Nguyên tắc nhân đạo của pháp luật

Liên quan đến vụ án giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, dư luận rất quan tâm đến trường hợp bị can Lê Văn Luyện chưa dược 18 tuổi nên sẽ không bị án tử hình và có nên sửa đổi quy định này hay không để răn đe tội phạm.

Để đưa tới bạn đọc thêm một quan điểm về vấn đề này, Dân trí giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả dưới góc độ một người hành nghề luật.

 
"Theo Điều 74 BLHS năm 1999, đối với người chưa thành niên đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội mà tội  đó có mức hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt tù cao nhất được áp dụng không quá 18 năm, nên chắc chắn theo quy định của pháp luật, Lê Văn Luyện không bị áp dụng hình phạt tử hình.
 
Những ý kiến cho rằng phải xử Luyện ở mức án cao nhất để làm gương đều xuất phát từ sự phẫn nộ cực điểm đối với tội ác mà Luyện đã gây ra. Điều này cũng nên thông cảm, bởi đó là trạng thái cảm xúc của trái tim, còn xử tử hình Luyện có tác dụng làm gương hay không thì cần phải xem xét nhiều yếu tố khác

 

Những ý kiến này còn có căn cứ xuất phát từ thực trạng tội phạm vị thành niên. Có thể nói, loại tội phạm này đang gây ra nỗi day dứt trong tâm can con người, lại đang có chiều hướng gia tăng khiến chúng ta nhức nhối không yên. Có thể sau khi xử vụ án Lê Văn Luyện, hình phạt mà tòa án tuyên sẽ gây ra hiện tượng các vị thành niên “được nước làm càn”, “sẵn sàng giết người” hoặc có  kẻ phạm tội thành niên tìm cách lôi kéo vị thành niên phạm tội rồi gài bẫy họ vào vai trò “chủ mưu” để né tránh hình phạt nghiêm khắc.
 
Nhưng đây mới chỉ là suy nghĩ bức xúc mang tính chất cảm xúc trước những hiện tượng xã hội mà thôi. Vấn đề là phải ngăn chặn tội phạm vị thành niên từ gốc chứ không phải từ ngọn. Gốc là gì ?  Trả lời câu hỏi này, phải xem xét một cách tổng thể những vấn đề thực tiễn gắn liền với nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh ra loại tội phạm này. Đó là môi trường  kinh tế-xã hội, là cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội, là nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn dân trong sự nghiệp giáo dục.
 
Đây là những vấn đề cần phải tổng hợp, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau của khoa học xã hội – nhân văn. Cơ chế thị trường đã bộc lộ rõ tính hai mặt nguy hiểm của nó, trong đó mặt tiêu cực đang len lỏi vào đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến lối sống, sinh hoạt, các quan hệ xã hội, kể cả quan hệ tưởng không gì có thể phá vỡ như quan hệ huyết thống trong gia đình, dòng họ, thầy trò…khiến đạo đức  con người đang có chiều hướng suy thoái nghiêm trọng. Cần phải định tính và định lượng mối quan hệ hai mặt của cơ chế thị trường để điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính, kinh tế  sao cho phù hợp.

 

Có quan điểm cho rằng, hiện nay loại tội phạm hình sự lứa tuổi vị thành niên ngày càng tăng, cho nên cần tính đến việc sửa đổi quy định hạ thấp tuổi xuống còn dưới 17 mới được miễn án tử hình để ngăn ngừa tội phạm. Tuy nhiên, không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên phạm tội là giá trị nhân đạo đặc biệt của pháp luật hình sự phổ quát trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của pháp luật hình sự nước ta.
 
Đó là vấn đề thuộc về bản chất của pháp luật hình sự. Việc vị thanh niên phạm tội giết người, thậm chí rất tàn ác thì cũng chỉ là những vấn đề thuộc về hiện tượng xã hội. Không thể vì để giải quyết hiện tượng mà phải làm thay đổi cả bản chất của pháp luật hình sự, trong đó những giá trị nhân đạo, đặc biệt nhân đạo với trẻ vị thành niên phạm tội đã được  tri thức chung của loài người, xây dựng, đúc kết trở thành những nguyên tắc có giá trị nhân văn từ lâu đời. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, không thể sửa đổi luật để tử hình người chưa thành niên phạm tội với mục đích làm giảm cơn đau tức thời của lương tri con người".
 
Luật sư Nguyễn Minh Tâm