Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10

Nghĩ về phụ nữ với nghề dạy học

Giáo dục là một ngành quan trọng cuả xã hội mà tỉ lệ giáo viên nữ chiếm khá đông. Vậy khi người thầy là nữ sẽ có thuận lợi và khó khăn gì?

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Dưới chế độ phong kiến, phụ nữ chỉ đảm trách việc nhà, nâng khăn sửa túi, tề gia nội trợ mà thôi, có đâu được đi học để mà dạy người, bởi vậy người thầy đều là nam giới.

Cha ông ta xưa đã từng quan niệm :Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Đó chính là thể hiện sự coi thường phụ  nữ, coi những quyết định cuả phục nữ là kém sâu sắc, thiếu quyết đoán. Các cụ thể hiện rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ nên vẫn răn dạy con cháu rằng: “Trai thì đọc sách ngâm thơ.Dùi mài kinh sử đợi chờ kịp khoa. Gái thì giúp việc trong nhà. Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa”. Cũng bởi quan niệm ấy nên xưa kia, việc dạy học chỉ do những ông đồ nho hay chữ đảm trách. Các ông đồ này ngoài việc dạy chữ, còn dạy cho học trò những luân thường đạo lý, những “tam cương, ngũ thường”. Thầy được coi là người hiểu biết, học rộng, đến các chức dịch trong làng cũng phải nể vì, vị trí người thầy rất đựơc tôn vinh.

Ngày nay, những người làm trong ngành giáo dục có cả nam và nữ, nhưng tỉ lệ nữ chiếm đa số, (nhất là các cấp mầm non, tiểu học, THCS).

Thứ nhất: ngành sư phạm có đặc thù riêng cuả công việc. Vì là ngành dạy người nên cần sự tỉ mỉ, khéo léo, nhã nhặn, mà những đức tính này, chị em có ưu điểm hơn anh em. Đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh phổ thông thừơng không đồng đều về nhận thức. Cùng một vấn đề nhưng có em tiếp thu nhanh, có em tiếp thu chậm. Nếu không tỉ mỉ, kiên trì thì rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ truyền thụ kiến thức trên lớp. (Mà bậc phổ thông yêu cầu dạy những kiến thức rất cơ bản, khác xa cách dạy của đại học là nghiên cứu, nên không thể chạy lướt mà phải tỉ mỉ hơn)

Thứ hai: ngoài việc giảng dạy trên lớp, người thầy còn phải làm công tác chủ nhiệm, phụ trách đội cuả lớp, trong đó có rất nhiều hoạt động khác như văn nghệ, hoạt động Đội đòi hỏi sự dìu dắt chỉ bảo cụ thể. Điều này chị em có thế mạnh hơn anh em. Thầy cô chủ nhiệm là linh hồn cuả lớp, nắm vững hoàn cảnh, tâm tính, sở trường của từng em. Em nào có hoàn cảnh đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm quan tâm như một người mẹ (thăm hỏỉ, động viên kịp thời). Những việc làm tỉ mỉ ấy nếu không có sự kiên trì và khéo léo của chị em thì làm sao cánh mày râu có thể đảm trách một mình được.

Thứ ba: Việc dạy học dù luôn đổi mới phương pháp và chương trình, nhưng vẫn là công việc lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, tuần tự, nhàm chán. Mà cánh mày râu lại ít muốn làm những công việc có tính chất như thế. Vì vậy trong số giáo viên dạy các trưòng phổ thông, tỉ lệ nam rất ít. Có chăng thì các thầy thường là dạy môn thể dục hay môn toán có tính chất mạnh mẽ. Các môn xã hội hiếm khi gặp những thầy là nam. Và nếu “anh em”có thi vào sư phạm thì một thời gian cũng cố phấn đấu về chuyên môn để lên làm lãnh đạo (vì bản chất nam tính là chủ động, thể hiện vai trò thủ lĩnh ở mọi môi trường, không thích bị lãnh đạo, đặc biệt ở những nơi hiệu trưởng lại là phái đẹp)

Thứ tư: Trong công tác giáo dục, sự mềm mỏng khéo léo tế nhị cuả chị em thường được việc theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”. Nhiều khi nhắc nhở phê bình một học sinh, các thầy thường hay mắng trước lớp, thậm chí “bạt tai”, nhưng các cô thường tế nhị gặp riêng trao đổi, hoặc thăm dò qua bạn bè, nhắc khéo. Cách này học sinh nể phục hơn, vừa được việc lại không làm tổn thương đến lòng tự trọng cuả các em, mà mang lại hiệu quả lâu bền hơn. Với các thầy nam, học sinh sẽ răm rắp tuân theo nội quy, nhưng trong lòng các em đã có chút phản ứng lại, khi có dịp rất dễ bộc lộ.

Nhưng công việc nào cũng có hai mặt: Sự mềm dẻo cuả chị em được việc trong lúc này, thì sự cứng rắn quyết đoán cuả anh em lại được việc trong lúc khác. Tuy nhiên với số nữ chiếm đa số trong ngành giáo dục cũng khiến một số nơi  gặp  không ít khó khăn ban đầu vì chị em còn đảm đương thêm thiên chức làm mẹ, làm vợ. Mỗi khi con cái ốm đau, đi viện, lại đến anh em ghé vai gánh vác việc chung. Chúng ta vẫn thấy những hình ảnh đẹp xung quanh ta : Những thầy giáo mang quân hàm xanh vừa dạy học lại vừa kiêm luôn cả thầy thuốc, cán bộ nông nghiệp, lâm nghiệp để hưóng dẫn cho bà con vùng biên giới những tiến bộ cuả khoa học kỹ thuật, vận dụng vào cuộc sống. Chúng ta càng thấy đẹp đẽ hơn khi những cô giáo “cắm bản” đã làm những việc bình dị mà lớn lao như một người mẹ đối với các con: dạy các trò biết từ những việc nhỏ nhất như đánh răng rửa mặt, khâu vá quần áo cho các em như đối với con mình.

Phụ nữ làm thầy, đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao. Tin rằng với bản chất nhân hậu, tỉ mỉ khéo léo, chị em sẽ làm tốt công việc giáo dục, làm tròn trọng trách cuả xã hội giao cho. Đặc biệt với việc xây dựng “trường học thân thiện – hoc sinh tích cực” như mong muốn cuả ngành giáo dục. Chị em tự hào là đã góp công lớn vào sự nghiệp trồng người, phát huy quyền làm chủ đất nước, càng tự hào bởi nghề giáo dục cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo.

Nhân ngày của các chị em, lại sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc chị em đang làm tròn sứ mạng “trồng người” cao cả luôn có một sức khoẻ dồi dào, mãi là chỗ dựa tinh thần cho phái mày râu. Chúc các chị - những kỹ sư tâm hồn - luôn thực hiện tốt 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Nguyễn Thị Diệp

Hiệu trưởng trường THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm