Bạn đọc viết:

"Nhảy lớp" và học làm người

(Dân trí) - Bài này đăng trên VNnet (*) hôm nay có thể làm cho một số nhà giáo băn khoăn. Học sinh học giỏi, vượt trội có thể học vượt lớp; những em giỏi có thể theo học ở từng chuyên đề cùng sinh viên ở trường đại học để tích lũy tín chỉ.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Theo tiếp lên đại học, các em có thể lấy bằng ở tuổi 20 hoặc sớm hơn. 
 

Đành rằng lúc nào và ở đâu cũng có những học sinh rất giỏi, những trường hợp mà các nhà tâm lý gọi là haut potentiel – tiềm năng cao. Nhưng lấy “ngoại lệ” thành “lệ” có thể làm hỏng cả một hệ thống giáo dục vốn hiện đang chuộng bằng cấp và ít chú trọng đến học làm người.

 

Đọc cả bài báo, đọc các phát biểu của các nhà giáo dục và quản lý giáo dục của ta, có thể thấy các cụm từ như: “chọn lọc những học sinh xuất sắc”, “tích lũy”, “rèn luyện kỹ năng”, “kiến thức” được nhắc lại nhiều lần. Bên cạnh đó, cũng có các cụm từ như: “sáng tạo”, “trò chủ động học tập”,  “phụ huynh”...

 

Rất hay! Nhưng những năm ở trường, theo nguyên tắc là những năm rèn luyện kỹ năng sống với người khác, là học làm người biết suy nghĩ, chứ không phải chỉ để có “một cái đầu đầy” (theo Montaigne: cần một cái đầu biết suy nghĩ hơn là một cái đầu đầy).

 

Đi gặp các chuyên gia chủ trì các quyết định "nhảy lớp" ở Bỉ, ta mới biết là trước các quyết định này, cả hội đồng (cha mẹ trò, giáo viên chủ nhiệm lớp hiện thời, giáo viên chủ nhiệm lớp dự trù cho em, hiệu trưởng trường và tâm lý gia, một nhà giáo dục) lo "nhảy lớp" cho một em tiềm năng cao phải cân đo dè dặt trước tình huống: 

 

+ Em học giỏi, để em ở cùng lớp đúng tuổi em sẽ chán, mất thì giờ cho em. Em sẽ xem thường, thậm chí bỏ bê việc học.

 

+ Nhưng cho lên lớp cao hơn, em sẽ mất bạn hiện thời, em có thể bị cô độc. Phát triển tâm lý của em có đủ “chín chắn” chưa và thậm chí phát triển sinh lý của em có khả năng hòa đồng với lớp mới và môi trường mới hay không? Cụ thể là chiều cao của em, để làm sao em không bị các bạn xem là “con vịt đẹt” vì hình thể em bé hơn so với các bạn đồng lứa?

 

+ Em nào, sau khi cho "nhảy lớp" cũng được theo dõi trong một năm và cả tập thể sẵn sàng “đổi quyết định nhảy lớp” nếu cần.

 

Một cách khách quan, những cố gắng của trường THPT Nguyễn Tất Thành hay sự trợ lực của trường ĐHSP Hà Nội là rất đúng. Những phương thức làm việc ấy có thể được xếp vào phương pháp dạy học tùy đối tượng – Pédagogie différenciée – mà Philippe Meirieu (giáo sư Đại Học Lyon II, Pháp) và nhiều nhà giáo khác chủ trương. Nhưng Philippe Meirieu không chủ trương dạy tùy đối tượng để chọn “gà nòi” hay để "nhảy lớp".

 

Học để khẳng định mình – apprendre pour être, học để trở thành – apprendre pour devenir – chứ không học để có bằng. Học để hạnh phúc chứ không học để chạy đua với chương trình hay với số năm học.

 

Trong thời chiến, ta có thể vì tình hình căng thẳng hay vì khó khăn, hô hào những cách có thể để đi nhanh. Nhưng giữa thời bình, cả một hệ thống giáo dục cần nhắm tới các chủ đích giáo dục toàn diện cho toàn giới trẻ và cho lâu dài.

 

Tiếp tục dạy học để chấm điểm xếp hạng, chọn lọc học sinh xuất sắc... là  đang ...trễ tàu so với trào lưu giáo dục hiện thời. Trong bối cảnh cải tổ toàn diện  giáo dục có lẽ ta nên nắm hết các khía cạnh để có những cải tổ tốt nhất.

 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ) 

 

(*) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/193741/hoc-sinh-co-the-nhan-bang-dh-khi-vua-het-pho-thong.html