Nhận sai và sửa sai

(Dân trí) - Việc GS Đặng Hùng Võ nhận lỗi với người dân Văn Giang được nhiều ý kiến bạn đọc ghi nhận là một hành động dũng cảm, đúng đắn và có ý nghĩa. Cũng có không ít phản ứng trước thực tế đáng buồn là đa số giới chức chỉ “nói mạnh” khi đã “hạ cánh”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ

 

Thương có thương…

 

Động thái thẳng thắn nhận sai sót, khuyết điểm về phần mình của GS Đặng Hùng Võ ngay trong buổi đối thoại trực tiếp với người dân Văn Giang, có lẽ không chỉ khiến những người tham dự bị bất ngờ, mà còn làm cho nhiều người khác chắc cũng phải suy nghĩ.  Bởi việc “lẽ ra phải làm” này ở nước ngoài là chuyện bình thường, thì ở VN ta vẫn… xưa nay hiếm.

 

Những ai chắc cũng có cách nhìn nhận thẳng thắn như GS Võ, đón nhận động thái này của ông với cả thiện cảm và sự tin tưởng, có phần còn nể trọng hơn trước, như Trần Văn Hạnh  Hienduong@gmail.com bày tỏ:

 

“Rất hoan nghênh ông Đặng hùng Võ. Giá mà mọi cán bộ đều dũng cảm và tự trọng như ông thì tình hình chắc sẽ khác đi rất nhiều, có lợi cho đất nước hơn”.

 

Số khác tuy vẫn còn những điều đè nặng trong lòng, song ít nhiều cũng cảm nhận được sự chân thành của vị cựu giới chức vẫn giữ được những nét tính cách của một nhà khoa học. Bởi thế chắc họ cũng đồng ý với những nhận xét như của Ngô Văn Siêng Ngovansieng@yahoo.com.vn:

 

“Dạo này cũng thấy có khá nhiều người lên tiếng xin lỗi, nhưng sao nghe lời nhận lỗi của bác Võ em lại rơi nước mắt… Có lẽ vì bác ấy quá thật lòng…”

 

Hoặc phần nào đồng ý với phân tích của Phuong VP anhphuong0212000@yahoo.com:

 

“VN mình đang tích cực chống tham nhũng mà…. Dẫu sao thì việc bác làm bây giờ dù có muộn nhưng có còn hơn không đối với người dân lúc này. Hơn nữa, nhân dân vẫn còn cần nhiều người làm như đồng chí Chủ tịch Nước đã  nói và làm lắm…”

 

  xem ra càng có sức thuyết phục với nhiều người hơn khi họ thấy được cái lý, cái tình thể hiện như qua lá thư ngỏ của Nguyễn Quân  nguyenthequan2009@yahoo.com.vn:

 

“Gửi GS Võ! Đọc bài viết, thấy ông cũng thật đáng trách vì đã có việc làm vi phạm qui định, gây ra nỗi bất bình lớn với người dân Văn Giang. Nhưng cũng thấy ở GS Võ là người dám nhận trách nhiệm về việc làm sai của mình. Đây là một suy nghĩ, hành động đẹp mà tôi có thể nói là phiên bản mẫu hành xử khi có việc tương tự xảy ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Trách GS nhưng cũng cảm ơn ông Võ!”…
 
Khu vực thu hồi đất của dự án Ecopark, Hưng Yên (ảnh: Thế Dũng, nguồn: Người Lao động)
Khu vực thu hồi đất của dự án Ecopark, Hưng Yên (ảnh: Thế Dũng, nguồn: Người Lao động)

 

…Mà giận vẫn giận 

 

Mặt khác, số người vẫn cảm thấy làm vậy là Cần nhưng chưa Đủ cũng nêu ra những điều vẫn còn vướng mắc, khiến họ khó có thể tin tưởng và chấp nhận việc làm này của một cựu giới chức. Ở đời, sai một ly có thể đi một dặm. Hơn thế nữa, quyết định sai trong lĩnh vực đất đai vô cùng nhạy cảm thì hậu quả gây ra với người dân không biết bao giờ mới cứu vãn nổi.

