Ý kiến giáo viên

Nghĩ về dạy bơi cho học sinh

(Dân trí) - Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều vụ đuối nước thương tâm. Có những vụ các em sống gần sông (như vụ 8 em đuối nước ở Hòa Bình). Có những nơi buổi sáng tiễn đưa mấy học sinh Tiểu học thiệt mạng do đuối nước, buổi chiều lại vĩnh biệt mấy học sinh THCS vì tắm sông (như vụ ở Quảng Bình)… Đã đến lúc chúng ta cẩn triển khai gấp việc xóa mù bơi cho các em. Nhưng trước khi việc dạy bơi ở trường phổ thông được thực hiện đồng loạt, người lớn chúng ta phải làm gì để giúp các em phòng chống tai nạn đuối nước?

Bể bơi thông minh tại trường THCS Đức Thượng - Hoài Đức- hà Nội.

Bể bơi thông minh tại trường THCS Đức Thượng - Hoài Đức- hà Nội.

 Thực tế việc học bơi của trẻ em

Trước đây, chỉ các thành phố mới có bể bơi, còn ở các vùng nông thôn thì không. Ngày ấy, tuy chỉ có ao hồ mương máng, nhưng trẻ em nào ở thôn quê cũng biết bơi. Những hình ảnh trẻ em cưỡi trên lưng trâu bơi dọc theo dòng mương thật nên thơ. Tuổi thơ chúng ta chắc không ai quên những trưa hè cùng tập bơi trong ao làng. Phao bơi chỉ là thân cây chuối, vậy mà anh dạy em, lớn dìu bé, trẻ nào cũng biết bơi, bất kể trai gái.

Những năm gần đây, quỹ đất thu hẹp dần. Ở nông thôn, ao được lấp đi, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Tại thành phố, trẻ em còn được đến các bể bơi, chứ ở nông thôn, trẻ em muốn học bơi đều phải đến bể bơi đặt tại trung tâm huyện (mỗi huyện chỉ có 1 khu), đi đường xa xôi, lại phải mua vé. Vì thế, cơ hội học bơi ít dần, trẻ em biết bơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trẻ mù bơi ở nông thôn ngày một nhiều.

Những “sơ sẩy” đau lòng không đáng có

Người viết bài này đã được biết về một số vụ có trẻ em chết đuối hoặc suýt chết đuối vì những lý do không đâu. Có cháu bị ngã xuống ao nước gần nhà chết, nhưng gia đình không hề biết cháu bị chết đuối mã vẫn tưởng cháu bị lạc. Chỉ sau 2 ngày, xác cháu nổi lên mới biết. Cậu anh trai khi thấy em ngã đã không dám nói với ai, mà về nhà nằm đắp chăn để khỏi bị bố mẹ mắng do đưa em ra chơi gần ao. Có cháu cả hai bố mẹ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, để con chơi loanh quanh ở sân không để ý, cháu đã ngã xuống hố vôi bỏ không trong vườn và chết đuối. Khoảng 2 tiếng sau bố mẹ mới phát hiện ra thì không kịp...

Một số nguyên nhân

Đuối nước có rất nhiều nguyên nhân.

Thường người lớn hay chủ quan khi đang ở nhà, không để mắt đến con, để trẻ chơi đùa tự do, rồi “nhãng” đi và trẻ sẩy chân chết đuối. Có những trẻ em chết ngạt do ngã vào một chậu nước trong nhà tắm; có những em chết do ngã sấp xuống ruộng lúa gần nhà (bị ngạt) khi chơi bắt chuồn chuồn, châu chấu; có những em do sẩy chân khi chơi gần bờ ao sau trận mưa, đất lở gây chết đuối... Dù ở nguyên nhân nào thì sự bất cẩn cuả người lớn cũng là điều đáng trách.

