Bạn đọc viết
Nhạc sĩ Ngọc Khuê với bài hát “Tình Bác”
Cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ chí Minh” đã được đông đảo giới văn nghệ sĩ và mọi người hưởng ứng, nhiều tác phẩm xuất sắc được trao giải trong đó có ca khúc “Tình Bác” của nhạc sĩ ngọc Khuê.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê – tác giả ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” nổi tiếng, là 1 trong số 20 ca khúc đặc sắc về đề tài Nông nghiệp. Ông là người con của làng dừa Yên Sở - Hoài Đức (Hà Tây). Năm 18 tuổi bắt đầu bước vào quân ngũ, trở thành lính cao xạ pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng. Năm 1974 ông chuyển về Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - không quân làm diễn viên, rồi làm trưởng đoàn, sau đó là Chủ nhiệm Nhà Văn hoá Quân chủng PK-KQ cho đến lúc nghỉ hưu. Ông là một nghệ sĩ đa tài trong nhiều lĩnh vực: văn thơ, ca hát, sáng tác âm nhạc. Ông đã xuất bản một số sách âm nhạc như “Tuyển chọn ca khúc Ngọc Khuê”, “Hoa và nắng” (gồm 108 ca khúc) do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2002. Tập thơ “Cơn mưa xanh” do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2004. 2 album “Hạt nắng hạt mưa” , “Mùa xuân làng lúa làng hoa” do nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam phát hành năm 1996 ... Ông cũng được trao nhiều giải thưởng của hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội âm nhạc Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao, Bộ quốc phòng, Trung Ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ NN & PTNT. Và mới đây, ông được nhận giải thưởng tác phẩm âm nhạc xuất sắc nhất trong cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010 với ca khúc Tình Bác. (Theo quyết định số 165-QĐ/BTGTW ngày 4/5/2011).
Kể về quá trình sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết ông chưa một lần được vinh dự gặp Bác nhưng qua nhiều câu chuyện kể về Bác, ông đã thấy ở Người một tấm lòng cao cả, một tình yêu thương bao la đối với chiến sĩ. Có những câu chuyên cảm động của Bác đối với bộ đội. Bác thường nói “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được”.
Một lần, ông được nghe đồng chí Chính trị viên kể câu chuyện: vào năm 1967, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đến thăm bộ đội Phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình xem có đủ nước uống không. Khi đồng chí Vũ Kỳ về báo cáo lại tình hình anh em trên đó thiếu nước uống, Bác đã bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy số tiết kiệm của Bác ra, chuyển tiền qua Bộ Tổng tham mưu mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống. Sau này Bộ tư lệnh PKKQ báo cáo lại: Số tiền ấy đã mua nước ngọt cho anh em uống được 1 tuần. Nhạc sĩ đã quá xúc động về tấm lòng bao dung của một lãnh tụ đối với chiến sĩ như một người cha già với các con thân yêu của mình.
Với cán bộ, chiến sĩ Không quân, nhạc sĩ nhớ mãi câu chuyện Tết Đinh Mùi 1967 Bác đến thăm Quân chủng PKKQ. Bác đã thân mật hỏi: Có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội? Đồng chí chính ủy báo cáo có 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc máy bay. Bác đã gọi đồng chí Cốc lên ôm hôn và nói: “Bác mong Không quân ta có nhiều Cốc hơn nữa”. Rồi Người lại bảo cử một chiến sĩ nuôi quân, một bác sĩ, một y tá, một chiến sĩ gái lên cho Bác bắt tay, ôi những cái bắt tay ân cần thân thương sao mà xúc động đến thế.
Trong quân chủng PKKQ nhạc sĩ Ngọc Khuê cùng đồng đội vẫn nhớ đinh ninh lời Bác dặn dò: Nếu đồng chí nào bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Bác sẽ thưởng ngay một huy hiệu mang hình Bác và trên cánh bay sẽ được gắn 1 ngôi sao màu đỏ… Lời dặn ấy là động lực thúc đẩy chúng tôi cố gắng bắn rơi, hạ nhiều máy bay Mỹ hơn nữa. Những tình cảm ấy của Người đã khắc sâu vào trong tâm khảm mỗi người chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người canh giữ bầu trời bình yên. Nhạc sĩ nung nấu ý định sẽ viết một ca khúc về Bác.
