trong chiến tranh, khi Tổ quốc lâm nguy thì nhân tài tụ về. Có một ngọn cờ nghĩa mà họ tụ về. Cái đó là do sức mạnh của hồn nước gọi họ về. Đến thời bình thì nhân tài dần dần tản mát đi, không ở lại, trong triều chính thì nịnh thần bắt đầu vô. Nhân tài có thể ở đâu đó, trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, ở đồng nội... Họ không đem ngọc bán dạo, như cách nói của Nguyễn Trãi. Thế nên, phải có phương pháp để phát hiện nhân tài, chứ mấy anh chạy lăng xăng đến cơ quan tổ chức thì không phải nhân tài đâu.

Muốn vậy cơ quan tham mưu công tác cán bộ phải hết sức công tâm, chịu khó đi tìm phát hiện nhân tài. Đừng ngồi đó đợi họ chạy đến, họ thưa gửi, họ quà cáp. Phải đi sâu, phải lắng nghe, quan sát và tìm hiểu.

Nhân tài là những người độc lập tư duy, họ có chính kiến riêng của họ. Người làm công tác cán bộ, làm lãnh đạo phải tập thói quen biết lắng nghe những lời nói thẳng, đừng có quy chụp. Phải biết nghe, chịu nghe thì mới thành người. Mà người lãnh đạo phải là “Người” nhất thì mới được.

PV: Đại hội Đảng các cấp vừa kết thúc với nhiều gương mặt lãnh đạo mới, trẻ, học vấn cao; Hội nghị Trung ương 12 cũng bước đầu cho ý kiến về nhân sự ở trung ương. Qua những phác thảo này, ông kỳ vọng gì vào bức tranh nhân sự nhiệm kỳ tới?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ phải qua thời gian thì mới có những đánh giá cuối cùng, chính xác. Những người được đưa lên ấy phải hết sức khiêm tốn, học hỏi, hết sức phục vụ nhân dân, luôn biết giữ tự trọng để trưởng thành về nhân cách. Khi họ trưởng thành về nhân cách thì sẽ được nhân dân ủng hộ. Vấn đề quan trọng là nhân cách chứ không phải là chức vị.

Có nhiều người làm chức to nhưng nhân dân không quý trọng, ngược lại có những người từ quan về ở ẩn nhưng nhân dân vẫn yêu quý. Vậy nên tất cả các cán bộ trẻ đó phải hiểu giá trị thực ở đâu để mà phấn đấu, trưởng thành. Nếu được thế thì họ sẽ đáp ứng được mong muốn của chúng ta. Mọi vấn đề còn đang vận động và ta hãy tác động để nó vận động theo hướng tốt. Còn bây giờ mà bảo hoàn toàn không tin vào họ thì cũng không nhân văn, tất nhiên là chưa đủ cơ sở để tin chắc điều gì. Tốt nhất là hãy thúc đẩy họ theo hướng tích cực.

Còn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XII thì theo các tiêu chí mà Tổng Bí thư nói là đúng và đủ rồi. Riêng tôi nghĩ, có hai điều quan trọng nhất, cần phải vượt qua, khắc phục nó thì mới tiến lên được. Đó là phải khắc phục được “lợi ích nhóm” và phải đổi mới một cách căn bản, không giáo điều, không bảo thủ. Làm được hai việc đó thì đất nước mới khá lên được.

Không thể hy vọng ông “lợi ích nhóm” đổi mới tốt được đâu. Cái đó là gửi trứng cho ác. Đổi mới muốn tốt thì phải xuất phát từ tâm huyết, từ sự trong sáng lắm. Đổi mới liên quan đến việc kiểm soát quyền lực, nghĩa là người ấy phải tự hạn chế chính mình, mà không có nhân cách tốt thì không làm được.

PV: Thế nhìn vào danh sách nhân sự trình Trung ương ông thấy đã đạt được hai điều đó chưa?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nói chưa thì không đúng, dù ít dù nhiều cũng có. Phải phân tích kỹ từng người và phải qua thực tế nữa.

Lỗi của tôi nhiều hơn lỗi của bạn

PV: Lâu nay, khi bàn về các khuyết điểm, người ta hay nói đến “lỗi hệ thống”. Theo ông, phải hiểu thế nào về cái lỗi này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Có hai cách diễn đạt. Có người diễn đạt rằng các lỗi này móc xích với nhau. Lỗi này có nguyên nhân của lỗi kia, lỗi kia lại có nguyên nhân của lỗi nọ..., nó đan chéo với nhau. Nếu diễn đạt ở giác độ đấy thì cũng có cái lý của nó, đừng quy chụp.