          Các em biết bơi là điều tốt nhất. Nhưng trong nhiều trường hợp lại rất cần kỹ năng xử lý khi thấy bạn khác ngã xuống nước. Có em nhìn thấy bạn ngã nhưng sợ bị đánh mắng vì chơi gần bờ ao nên đã không dám kêu cứu, khi người lớn phát hiện ra thì đã muộn. Có những em nhảy xuống cứu bạn dẫn đến kéo theo nhiều cái chết thương tâm cùng xảy ra. Có em khi cứu được bạn lên bờ lại không biết cách sơ cứu dẫn đến bạn chết ngạt “oan” dù đã được đưa lên bờ...

Có nhiều người trong số chúng ta vẫn còn vô tâm, hoặc suy nghĩ đơn giản, sợ “sái”. Khi ta xây dựng xong một công trình, có những hố hộc để lại, ít người nghĩ đến việc lấp ngay khi chúng còn cạn. Mùa mưa đến, ngập hết các hố đó, trẻ em vô tình chơi gần đấy sẩy chân ngã là điều không tránh khỏi. Nếu người lớn chúng ta biết dùng rào chắn, dùng những biện pháp cảnh báo thô sơ (như cắm que, chăng dây) trước khi cơ quan chức năng lắp đặt biển báo - thì đâu đến nỗi phải “giá như”, “giá mà”...

Và giải pháp:

Trước tình hình trẻ đuối nước ngày một gia tăng, Bộ GD & ĐT đã có kế hoạch triển khai công tác phòng chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ em trong trường học trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Để việc phổ cập bơi đến 100% học sinh, ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã triển khai đồng loạt việc lắp đặt bể bơi thông minh trong các trường Tiểu học và THCS. Hiện tại đang tập huấn giáo viên dạy bơi và nhân viên cứu hộ bể bơi để cấp chứng chỉ. Sau khi tập huấn xong sẽ đưa vào vận hành đồng loạt trên tất cả các trường. Như vậy, sau 1 năm, nhiều năm, học sinh Tiểu học và THCS sẽ được dạy bơi 100%, giảm thiểu nguy cơ đuối nước, tránh được những tai nạn thương tâm không đáng có.

Với những nơi chưa có điều kiện lắp đặt bể bơi thông minh, trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ làm gì?

Theo tôi, các ban ngành, đoàn thể đều phải chung tay vào cuộc. Đặc biệt ở các trường học, thầy cô giáo có thể cho các em biết cách phòng chống đuối nước, cách sơ cấp cứu với người đuối nước... Trong các giờ ngoại khoá, nên hướng dẫn trẻ về lý thuyết, có thể cho xem các hình ảnh “ảo” trên máy chiếu để trẻ biết các động tác cơ bản khi xuống nước. Cha mẹ và thầy cô cũng có thể tham khảo và cho trẻ tiếp cận với chương trình dạy bơi trên truyền hình. Khi đưa trẻ đi chơi, tắm sông hoặc ao hồ và khu vực có nước, cần lưu ý để mắt tới trẻ. Chú ý phải có áo phao (cho trẻ quá nhỏ), và người lớn kèm (với trẻ đã biết tự vận động bơi).

Tại các công trình xây dựng, cần áp dụng các biện pháp cảnh báo, phòng hộ cần thiết như làm rào chắn các hố sau xây dựng, mương chảy gần nhà. Đặt các tín hiệu cảnh báo khi ngập lụt, sau trận mưa đề phòng sạt lở, không cho trẻ em chơi gần ao, hồ có bờ đất sau khi mưa, tránh sạt lở. Ở các điểm vui chơi công cộng, khu du lịch có suối, bể bơi, cần lưu ý đến các biện pháp an toàn như cảnh báo độ sâu, cử cán bộ trực ứng cứu.

Giảm thiểu tai nạn đuối nước - đặc biệt với trẻ em - là điều toàn xã hội ta mong mỏi. Nhưng điều này không phải một sớm một chiều, và cũng không phải trách nhiệm riêng cuả nhà trường hay thầy cô giáo. Mỗi chúng ta cùng chung tay góp sức một ít, chắc chắn nạn đuối nước trẻ em sẽ sớm được đẩy lùi. Đó là trách nhiệm chung của tôi, của bạn, của tất cả mỗi chúng ta.

Diễm Nguyệt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm