Nghĩ về việc giáo dục giới tính cho trẻ em từ khi còn nhỏ

Đã đến lúc chúng ta cần hạn chế những rủi ro do bế tắc về tâm sinh lý trẻ em, sao cho không còn những tiếng kêu cứu xé lòng của trẻ bị xâm hại; sao cho không phải nhìn thấy những em gái tuổi vị thành niên bất đắc dĩ làm mẹ với những lời ru buồn.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều thông tin đau lòng về các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những em tuổi còn rất nhỏ; có những em bị xâm hại không chỉ 1 lần; lại có những vụ nhiều trẻ em cùng bị một đối tượng xâm hại… Điều này gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức. Đó cũng là điều người lớn chúng ta trăn trở: Phải chăng do người lớn không trang bị đầy đủ kiến thức cho con nên các em không biết cách phản ứng khi bị người khác giới đụng chạm vào vùng nhạy cảm… Phải chăng việc giáo dục giới tính cho trẻ em ở Việt Nam còn bị xem nhẹ dẫn đến hậu quả thương tâm như chúng ta đã nghe.

Phải nói rằng hành vi xâm hại tình dục trẻ em là điều đáng lên án, phỉ nhổ. Hành động này cần được pháp luật nghiêm trị, càng không nên giấu giếm hay “hòa giải”. Chuyện đó sẽ bàn đến trong một bài viết khác. Trong phạm vi bài viết này, dưới góc độ của người làm công tác giáo dục, xin đề cập đến việc làm thế nào để giúp các em tự phòng vệ được bản thân trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Đó là trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Thực tế việc giáo dục giới tính trong nhà trường những năm qua:

Do được chăm sóc đầy đủ về vật chất, trẻ em Việt Nam gần đây đã “lớn trước tuổi”. Cùng với sự tăng trưởng về chiều cao, tuổi dậy thì cuả các em cũng đến sớm hơn. Ngoài xã hội, trẻ được giao lưu hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn. Mạng Internet phát triển, lại chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến các em biết được nhiều chuyện nhạy cảm mà lẽ ra tuổi học sinh chưa nên biết. Do vậy, việc giáo dục giới tính đối với trẻ em là điều cần thiết, đặc biệt trong gia đình và nhà trường.

Thế nhưng, việc giáo dục giới tính cho trẻ em là điều mà tất cả người lớn chúng ta gần như né tránh. Có nhiều bậc cha mẹ khi thấy con nêu thắc mắc, muốn biết về những thay đổi cuả bản thân thường gạt đi, cho là “chuyện trẻ con chưa nên biết”. Nhiều người quan niệm không nên cho trẻ biết về giới tính quá sớm, sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà chưa hiểu rõ rằng đó là nhu cầu chính đáng muốn hiểu biết về cơ thể mình của các em khi bước vào tuổi dậy thì. Đáng buồn là cá biệt một số thầy cô giáo cũng tránh hoặc hạn chế không nhắc đến việc giáo dục giới tính khi liên hệ các bài học liên quan. Điều này càng kích thích thêm sự tò mò cuả học trò.

Giải pháp nào

Không nên chỉ coi đó là “chuyện của người lớn”. Giáo dục giới tính cho các em ngay từ khi còn nhỏ là rất cần thiết.

Cần hiểu tâm sinh lý trẻ em trong các giai đoạn phát triển

Dù không phải ai cũng được học về tâm sinh lý trẻ em, nhưng qua nhiều kênh, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức này để giúp trẻ được tốt hơn. Trẻ em tuổi mẫu giáo thường rất hiếu động, dễ tin nên rất dễ bị lừa. Nếu dụ dỗ cho một chút vật chất hoặc đáp ứng nhu cầu về đồ chơi (như điện thoại, trò chơi điện tử, cho kẹo…) là rất dễ bị xâm hại. Kẻ xấu thường hay lợi dụng tâm lý trẻ em sợ bị đe dọa nên thường dọa dẫm các em giữ bí mật… Vì thế tuổi này rất dễ bị xâm hại

Còn tuổi học sinh Tiểu học, THCS thường có những thay đổi. Về thể chất: những thay đổi cuả tuổi dậy thì đã tác động mạnh đến tình trạng mất cân bằng trong tâm lý và tình cảm. Tuyến hooc môn sinh dục đã bắt đầu phát triển dẫn đến các em có biểu hiện thay đổi của cơ thể. Tuyến nội tiết hoạt động mạnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến các em dễ có những cảm xúc mạnh, phản ứng vô cớ. Có em không làm chủ được cảm xúc dẫn đến những hành vi thiếu tự chủ, nhiều khi những hành vi quá đà gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Về tâm lý: các em đã bắt đầu thích người khác giới. Từ tuổi mầm non đến hết tiểu học, các em rất ghét ngồi gần bạn khác giới (thậm chí có em còn phản ứng khi bị gán ghép với các bạn khác giới). Sang đến lớp 7, các em dần có tâm lý thích ngồi gần bạn khác giới, hoặc chơi thân hơn với một bạn khác giới cụ thể (nhất là các em nữ). Đến lớp 9, bắt đầu bước sang tuổi dậy thì, các em thường thể hiện ra bằng các biểu hiện bên ngoài: Nữ thì quan tâm săn sóc một bạn khác giới cụ thể; nam thường thích thể hiện trước mặt bạn nữ. Đó là do tâm lý chung muốn khẳng định mình không còn là trẻ con, tập làm người lớn. Có em đã xuất hiện cảm xúc nhớ nhung khi bạn thân không đến lớp. (Người lớn cần hiểu điều này để cảm thông, không nên chế nhạo, và có hướng để quản lý các em thích hợp)

