Phiếm đàm

Nhà nghèo đắp chiếu khác nhà giàu đắp chiếu thế nào?

(Dân trí) - Ô hay, đắp chiếu cũng có cái hay của nó chứ, thế ông không biết hiện nay, nhiều nhà giàu bỗng khoái đắp chiếu lắm.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bỗng dưng, bạn tôi ôn nghèo nhớ khổ:

- Thế hệ con cháu đâu biết chúng ta ngày xưa, trước cách mạng tháng 8 và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, nhiều nhà không có màn, mà ngay cả tấm chăn cũng không có, mùa rét nằm ngủ phải đắp chiếu cho đỡ lạnh đấy.

Tôi bảo:

- Ô hay, đắp chiếu cũng có cái hay của nó chứ, thế ông không biết hiện nay, nhiều nhà giàu bỗng khoái đắp chiếu lắm.

Bạn tôi ngạc nhiên:

- Ông nói lạ. tôi chỉ biết là bây giờ, nhiều nhà giàu bỗng dưng “hoài cổ”, thích ăn những món ăn của nhà nghèo xưa kia như mắm cáy chấm rau lang ở vùng nước lợ Hải Dương, Nam Định, chấu chấu rang với lá chanh ở đồng bằng Bắc bộ mà nhà giầu gọi là món “tôm bay”, Cơm cháy phơi khô ở Ninh Bình, cơm hến ở Huế… vì họ thích ăn, nên những món con nhà nghèo đó trở thành đặc sản, có giá lắm, ai ở nông thôn lên thành phố lớ ngớ không biết, coi chừng vào nhà hàng gọi món rau muống sào tỏi thôi, cứ tưởng chỉ dăm ba ngàn, lúc thanh toán mới ngớ người ra là năm chục, một trăm ngàn đấy. Có lẽ cũng giống như kiểu ăn món ăn nhà nghèo của những nhà giàu ở một số nước, chẳng hạn ở Trung Quốc trong truyện Hồng lâu mộng kể: Già Lưu từ quê nghèo lên thăm người nhà làm ở Vương phủ, được mời ăn món cà xào để xem ngày nào Già Lưu cũng ăn cà, giờ thử nếm xem món cà của Vương phủ làm có ngon hay không? Nhai một lúc lâu, già Lưu cười nói:” Cũng hơi có mùi cà, nhưng không phải là cà. Bảo cách cho tôi, khi về tôi cũng học nấu món ăn này.” người nhà Vương phủ bảo: “Có khó gì đâu, cứ đến tháng tư tháng năm, bà hái cà về gọt vỏ bỏ núm, chỉ lấy ruột thôi, đem thái nhỏ như sợi tóc, phơi thật khô. Sau đó bắt một con gà mẹ, ninh ra nước và hấp cà lên, xong đem ra phơi, chín lần phơi, chín lần hấp, lại đem phơi thật khô, rồi bỏ vào trong lọ sứ bịt thật kín. Khi ăn sẽ lấy một thìa trộn với thịt gà xào mà ăn.” Già Lưu lắc đầu lè lưỡi nói:”- Phật tổ ơi! Thế thì phải hết đến non chục con gà mới nấu được một bát. Chẳng trách ngon là phải!” Nhưng đó là chuyện nhà giàu thích ăn món ăn của nhà nghèo, chứ còn chuyện nhà giàu khoái “đắp chiếu”, tôi chưa nghe thấy ai nói và cũng không tin!

- Hi hi … nhà giàu ở nước ta thích đắp chiểu ở đây không phải là trời rét, họ bỏ chăn ấm nệm êm để lấy chiếu đắp chống rét, mà họ đắp chiếu theo kiểu khác . Nói cụ thể về cách đắp chiếu của họ nhé: nhiều năm nay, những người thường xuyên qua lại Cung Thể thao thao Quần Ngựa đã quen thuộc với hình ảnh của một chiếc xe đầu kéo màu đỏ rất hiện đại kèm theo rơ móc 40 feet, là một phòng khám y tế di động với những trang thiết bị hiện đại từ Hàn Quốc, chuyên để phục vụ cho việc khám chữa bệnh tại chỗ. Được biết chiếc xe được nhập vào Việt Nam vào năm 2007 trong một dự án một bệnh viện liên doanh với Hàn Quốc xây tại Từ Liêm - Hà Nội. Sau khi được đi vài vòng quanh khu thể thao Quần Ngựa để khám chữa bệnh trong ngày khai trương, chiếc xe được “ đắp chiếu” nằm yên tại chỗ cho đến bây giờ. Lại ở Cần Thơ, máy CT và MRI của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được mua từ năm 2010 bằng nguồn tiền Dự án hỗ trợ y tế ĐBSCL, số tiền mua máy CTscanner 64 lát cắt là hơn 20 tỷ đồng; còn tiền mua máy MRI là 26,6 tỷ đồng, khi dự án vừa kết thúc chưa bao lâu thì 2 máy hiện đại nhất này đều “đắp chiếu”, BV giới thiệu bệnh nhân qua bệnh viện tư nhân chụp cộng hưởng từ (MRI), bệnh nhân. đóng tiền phí chênh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân là 780.000đ cho một lần chụp MRI. Đó là chuyện y tế, còn về giáo dục, ở Gia Lai, Từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tỉnh đầu tư trên 180 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học, trong số này rất nhiều nhóm thiết bị công nghệ cao, giá trị hàng chục tỉ đồng đang trong cảnh “đắp chiếu” như tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Chư Prông), những bộ máy chiếu, màn hình thông minh được đặt lạc lõng trong căn phòng cũ kỹ với những bộ bàn ghế xiêu vẹo, nền gạch dính đầy vết bùn đất. Còn ở TP Hồ Chí Minh, tại quận 6 có trường tiểu học Phú Định tọa lạc trên khu đất rộng hơn 6500 m2 gồm 30 phòng học, được đầu tư xây dựng năm 2004 hết 20 tỷ đồng đến năm 2008 thì “đắp chiếu để đấy đến nay thì sụt lún, nứt nẻ… Chuyện nhà giàu đắp chiếu như vậy đang diễn ra ở không ít ở các ngành, các địa phương nước ta.

Bạn tôi vỡ lẽ:

- Xài tiền Nhà nước, họ “đắp chiếu” kiểu vậy thì chẳng khác gì “vén tay áo sô đốt nhà táng giấy” kinh thật!

Nguyễn Đoàn