Bạn đọc viết:

Người biết cách kiếm tiền chắc biết cách chi tiêu

(Dân trí) - Bạn nghĩ người ta chi phí như vậy là phô trương, lãng phí. Đối với doanh nhân thì mình nghĩ người ta thừa khả năng tính toán và đầu óc suy nghĩ để quyết định một việc có lợi hay không có lợi, để làm xứng đáng với những gì người ta có.

Người biết cách kiếm tiền chắc biết cách chi tiêu

 

Mình đọc bài của bạn xong, mình thấy suy nghĩ của bạn là còn hạn hẹp và nông cạn, còn có tư tưởng chậm tiến. Mình tin rằng những người có suy nghĩ  như vậy chắc cuộc sống luôn luôn ở một vòng luẩn quẩn, không thể tiến xa hơn được trong xã hội.

 

Bạn phải hiểu người ta là doanh nhân, tiền người ta kiếm ra được bằng chất xám - thời gian - cơ hội và chút may mắn hợp thời thế. Còn kiếm bằng cách sạch hay bẩn thì mình không thể biết (nhưng nếu người ta dám chi phí như vậy, mình nghĩ cũng tương đối có thể tin là họ kiếm tiền sạch).

 

Họ kiếm ra tiền thì họ có quyền quyết định khoản nào nên chi cho việc họ cần làm. Bạn buồn vì họ có tiền và tủi phận mình không được như vậy? Mình thì thấy buồn cho cái gọi là "bạn thấy buồn", vì suy nghĩ như vậy không thể tích cực hơn trong xã hội và rồi chỉ đứng tại chỗ hoặc thụt lùi.

 

Còn như mình khi biết có đám cưới như vậy, mình có cảm giác khá là vui, mừng và sốt ruột, mong là còn nhiều thời gian dành cho mình. Vì sao thì có thể bạn không hiểu, nhưng sẽ có nhiều người hiểu.

 

Bạn nghĩ người ta chi phí như vậy là phô trương, lãng phí. Đối với 1 doanh nhân thì dù là 100 VND mà chi vào việc không xứng đáng hoặc không có lợi, thì người ta cũng thấy rất xót, cảm giác như khi chúng ta bị mất 1 tỷ đồng vậy.

 

Mình thì nghĩ người ta thừa khả năng tính toán và đầu óc suy nghĩ để quyết định một việc có lợi hay không có lợi như vậy. Người ta sẽ làm xứng đáng với những gì người ta có. Nhà người ta thành đạt ở mức nào và có những mối quan hệ rộng rãi, thì cũng phải tổ chức cho xứng với những gì người ta đang có. Như thế là tôn trọng khách mời và xứng đáng với thành quả họ đạt được, còn nhiều cái có thể gọi là “nghệ thuật của cuộc sống xã hội”.

 

Bạn có thể biết người ta không làm từ thiện hay sao? Nếu bạn biết chắc chắn thì sẽ không thấy buồn hay phải chỉ người ta cách làm từ thiện, hoặc chỉ người ta cách làm thế nào để sử dụng đồng tiền và cách sống thế nào cả.

 

Còn 2 từ "Đại gia" đối với mình thì thấy do nhiều người gọi họ như vậy chứ họ có tự gọi như thế đâu, tự nhiên nhiều người "phong" cho họ. Còn đối với mình, định nghĩa 2 từ "Đại gia" theo suy nghĩ của bản thân thôi nhé: Trong mắt mình, một người được gọi là "Đại gia" phải là người có tâm, có sự bao dung, có lòng yêu thương chia sẻ, biết cách sống phải đạo làm người. “Đại gia” luôn biết mình là ai, biết tôn trọng bản thân mình và xã hội, đầu tiên là đối với gia đình của mình rồi sau đó đến những người trong xã hội mà họ gặp được. Nếu có cơ hội và khả năng, họ sẵn sàng giúp đỡ không vì mục đích gì ngoài việc để người mình giúp được tốt hơn, không cần lợi lộc hay lấy danh tiếng ảo.

 

Mình cũng chưa đủ khả năng và tư cách để nhận xét hay phán xét 1 ai đó, nên cũng không dám gọi bừa ai là "Đại gia" cả. Trong sự hiểu biết và suy nghĩ của mình thì từ khi sinh ra đến bây giờ tôi mới chỉ biết được 1 người "Đại gia của Việt Nam" là… Mình cũng chỉ cố gắng học hỏi cách sống bằng một phần nghìn của “Đại gia” đó là cũng tự tin lắm rồi. Còn thì có thể có nhiều "Đại gia" mà sự hiểu biết hạn hẹp của mình không thể biết được.

 

Dù sao cũng mong bạn hết buồn!

 

Hoang Tuan 

email:  minhdang@mail.ru