Về phía gia đình: Đối với trẻ em tuổi mẫu giáo, tiểu học, nên tập cho các em thói quen tỏ thái độ phản ứng khi người khác giới chạm tay vào vùng kín. Trẻ có thể hất tay ra, hoặc tỏ thái độ khó chịu, nếu tiếp tục bị quấy rối có thể kêu cứu, la hét hoặc chống trả. Không nên đi cùng người khác giới đến những chỗ khuất, vắng người (trừ khi có sự cho phép của bố mẹ). Đặc biệt không được giấu bố mẹ khi có dấu hiệu bị người khác “bắt nạt”, dọa dẫm hay cho quà để dụ dỗ… Mỗi khi trẻ tan học hoặc đi chơi về, cha mẹ cần hỏi han để biết được hôm nay con đi chơi những đâu, làm gì, có dấu hiệu gì bất thường về tâm lý hay không… Cũng không nên cho trẻ ăn mặc quá hớ hênh dẫn đến kích thích ham muốn thấp hèn của kẻ xấu.

Lớn thêm, chút nữa, cha mẹ phải là người tư vấn cụ thể cho con cái những kiến thức về sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Cần giải thích cho các em nữ hiểu về hiện tượng kinh nguyệt là thế nào, giải thích cho các em nam biết tại sao lại dẫn đến những giấc mơ sinh lý hàng tháng. Những thay đổi về cơ thể như mọc lông ở vùng kín, đau ngực, xuất hiện râu ria, giọng nói ồm ồm, trứng cá nhiều… là do sự phát triển của tuyến nội tiết, chỉ là chuyện sinh lý bình thường, ai cũng đã từng trải qua để các con không phải lo lắng gì. Nên hướng dẫn cụ thể các em trong việc vệ sinh đường sinh dục như thế nào trong độ tuổi vị thành niên. Cần cảm thông và là người bạn thân thiết để các em gửi gắm những thắc mắc cuả mình, tin cậy trò chuyện cùng cha mẹ và dần dần lấy lại được thăng bằng trong tâm lý.

Về phía nhà trường: Tùy theo lứa tuổi mà lồng ghép vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, kể cả tuổi mẫu giáo. Cần cho con biết và thực hiện “nguyên tắe quần lót” nghĩa là bên trong quần lót chỉ có bé mới được đụng đến, bất cứ ai cũng không được phép khi chưa được sự đồng ý của con….

Lên bậc Tiểu học, trong các tiết dạy về khoa học, đạo đức hay kỹ năng sống, thầy cô cần cho trẻ biết rõ những phát triển trong cơ thể của con ở giai đoạn này. Các con cần vệ sinh thế nào, xử lý ra sao khi bị người khác giới “bắt nạt”. Bậc THCS, cần lồng ghép kiên thức giáo dục giới tính trong môn Sinh học, thầy cô nên giải thích một cách khoa học về sự thay đổi của cơ thể tuổi dậy thì. Rồi vấn đề HIV/AIDS, phòng tránh thai, phòng bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, hay quan hệ tình dục an toàn là thế nào. Môn GDCD cần dạy cho các em biết về Luật hôn nhân và gia đình. Việc giáo dục kỹ năng sống cũng nêu ra các tình huống cụ thể hay gặp ở tuổi mới lớn, những chiêu lừa do kẻ xấu thường lợi dụng tâm lý thích được khen, hay cám dỗ về vật chất, các em dễ bị dụ dỗ lôi kéo rồi dẫn đến sa ngã. Trong các chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cần lồng ghép bằng việc tìm hiểu kiến thức sinh sản vị thành niên, những ứng xử giao tiếp giới tính ở tuổi mới lớn. Hoặc mời các chuyên gia tâm lý, tư vấn sức khoẻ sinh sản nói chuyện chuyên đề với các em.

Ngoài xã hội: Tất cả các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên đừng thờ ơ. Chúng ta hãy coi các em là những người bạn cần được tư vấn giúp đỡ. Mỗi người lớn trong số chúng ta nên ân cần chỉ bảo cho các em, tuyệt đối tránh sự chế diễu khi các em nêu những câu hỏi về giới tính. Rất may mắn, do nắm được tâm lý các em muốn được chia sẻ những thắc mắc đầu đời về tâm sinh lý tuổi dậy thì, nhiều trung tâm tư vấn tâm lý đã ra đời. Nếu cha mẹ, thầy cô đáp ứng được những thắc mắc này một cách thoả đáng thì hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều. Nên phát huy hiệu quả của những chương trình tư vấn học đường, giải đáp những thắc mắc băn khoăn về tâm sinh lý tuổi học trò.

Đã đến lúc chúng ta cần “vẽ đường cho hươu chạy đúng” để hạn chế những rủi ro do bế tắc về tâm sinh lý trẻ em, sao cho không còn những tiếng kêu cứu xé lòng của trẻ bị xâm hại; sao cho không phải nhìn thấy những em gái tuổi vị thành niên bất đắc dĩ làm mẹ với những lời ru buồn.

Để làm được điều này, ngoài gia đình, nhà trường vẫn cần có sự chung tay góp sức cuả toàn xã hội. Mỗi chúng ta hãy cùng thầy cô giáo, cha mẹ các em để luôn là người bạn gần gũi sao cho con trẻ tin tưởng để dốc bầu tâm sự một cách thoải mái, không dấu giếm, giúp các em tháo gỡ những thắc mắc băn khoăn cũng như xử lý những tình huống khi có dấu hiệu bị xâm hại.

Có như thế, giáo dục giới tính cho trẻ em mới thực sự hiệu quả.

Nguyễn Thị Diệp

( Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội)