Bạn đọc viết

Nhân lên nét đẹp phong tục khai bút đầu xuân

Khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm, từ lâu đã trở thành một phong tục vừa mang ý nghĩa linh thiêng, vừa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Nó như một mạch nguồn chảy mãi, chảy mãi cùng thời gian nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Việt.


Lễ Khai Bút xuân được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại đình thờ Chu Văn An (1292–1370) thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì – Hà Nội, đây chính là nơi ông sinh ra. (Ảnh : Hữu Nghị)

Lễ Khai Bút xuân được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại đình thờ Chu Văn An (1292–1370) thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì – Hà Nội, đây chính là nơi ông sinh ra. (Ảnh : Hữu Nghị)

Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp…. và không chỉ có những người gắn với nghiệp cầm bút thì mới khai bút mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng của mình trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu. Nên mỗi độ tết đến xuân về, sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất làm lễ khai bút để không chỉ mong có một năm mới may mắn, sự nghiệp hanh thông, mà còn thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta về tính Chân -Thiện -Mỹ và được thổi vào đó một ý nghĩa tâm linh chính là ước nguyện trong năm mới của người thực hiện nghi thức này.

Chính vì thế, theo cùng với thời gian nó trở thành một phong tục không chỉ là thói quen khởi đầu trong ngày đầu tiên của năm mới đến nay vẫn được nhiều gia đình, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách rất coi trọng thực hiện với tất cả sự trịnh trọng, tâm thành, trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Nhất là trong những năm gần đây để duy trì và phát triển mỹ tục này, đầu năm, rất nhiều các gia đình, và các dòng họ, thường tổ chức lễ khai bút đầu năm tại văn miếu, đền, đình.... Nghi lễ này không chỉ khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

Tuy nội dung và hình thức của tục khai bút có nhiều thay đổi, nó không còn phổ biến và mang đậm ý nghĩa như xưa nữa, nhưng những giá trị nhân văn sâu sắc của việc khai bút đầu xuân vẫn là hành động gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Khai bút không chỉ tượng trưng cho một năm may mắn, cát tường mà còn gửi gắm trong đó tâm tư, nguyện vọng tốt đẹp, như ý, mà ý nghĩa tinh thần, giá trị quan trọng hàng đầu của việc khai bút luôn được đề cao truyền thống hiếu học. Rất nhiều bậc phụ huynh chú trọng việc nhắc nhở con em mình khai bút đầu năm, hướng về cội nguồn, truyền thống và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn.

Chính vì vậy việc phát huy, nhân lên những giá trị của phong tục khai bút đầu xuân không chỉ là nhân lên nét đẹp trong văn hóa mà còn là việc làm vô cùng ý nghĩa, rất cần thiết đối với tất cả mọi người. Đây vừa là một hoạt động thiết thực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, vừa là một phong tục nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo…

Thế nên mong rằng mỗi độ tết đến xuân về không ít gia đình thường trân trọng và gìn giữ những phong tục đẹp ấy, để không chỉ nhân lên những hy vọng, mơ ước năm mới sẽ đến với thật nhiều may mắn, tốt lành mà còn tạo không khí vui vẻ, nhộn nhịp của ngày đầu xuân, nhất là trong việc tiếp tục nhân lên nét đẹp phong tục khai bút đầu xuân trở thành một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của dân tộc ta.

Minh Tư