Bạn đọc viết:
Nghịch lý hội đồng thi "trắng" thí sinh
(Dân trí) - Năm nay là năm đầu tiên Bộ GDĐT triển khai 3 môn tự chọn thi tốt nghiệp. Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta càng có được cái nhìn chân thực hơn về những vấn đề nổi cộm trong việc học tập của giới trẻ hiện nay.
![Nghịch lý hội đồng thi "trắng" thí sinh - 1 Nghịch lý hội đồng thi trắng thí sinh](https://icdn.dantri.com.vn/cvNlsQoYcVFxP1FHlpn/Image/2014/06/diemthi-16baf.jpg)
Qua tin tức em mới biết có tình trạng cả Hội đồng coi thi môn Sử chỉ có 1 thí sinh của ngày thi đầu tiên, và đến hôm nay thì có tới 3 Hội đồng coi thi “trắng” thí sinh thi Ngoại ngữ. Thực tại này lại làm dấy lên những vấn đề đáng lo ngại khác với lĩnh vực giáo dục Trung học. Vậy nguyên do từ đâu?
Từ góc nhìn của 1 sinh viên đại học ngành Quản lí, em mạn phép được lý giải như sau:
1/. Môn học quá “khô khan”
Sử là một môn học bị đại đa số học sinh VN coi là khô khan, nhàm chán. Để học thuộc một bài là rất khó vì các mốc thời gian khó nhớ. Câu từ trong Sử do phải đảm bảo tính ngắn gọn, chính xác nên khiến cho học sinh thường khó học thuộc lòng. Không giống và cũng lại có phần giống như Sử, tiếng Anh là môn ngoại ngữ mà với đa số người VN khi học đều thấy khó phát âm, quy tắc sử dụng thường rất khó đối với người Việt bởi học nhưng thiếu hoặc hoàn toàn không có hành.
2/. Thiếu tính sáng tạo trong cách giảng dạy
Việc giảng dạy những môn này thường khó hơn với những môn khác, do tính chất khô khan của nó cộng thêm giáo viên thường bó mình vào trong sách giáo khoa mà không có những biến hóa bài giảng sao cho tạo không khí vui vẻ trong lớp, làm cho học sinh dễ hiểu hơn.
3/. Chất lượng giảng dạy chưa đảm bảo
Chuyện giáo viên dạy tiếng Anh Trung học chỉ cho học sinh luyện ngữ pháp, luyện viết mà không dạy đầy đủ các kĩ năng nghe - nói - đọc - viết đang là vấn đề đáng lo ngại. Quan điểm của một số thầy cô là các kì thi chủ yếu là viết, vì vậy cần đặt ưu tiên cho viết lên hàng đầu. Nhưng cái ưu tiên đó đã làm lãng quên đi các kĩ năng khác và hệ lụy là học sinh học xong Trung học lên Đại học, đi thi Tiếng Anh vấn đáp thường bị giáo viên nhận xét bằng câu hỏi: “Em nói tiếng gì vậy?” Bi hài!
4/. Chưa được quan tâm đúng mức
Một điều dễ nhận thấy là những môn này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới thực trạng này ngày càng tệ hơn. Việc thiếu các chương trình ngoại khóa, thiếu các cơ sở vật chất cần thiết cho môn học làm mất đi khả năng tư duy mô phỏng của học sinh. Trong khi ngày nay đa số học sinh có khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn dựa vào thực tế mà các em nhìn thấy.
Các kế hoạch phát triển công tác giảng dạy những môn này cũng chưa có nhiều, thậm chí một số trường là không có. Khó bắt gặp ở trường nào có lớp bồi dưỡng hay nâng cao môn Sử.
5/. Ý thức hệ suy giảm
Nhận thức về nhu cầu và tầm quan trọng của các môn này bị suy giảm. Nói chung người ta vẫn chỉ coi đây là những môn phụ. Toán và Văn mới là chính. Khi cái gốc bị đánh mất thì rất khó để cải thiện được tình hình. Hơn nữa, khối ngành xã hội không còn được đánh giá cao vì ý thức các bậc phụ huynh nói chung coi nó là không thiết thực. Chỉ có học kế toán, học ngân hàng, học kinh doanh mới là giỏi (!?) Khó có thể thấy bậc cha mẹ học sinh nào khen trường đại học của sinh viên Sử là nổi tiếng. Họ đa phần chỉ khen các trường bậc cao chuyên ngành Tự nhiên mới có danh tiếng mà thôi.
6/. Xã hội không thúc đẩy
Có một sự thật là thương mại đang là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, đem lại nguồn lợi nhuận cao nhất, cần nguồn lực lớn biết tính toán, biết quản lí. Do vậy khối tự nhiên được đề cao. Còn các khối ngành Văn – Sử - Địa, đặc biệt là Sử học xong đa phần… không biết làm ở đâu vì nhu cầu nhân lực không cao, lại ít cơ sở làm việc.
Tất cả các vấn đề trên đã đưa đến một hệ lụy là làm lệch tỉ lệ giữa các môn ngày càng cao, khiến quan điểm coi môn Sử và môn Tiếng Anh là khó, không thi được ngày càng “được củng cố”.
Dẫu sao chúng em vẫn hy vọng ngành GDĐT sẽ sớm có biện pháp cải thiện tình trạng đáng buồn này.
Huy Vu: vuhuy9293.tn@gmail.com