 

“Làm sai mà tự dám đứng ra nhận là một điều tốt. Nhưng phải để cho những người khác vạch rõ cái sai, hoặc không còn lý do để bào chữa nữa mới làm vậy thì đó có phải điều mà chúng ta cần từ một người đã làm sai không? Mãi sau 8 năm mới nhận ra mình sai, trong khi 8 năm qua người dân Văn Giang chúng tôi sống khổ sở như thế nào, ai thấu cho? Với một nguyên giới chức làm sai mà dám đứng ra nhận sai đã được khen ngợi ư?  Chúng tôi thì không cho là vậy, mà nghĩ đó là việc mà một người làm sai bắt buộc phải làm (không phân biệt người đó là ai, địa vị như thế nào). Tôi biết việc làm của GS. Đặng Hùng Võ là vì dân, vì nước. Ai cũng có lúc sai, nhưng sai thì phải biết sửa và sửa ngay....” - Người Văn Giang:  abc@gmail.com

 

“1-Làm sai thì nhận lỗi. Vậy ông Võ có thể sửa sai được không?

 

2-Ông ký QĐ khi đương chức, nay là dân thường, đối thoại, nhận sai thì dân được lợi gì?

 

3-Đúng ra Bộ TNMT phải đứng ra đối thoại và ông Võ chỉ là thành viên trong đoàn của Bộ TNMT thì mới thực sự là tôn trọng dân chứ. Vì khi ông ký QĐ là đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, nay ông chỉ đối thoại với tư cách cá nhân thì tôi thấy vẫn vô nghĩa và chưa thực sự coi trọng dân đâu” - Mai:  mai@yahoo.com

 

“Có lẽ công chúng và báo chí đã làm sáng tỏ được chân lý đúng đắn của người dân. Tôi xin hỏi ông Đặng Hùng Võ: Văn bản ấy ông có đọc và đọc kỹ trước khi ký không? Ông có tin 100% ở cấp dưới không?” - Trần Khánh Dinh:  tkvdinh@gmail.com

 

“Cứ làm sai rồi lại xin lỗi, nhận lỗi thì đến tôi là dân thường cũng nhận lỗi, xin lỗi được.  Các ông cứ lấy đất bằng được, rồi thử hỏi các ông có hiểu rõ bao nhiêu người dân không có đất từng ấy năm đến bây giờ sống khổ sở như thế nào không? Cái quan trọng là lòng dân mà dường như các ông vẫn không hiểu? Bác Hồ nói các vị là “đầy tớ của nhân dân”, nhưng bây giờ phải sửa ngược lại mới đúng thực tế…” - Thanh Tùng:  tungdj82@gmail.com

 

“Ông là một cán bộ đã nghỉ hưu thì nhận lỗi trước người dân rồi có giải quyết được vấn đề không? Tại sao biết làm sai khi đương chức mà ông lại không có ý kiến gì?” - Trinh Văn Thanh:  trinhthanh42@gmail.com

 

“Tôi thấy ông Đặng Hùng Võ ngày trước còn đang đương chức, chắc vì một lí do tế nhị nào đó mà ông phải ký các giấy tờ sai. Bây giờ ông đã về hưu (chắc chẳng còn gì để mà sợ), nên ông đã dũng cảm thừa nhận sai trái... gây ra bao nhiêu nỗi khổ đau cho dân…” - Hoang Thu Minh:  thuthuy25@yahoo.com

 

Nói lên được lời xin lỗi, nhất là khi đã được coi như có thể “hạ cánh an toàn rồi” như GS Võ rõ ràng vẫn không phải là điều dễ thấy trong số các giới chức VN. Vì thế, dù ít dù nhiều chắc nhiều bạn đọc cũng đồng ý với cách nghĩ… “thoáng” hơn như ý kiến của  Kim ĐL tranthanh_boy30@yahoo.com:

 

“Lần đầu  tiên có một vị cán bộ ở cấp lãnh đạo sau khi nghỉ hưu vẫn nhận trách nhiệm về việc mình làm trước đây, còn sẵn sàng nhận lỗi với nhân dân, tôi thấy ông thật đúng là nhà văn hóa, nhà trí thức của nhân dân. Rất mong nhiều  vị có những việc làm sai nên làm như GS Võ để nhân dân thông cảm, vì tôi thấy người Việt Nam nhìn chung rất rộng lượng. Cụ thể như vụ thủy điện Sông Tranh 2 đó, sao vẫn không ai làm được như GS Võ trong vụ Văn Giang nhỉ?”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nhân vô thập toàn, ai trong đời cũng khó tránh khỏi có lúc sai sót, thậm chí còn sai trầm trọng. Càng làm nhiều càng có thể phạm nhiều sai lầm hơn. Không làm gì cả, chỉ ngồi đó mà phê phán, chê trách người khác thì rất dễ. Song dù có là người bị hại thì hành động mở lòng hơn với cái sai của người khác khi họ đã biết mình làm sai và chứng tỏ bằng hành động mong muốn sửa sai, âu cũng là điều nên làm...
 
Thanh Nguyễn