Nguồn cơn chuyện đổ xô đi học thạc sĩ

(Dân trí) - Bài “Đổ xô đi học thạc sĩ” của tác giả Yến Anh đã “xui khiến” người viết bài này nói thêm, để chúng ta cùng suy ngẫm…và hy vọng có thể cải thiện tình hình trước khi quá muộn.

Ngày ấy

 

Ngày ấy

 

Từ sau 1975 nhiều trường đại học Việt Nam đã bắt đầu đào tạo sau đại học (post-universitaire), tức là đại học + 2 năm. Lúc ấy chúng ta chưa đào tạo tiến sĩ (khi ấy gọi là phó tiến sĩ). Những năm tháng ấy muốn có phó tiến sĩ phải sang các nước XHCN Đông Âu, nhiều nhất là Liên Xô. Chưa ai dám mơ đặt chân sang các nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada để làm nghiên cứu sinh. Đơn giản vì Việt Nam và các quốc gia ấy chưa có ký kết hợp tác đào tạo sau đại học, thậm chí cả bậc đại học và cả các loại hình đào tạo khác.
 
Cũng còn một lí do “tế nhị” nữa là mấy “anh tư bản” không coi bằng tốt nghiệp phổ thông cũng như bằng đại học của Việt Nam tương đương (correspondence) với họ. Cũng như họ không công nhận Phó tiến sĩ của các quốc gia XHCN Đông Âu ngang bằng với Tiến sĩ (docteur) của họ.

 

Có lẽ vì thế, chúng ta, cách đây không lâu, hình như đó là một ngày rất đẹp trời, sau một đêm ngủ dậy, nhiều trăm Phó Tiến sĩ Việt Nam thành Tiến sĩ để ngang bằng với thiên hạ. PTS trở thành… “lịch sử”.

 

Có một trường đại học tại Hà Nội mà tôi rất biết, giảng viên đã 5, 7 năm đứng trên bục giảng, khi sang Pháp học những năm 80, 90 Chính phủ Pháp cũng chỉ cho họ vào học năm thứ 3 (Licence). Sau 2 năm học khá vất vả lấy được bằng đại học (Maitrise) của họ. May mắn được đi tiếp (sau vài năm về nước giảng dạy) thì lại sau 2 năm dùi mài mới lấy được bằng DEA (tương đương Thạc sĩ). Cũng không ít người về nước mà chẳng có được bằng gì.

 

Cùng thời gian ấy, một số đồng nghiệp đi Úc, Anh (lần 2) may mắn hơn chỉ sau 1 năm lấy được bằng Master (vì sau đại học của xứ sở ấy chỉ 1 năm, hoặc 1 năm rưỡi).

 

Những năm tháng ấy để được đi học sau đại học (Thạc sĩ bây giờ) trong nước không phải dễ. Tiêu chí đầu tiên phải là giảng viên đại học (lúc ấy gọi là cán bộ giảng dạy), nghiên cứu viên (lúc ấy gọi là cán bộ nghiên cứu) của các Viện, có 5 năm công tác. Và nhiều tiêu chí khác, khá “rắn”. Và cuối cùng, phải trải qua một cuộc thi tuyển rất nghiêm túc. Những người được cử đi làm nghiên cứu sinh ở các nước XHCN Đông Âu như nói ở trên còn được chọn lọc kỹ hơn, nhất là về đề lí lịch. Nói chung để được học sau đại học , phải qua không ít cửa ải. Có lẽ vì thế, khi ấy hầu hết những người có bằng Cao học (đại học + 2), bằng PTS (đại học +4) đều ít bị kêu ca về trình độ.

 

Bây giờ

 

Bạn Yến Anh dùng chữ “đổ xô” đi học đủ thấy rằng, học sau đại học giờ đây không còn khó khăn gì. Vì sao? Học tập được khuyến khích. Ai muốn học đều có thể. Tốt nghiệp đại học (có bằng Cử nhân) đang chờ kiếm việc, đi học. Vừa có việc làm, đi học. Ở lại trường làm giảng viên tập sự, bắt buộc phải đi học. Học sau đại học (2 năm làm Thạc sĩ, 2 đến 3 năm làm Tiến sĩ), được mời chào, khích lệ…Có thiểu năng mới không học.

 

Dự án đến 2020 Việt Nam phải có thêm 20.000 Tiến sĩ thì phải học rồi. Đến nỗi ở nhiều lĩnh vực chẳng dính líu gì đến nghiên cứu giảng dạy cũng có dự án Tiến sĩ hóa cán bộ ở cấp tỉnh, cấp huyện.

 

Người người học Thạc sĩ, nghìn nghìn học Tiến sĩ, rồi vừa làm vừa học. Ai bận hơn Chủ tịch Tỉnh mà nhiều vị vẫn cố làm Tiến sĩ, đến mức có người chỉ sau nửa năm lấy được bằng Tiến sĩ của… Mỹ hẳn hoi (dù 1 câu tiếng Anh cũng pó- tay- chấm- com). Chuyện lạ mà thật.

 

Thiên hạ đổ xô đi học vì…không cần nhiều trí tuệ vẫn có bằng cấp cao (miễn là có tiền tệ). Lúc cơ cấu, cần Thạc sĩ, có ngay. Vị trí cao hơn, cần Tiến sĩ, có ngay. Cần gì nữa? Lí luận chính trị cao cấp, có ngay…vân vân và vân vân.

 

Chất lượng… khỏi bàn

 

Nhu cầu xã hội học Thạc sĩ, Tiến sĩ như thế, mục đich học như thế thì chất lượng là chuyện hơi... xa xỉ.  
 

Những ai đã và đang đứng trên bục giảng đại học, có chút tự trọng sẽ rất buồn chứng kiến việc dạy và học sau đại học. Nhiều thầy không nhận hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, không nhận làm giám khảo cho các buổi bảo vệ luận văn của sinh viên hệ đào tạo này, chính vì họ rất biết dù thế nào luận văn ấy vẫn được điểm 9 (nhiều sinh viên sau khi được cho điểm 8 đã… khóc nức nở).

 

Từ lâu, trong trường đại học đã nói nhiều đến “văn hóa chấm điểm”. Gần giống như ba cuộc thi trên truyền hình cốt để cho tất cả cùng vui. Giám khảo 1 cho điểm 9, giám khảo 2 cho 8,5, giám khảo 3 cho 10. Thế là vỗ tay, tặng hoa…
 
Nhu cầu học sau đại học như thế, nên mấy trường đại học có chữ Quốc gia đã có chiến lược chủ yếu đào tạo hệ này. Đào tạo Cử nhân sẽ là thứ yếu. Chiến lược ấy để là mũi nhọn, là quả đấm thép trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Hãy chờ xem.

 

Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhìn rõ hệ lụy này và không thể để mất thương hiệu của trường. Nên gần đây trường này đã có nhiều biện pháp khá kiên quyết, cứng rắn với cả thầy và sinh viên, được dư luận hoan nghênh.

 

Tiến sĩ, Phó GS, GS của Việt Nam có tỉ lệ cao hơn các nước trong khối ASEAN nhưng công trình khoa học lại quá khiêm tốn, quá ít so với họ. Chất xám của chúng ta vẫn còn là… “một vẻ đẹp tiềm ẩn”?
 
Gần đây nhiều báo chí nước ngoài nêu thống kê về trình độ học vấn của các chính phủ trên thế giới, thì chính phủ Việt Nam có học vấn vào loại cao nhất hành tinh, trên cả Nhật Bản, trên cả Hoa Kỳ…Thông tin này có đáng vui không?

 

Đinh Việt Bình