Năm 2007 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, thu hút mọi tầng lớp nhân dân làm theo gương Bác, nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn tiếp tục nung nấu ý định viết về Người. Năm 2008, nhạc sĩ An Thuyên có trao đổi với nhạc sĩ Ngọc Khuê về cuộc vận động sáng tác hưởng ứng chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” , nhạc sĩ An Thuyên có nói: anh cứ viết những gì anh cảm nhận được về Ông Cụ một cách gần gũi thân thương nhất. Nhạc sĩ Ngọc Khuê hồi tưởng lại những dấu ấn sâu đậm về Người qua các câu chuyện được nghe, nhất là tình cảm như một người cha của Bác đối với bộ đội. Thế là bài hát Tình Bác đã ra đời sau nhiều năm nung nấu. Ông đưa nhiều hình ảnh, câu nói của Bác với chiến sĩ ta nói chung, với bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng vào ca từ của bài hát với một tấm lòng biết ơn sâu sắc và lòng thành kính vô hạn đối với vị cha già của dân tộc. Bài hát này viết ở thể 2 đoạn đơn cấu trúc A-B. Đoạn 2 tiết tấu nhanh hơn, lôi cuốn hơn. Lúc viết đến câu kết, nhạc sĩ muốn có chút chơi vơi như một sự hồi tưởng lắng đọng. Ông nhớ, trong Di chúc, Người đã viết: “…Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70, xưa nay hiếm”….” Từ đó khiến nhạc sĩ liên tưởng đến một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường trong bài “Hoàng Hạc Lâu”: “Bạch vân thiên tải không du du” tạm dịch là “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay…” . Học tập Bác Hồ, về tấm gương đạo đức cao quý của Người là mãi mãi, như trái đất này, bầu trời này ngàn năm trong xanh là vậy! Câu kết chỉ có 3 tiết nhạc với ca từ “Lời Bác chắp cánh bay. Lời non nước đắm say. Ngàn năm mây trắng bay bay” nhưng nhạc sĩ muốn chuyển tải ý tưởng sáng tác của mình: Lời Bác đã nâng bước chân ta, động viên ta mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nay Bác đã đi xa, nhưng lời Bác là lời của nước non, vẫn ở lại bên ta hàng ngày. Và hình ảnh Ngàn năm mây trắng bay như linh hồn của Bác còn mãi với non sông đất nước, dìu dắt chúng ta tiếp tục vững bước đi trên con đường Bác đã vạch ra và tiếp tục sự nghiệp của Bác đã chọn. Dấu ngân tự do kết thúc bài hát và chùm 3 nốt nhạc đặt trên dấu luyến tạo sự bay bổng, khiến tâm hồn ta trong sáng hơn. Như một lời thơ của Tố Hữu “Yêu bác lòng ta trong sáng hơn.”
Bài “Tình Bác” được “trình làng” lần đầu tiên trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tháng 12 năm 2008 với sự thể hiện xuất sắc của ca sĩ Đức Tuấn cùng tốp nữ đoàn Nghệ thuật PK-KQ phụ hoạ. Sau đó, bài hát đã được nhiều ca sĩ và “chiến sĩ văn nghệ” khác (như Trung Hải, Đoàn bay vận tải 918, hoặc tốp ca nam Đoàn Phòng không Hà Nội) hát cũng rất thành công. Lúc đầu, ca khúc có tên là “Tình Bác”, sau đó để cho gắn bó hơn với Quân chủng PK-KQ, một vài đơn vị đã tự đổi tên là “Tình Bác với bộ đội Phòng không – Không quân” ; “Tình Bác với người chiến sĩ canh trời”.
Diễm Nguyệt