Nghĩ về Quảng Ninh từ chối cho tàu khách của Ý cập cảng
(Dân trí) - Nói gì thì nói, đây là quyết định không nên có vì nó không chỉ làm méo mó tới ngành du lịch mà còn làm ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách với bạn bè quốc tế.
Cách ly những người có nguy cơ nhiễm dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV (dịch nCoV) là một trong những giải pháp phòng ngừa quan trọng nhằm hạn chế dịch này, nhưng cách ly cần như thế nào để vừa có hiệu quả vừa không gây hoang mang trong dư luận, không gây xáo trộn trong sinh hoạt cho người dân là việc đang được dư luận rất quan tâm theo dõi.
Phải thừa nhận rằng dù tỷ lệ người chết do dịch nCoV thấp hơn rất nhiều so với đại dịch SART 17 năm trước, nhưng những ngày qua số người chết vì bị dịch nCoV ở Trung Quốc vẫn tăng từng ngày và hiện vẫn đang ở mức trên trăm người/ngày khiến không ít người lo lắng, hoảng hốt. Nhưng trên thế giới, tuy vẫn còn có những người nhiễm dịch mới, kể cả nhiễm thế hệ F3, nhưng số lượng người nhiễm tăng không đáng kể, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Còn ở Việt Nam, tuy có hàng ngàn km đường biên giới chung với Trung Quốc nhưng số người bị lây nhiễm dịch cũng rất ít. Tính đến ngày 17.2 có 13/16 bệnh nhân khỏi bệnh, 4 ngày liên tiếp không có ca mới.Trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân đã được xuất viện với tỷ lệ cao, đặc biệt không có thầy thuốc nào bị lây nhiễm trong quá trình điều trị. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đã cô lập được loại virus này. Những điều đó là tín hiệu rất đáng mừng và tạo niềm tin lớn cho người dân.
Một trong những nguyên nhân đạt kết quả phòng chống dịch nCoV tốt là giải pháp cách ly, khoanh vùng rất hiệu quả. Trong đó, việc cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 2 là giải pháp rất quyết liệt và cần thiết của Chính phủ, được dư luận đồng tình, ủng hộ rất cao. Thậm chí, việc lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên và trong thời gian này người dân xã này được ngân sách hỗ trợ tiền cũng được người dân ngay trong khu cách ly đồng tình.Những giải pháp quyết liệt này được đông đảo người dân ủng hộ, tuy nhiên một số người không hiểu thấu đáo lại suy diễn nên tỏ ra lo sợ, thậm chí hoảng hốt tới mức khiến một số người kỳ thị người Vĩnh Phúc, kể cả các nhân viên y tế đang điều trị những người nhiễm dịch nCoV thì không thể chấp nhận được.
Chẳng hạn, việc Trung tâm y tế huyện huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cách ly tại nhà, theo dõi 3 mẹ con chị H. từ TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đến địa phương này. Sau đó, lại tiếp tục cách ly 6 người khác đã tiếp xúc với 3 mẹ con chị H. là lo quá mức và không có cơ sở. Dù câu chuyện đó đã kết thúc, sau khi nêu rõ lý do, lãnh đạo y tế tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Cách ly nêu trên là không cần thiết.
Đáng tiếc hơn nữa, ngày 13/2 vừa qua, tàu Aida Vita (quốc tịch Italy) không được cấp phép cập cảng tại thành phố Hạ Long, không cho hành khách và thủy thủ đoàn lên bờ tham quan các điểm du lịch trên bờ và Vịnh Hạ Long, dù chiếc tàu này xuất phát từ Bali, Indonesia đã qua 9 cảng nhưng không qua Trung Quốc, Hồng Kông. Đây là quyết định vội vàng của các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh. Dù rằng, dư luận có thể thông cảm, TP. Hạ Long từng cho cập du thuyền Diamond Princess mà đến nay khi cập bến cảng ở Nhật Bản, phát hiện hàng trăm du khách trên tàu bị nhiễm, trong đó Mỹ vừa điều máy bay đến đón tất cả du khách có quốc tịch Mỹ về nước. Hiện Quảng Ninh đang phải tìm những người từng tiếp xúc với những hành khách trên du thuyền này để cách ly, đặc biệt là những hướng dẫn viên, những người làm tại cảng. Nhưng đó không phải là lý do để Quảng Ninh ra quyết định thiếu cân nhắc khi không cho tàu khách Aida Vita cập cảng.
Chính quyết định vội vàng, chưa thấu đáo của Quảng Ninh để lại một hậu quả không chỉ cho ngành du lịch Việt Nam. Trước mắt, tàu Aida Vita chở 1.116 khách châu Âu (95% quốc tịch Đức, không có châu Á) quyết định hủy toàn bộ 3 cảng còn lại của Việt Nam là Đà Nẵng, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Quảng Ninh từ chối con tàu này, nhiều tàu biển quốc tế huỷ bỏ hải trình đến Việt Nam. Riêng tàu Aida Vita thậm chí có thể hủy toàn bộ kế hoạch đến Việt Nam năm 2020. Phải chăng, đó là sự không xem xét kỹ hải trình của du thuyền hay sợ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và lãnh đạo ở địa phương?
Nói gì thì nói, đây là quyết định vội vàng, không chỉ làm méo mó hình ảnh ngành du lịch mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách với bạn bè quốc tế. Điều đó thật không nên.
Vương Hà