Nhân câu hỏi về sự “tiếp tay”

“Có sự tiếp tay của chính quyền địa phương không? Dự án lớn phân lô bán nền mà chính quyền không biết thì có hợp lý không?” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đặt câu hỏi trong phiên họp của HĐND TP.

Nhân câu hỏi về sự “tiếp tay” - 1

Công trình xây dựng trái phép đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Văn Thắng

“Có sự tiếp tay của chính quyền địa phương không? Dự án lớn phân lô bán nền mà chính quyền không biết thì có hợp lý không?” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đặt câu hỏi trong phiên họp của HĐND TP.

Và câu hỏi ấy, nên được đặt trong bối cảnh “mỗi đêm lại mọc lên một căn nhà xây trái phép”.

Đây là thống kê chính thức của TP: Từ đầu năm 2019 đến nay, qua kiểm tra phát hiện 619 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 27% so với cùng kỳ, công trình xây dựng không phép cũng phát hiện 616 trường hợp.

Chính các quan chức của TP cũng cho rằng: “Không loại trừ cán bộ thỏa hiệp với các hành vi không đúng”.

Và có lẽ, nói đến chuyện vi phạm trong xây dựng, không thể không nhắc lại lời Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết?”.

Không ngẫu nhiên, cả Hà Nội, TPHCM đều đang nóng vấn đề không phép, trái phép, vượt phép trong xây dựng.

Và nhiều khi, có những chi tiết “như con voi” chúng ta không thể trả lời được câu hỏi tại sao.

Chẳng hạn chung cư CT6 mà Bemes là chủ đầu tư. Dù quy hoạch thiết kế được duyệt chỉ là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.

Chẳng hạn tòa nhà 5B Lê Trực, mấy nhiệm kỳ không xử lý dứt điểm nổi.

Câu hỏi về sự tiếp tay được thể hiện trong những con số chẳng hạn tại Hà Nội, từ 2014 đến 10.2018 có tới 98 người thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng bị kỷ luật.

Nhưng đó chắc chắn chưa phải là tất cả. Thanh tra xây dựng cũng không phải là lực lượng duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Có sự tiếp tay hay không? Thật ra, câu hỏi đó phải được đặt ra bởi cử tri, nhân dân. Và người trả lời phải là chính quyền. Ít nhất, trong lẽ công bằng tối thiểu “một cái xe cát” và những “con voi”.

Mọi người đều biết, chỉ những người có trách nhiệm không biết. Đó sẽ là điều phải thay đổi. Và sẽ chỉ có thể thay đổi nếu chính quyền tự ý thức được rằng họ là người phải trả lời câu hỏi ấy.

Theo Anh Đào

Báo Lao động