Bạn đọc viết:

Nhân ngày 20/11: Nghĩ về thầy cô

(Dân trí) - Nghề giáo thường được ví như nghề lái đò và thầy cô là những người đưa đò. Những chuyến đò âm thầm chở từng lớp người, từng lớp học trò ngày ngày đến bến mới. Con đò cứ lặng lẽ theo dòng thời gian mang người lữ khách đến nơi họ cần đến.

Nếu được ví nghề dạy học như một bản nhạc thì Thầy cô sẽ là nốt trầm xao xuyến, êm đềm nhưng sâu lắng lòng người. Nếu là một nhạc cụ thì họ là sáo diều vi vu, thổi những giai điệu nhẹ nhàngkhó quên. Nếu là không gian vũ trụ, họ như một cơn gió nhẹ thoảng qua, âm thầm mang yêu thương vang vọng mãi cuộc đời mỗi con người chúng ta.

Nghề giáo thường được ví như nghề lái đò và thầy cô là những người đưa đò. Những chuyến đò âm thầm chở từng lớp người, từng lớp học trò ngày ngày đến bến mới. Con đò cứ lặng lẽ theo dòng thời gian mang người lữ khách đến nơi họ cần đến. Trên con đường bến bờ ấy không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đôi khi họ gặp phải sóng dữ, khó khăn, trở ngại. Vì tình thương yêu bao la của chính mình như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim đã giúp người lái họ vững tay chèo tiếp tục cầm lái.

Người Thầy còn như một nhà làm vườn, đêm ngày ươm trồng chăm sóc cẩn thận cho hạt giống của mình mong sao chúng có thể lớn nhanh, khỏe mạnh để có ích cho đời. Hạt giống mà thầy cô gieo trồng ở đây là hạt giống tâm hồn - sự nghiệp trồng người. Họ đã cung cấp cho chúng ta một hành trang vững chắc, một kiến thức vững vàng. Đó là thứ tài sản vô giá, để chúng ta chập chững bước từng bước vào cuộc sống đầy chông gai và thử thách của cuộc sống.
 
Nhân ngày 20/11: Nghĩ về thầy cô - 1
Một lớp học miền núi cao xứ Nghệ.

Niềm vui sướng của thầy cô là khi thấy học trò tung tăng cắp sách đến trường, hí hoáy làm tốt bài kiểm tra và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Niềm vui của người học trò cũng chính là niềm vui của người Thầy. Cũng có khi có những nỗi buồn vì các cô cậu học trò hư, quậy phá, chịu đựng cảnh học sinh vô lễ với những lời lẽ và hành động không hay nếu mình quá nghiêm khắc.

Thử hỏi, người Thầy đã phải trải qua biết bao nhiêu tình huống khó xử để uốn nắn “cây đời” thành những người công dân tốt. Đó là sự tự kiểm điểm, chất vấn bản thân với hàng trăm câu hỏi đặt ra. Một sự đấu tranh tư tưởng và cần khoảng thời gian dài để suy nghĩ, xem xét và giải quyết. Và, bên cạnh những nụ cười viên mãn khi thấy học trò trưởng thành, thành đạt. Nhiều khi bên khóe mi kia là những giọt nước mắt, giọt nước mắt rơi bởi những học trò nghịch ngợm gây ra biết bao nhiêu điều phiền lòng.

Với bao lớp học trò qua nhiều cấp dạy thì mấy ai nhớ hết, nhưng trong lòng thây cô vẫn nhận rõ các gương măt học trò cũ ngày nào. Sự diễn biến tâm lý trong Những con đò lặng lẽ ấy có biết rằng người lữ khách hôm nào mấy ai nhớ về mình không? Hay chỉ là người đi đò qua sông rồi lại quên ngay bến sông với người lái đò ngày nào? Trong tâm tư của những con người đáng kính này, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn, mỗi nhà giáo đều biết và chấp nhận sự thật đó. Người đưa đò không đòi hỏi người đi đò phải nhớ công ơn của mình, mà họ nhận ra rằng trách nhiệm của họ là phải đưa lữ khách cặp bến an toàn. Trong bước đường tương lai sau này khi gặp lại nhau chỉ cần học sinh cũ gật đầu chào hỏi với một nụ cười thân thiện, biết ơn là thầy cô cũng mãn nguyện lắm rồi.

Một nhà giáo chân chính là người có tấm lòng yêu nghề, yêu người với sự hy sinh cao cả trong thầm lặng. Người Thầy chọn nghề hay chính nghề cũng đã chọn họ. Nghề dạy học gắn liền với máu thịt và người học trò là những bộ phận không thể thiếu trong cái cơ thể tổng hòa đó. Việc yêu người là rất quan trọng! Nghề mà họ theo đuổi là đào tạo, uốn nắn cho hạt giống người trở thành một cây xanh tốt, góp phần làm đẹp cho đời. Để mỗi người là một bông hoa tươi thắm tô đẹp cho xã hội, làm nên vườn hoa đẹp. Chính tấm lòng yêu nghề đã giúp họ có thể vượt qua tất cả để dẫn dẫn dắt học trò bước trên con đường phía trước, đi vào đúng quỹ đạo của nó.

Đã chọn nghề giáo thì suốt đời gắn liền với cuộc sống của nhiều người, cần có một trái tim nhân hậu, một tấm lòng khoan dung vị tha và lòng yêu thương đủ lớn. Người Thầy luôn biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe và khuyên nhủ, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của tuổi học trò ngây thơ trong sáng.

Dòng thời gian êm đềm trôi mãi, nó không chờ đợi một ai. Giờ đây khuôn mặt thầy cô đã xuất hiện nếp nhăn, mái tóc kia không phải là hạt bụi phấn vô tình ngày nào mà đó là những sợi bạc của tháng năm, những nếp nhăn và sợi bạc của thời gian, phải chăng là do lỗi lầm ngày nào của chúng ta? Giá như bánh xe thời gian có thể quay trở lại thì chắc hẳn không ít chúng ta sẽ không làm cho người Thầy, cô kính yêu của mình phải buồn lòng. Để khuôn mặt kia luôn vui vẻ, mái tóc ấy không phủ đầy những sợi bạc.

Dù cho anh là ai, ở bất cứ địa vị nào thì cũng được lớn lên trong sự dạy dỗ của bậc cha mẹ và thầy cô. Có thể khẳng định rằng ai cũng từng một lần được lớn lên trong sự dìu dắt của người thầy, người cô. Ai cũng biết được nghề giáo là thế nào nhưng mấy ai biết hết ý nghĩa và những việc làm thầm lặng của những người đáng kính ấy.

Nhân ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam! với tấm lòng thành kính biết ơn sâu sắc những người đã thầm lặng vắt óc, nặn tim dâng hiến cho đời, tạo nên “mùa vàng” cho xã hội. Xin gứi tới các thầy cô những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các thầy cô mãi mãi vui tươi tỏa ngát hương cho đời.

Phùng Văn Mùi