Mặt khác, trong xã hội cũng có một số ít người có động cơ khác, có mục đích chính trị. Cũng với câu chuyện đó, nhưng một bên là muốn xây dựng, muốn cải tổ, một bên lại muốn đánh đổ tất cả. Cho nên cũng cần đề phòng khi việc đó không xuất phát từ động cơ chân chính mà xuất phát từ tranh giành quyền lực, theo nghĩa cơ hội. Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay tôi không sợ loại thứ hai. Không chủ quan, phải lắng nghe một cách cầu thị. Nói đổi mới một cách căn bản, đổi mới đồng bộ thì cũng có nghĩa là giải quyết vấn đề một cách hệ thống, chứ không phải là giải quyết đơn lẻ được. Vậy thì cái việc người ta nói là lỗi có tính hệ thống kia là một việc cũng đáng suy nghĩ một cách nghiêm túc, dù không ngây thơ mất cảnh giác.

PV: Ai đó từng nói, khi người ta xác nhận hệ thống đó, làm theo hệ thống đó thì người ta chính là hệ thống đó. Có khi nào lỗi hệ thống là lỗi của tất cả chúng ta không, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Ai cũng có trách nhiệm chung. Nhưng là người có ít, người có nhiều. Bây giờ bảo cái lỗi đó tại bạn chẳng hạn và tại tôi chẳng hạn thì chắc tôi phải nhiều hơn, không đổ đồng cho mọi người được. Mấy anh lãnh đạo, nhất là chủ chốt phải chịu trách nhiệm đầu tiên và nhiều hơn, vậy mới công bằng và như thế mới xứng đáng là lãnh đạo.

PV: Có một quy luật phát triển là khi cái sai trở nên phổ biến thì lỗi không thuộc về các cá nhân mà thuộc về phương thức vận hành của bộ máy đó. Liên hệ tới những bất cập hiện nay ông thấy có cần xem xét lại điều gì không?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Phải xem xét một cách căn bản, đổi mới một cách căn bản phương thức vận hành hiện nay, kể cả phương thức lãnh đạo của Đảng và phương thức quản lý của Nhà nước. Đảng phải lãnh đạo chủ yếu bằng các giá trị văn hóa. Đảng hiện nay đang lãnh đạo bằng cả hành chính, quyền lực (thậm chí là khá nhiều)

Còn Nhà nước phải là bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân, kiến tạo quốc gia bằng phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, của dân tộc, chứ không phải kiến tạo quốc gia bằng tư duy chủ quan của mình.

Đừng sợ mất quyền lực

PV: Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, có đại biểu phản ánh tình trạng một số quan chức ở vào giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” có dấu hiệu “tăng tốc” tham nhũng, thực hiện những “chuyến tàu vét”. Là người cũng ở giai đoạn “hoàng hôn”, ông suy nghĩ gì về câu nói này của đại biểu?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Thực tế cũng có những người như vậy. Nhưng cái đó phụ thuộc vào nhân cách, văn hóa của mỗi người. Không phải ai cũng thế, cũng có những người tốt. Những người này, gần hết nhiệm kỳ họ càng muốn đóng góp thêm một chút gì đó với đất nước, với các tổ chức mà mình đã ở trong đó lâu nay.

Ngược lại, cũng có người tranh thủ vơ vét, kiếm chác. Nhưng con người sinh ra vốn không có tiền và lúc chết cũng không mang tiền theo được. Nếu để lại cho con cái thì làm hỏng con. Với con cái, thứ mà cha mẹ có thể để lại cho nó là nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh của chính nó.

PV: Quay trở lại câu chuyện quyền lực, bà Aung San Suu Kyi, người vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Myanmar lại đưa ra một cái nhìn khác: “Nỗi sợ mất quyền lực làm cho người ta tha hóa”. Liệu điều này có xảy ra ở Việt Nam không?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Cũng có người sợ. Nhưng theo tôi, đừng sợ mất quyền lực. Tất nhiên cũng không thể mất cảnh giác để quyền lực rơi vào tay kẻ xấu. Cái đó cũng là có tội với nhân dân. Mình cứ hết lòng phục vụ nhân dân thì sẽ có quyền lực chính đáng. Nhân dân cần có người để họ tin, để họ ủy quyền. Không ủy quyền cho anh thì cũng phải ủy quyền cho người khác. Và khi được dân tin thì quyền lực của anh sẽ càng bền vững, chứ không mất đi đâu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

** Tiêu đề bài viết do VOV.VN đặt lại.

Kim Ngân

Theo báo Công an TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm