Nghĩ về con nhà nghèo thi vẫn đạt điểm tuyệt đối

Hiện nhiều bậc phụ huynh bắt con em mình lúc nào cũng chỉ học, học thêm tối ngày, học tới mụ cả người – Liệu có lúc nào chúng ta tự hỏi có nên như vậy? Có em vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo đạt điểm tuyệt đối năm nay đã cho chúng ta một câu trả lời…


 Em Lê Phước Đạt, học sinh Trường THPT Hướng Hóa, Quảng Trị  đạt điểm gần tuyệt đối  tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017. (Ảnh: Hưng Thơ).

Em Lê Phước Đạt, học sinh Trường THPT Hướng Hóa, Quảng Trị  đạt điểm gần tuyệt đối  tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017. (Ảnh: Hưng Thơ).

Công luận cho biết tin vui, em Lê Phước Đạt (SN 1999, trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa) vừa trở thành thí sinh có nhiều điểm thủ khoa trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 . Tổng cộng 3 môn khối B, Đạt được 29,55 điểm (Sinh 10; Toán 9,8; Hóa 9,75). Được biết, không như học sinh các thành phố, ở vùng miền núi ở một huyện, tỉnh còn nhiều khó khăn, em không có điều kiện học thêm ở các trung tâm nào, tất cả là tự học, từ học trên mạng đến các sách tham khảo. Nếu có, vì là học sinh tham gia đoàn học sinh giỏi của trường, Đạt được các thầy cô dạy thêm ở trường bồi dưỡng thêm và mẹ của em là cô giáo dạy môn Hóa kèm cặp thêm.

Nhưng để đạt gần như điểm tuyệt đối cả 3 môn( 29,55 điểm), sự nỗ lực tự học của Đạt, cho tất cả học sinh và các bậc phụ huynh thấy, việc bắt con em mình lúc nào cũng học thêm, học thêm tối ngày, học tới mụ cả người, học tới mức sì chét, thậm chí tới mức lẩn thẩn - đó là sự đày ải con cháu mình, chứ không phải học. Đó là sự thật, chúng ta cần nhìn thẳng, không né tránh và khó có thể biện minh.

Tất nhiên, nói hạn chế tối đa việc học thêm thì dễ, nhưng tôi hiểu, với áp lực của xã hội, việc không ép các em học thêm, học thật nhiều là không hề đơn giản, đặc biệt với các bậc phu huynh nặng về sĩ diện cho bản thân.

Ví dụ gần đây nhất về sức học với học sinh, mới tháng 6 vừa qua, báo chí đưa tin: “Điểm toán 7,25, bé gái lớp 4 hoảng sợ bỏ nhà đi...”. Chúng tôi không nhắc lại việc đau xót này, nhưng chỉ tít bài vậy thôi, chúng ta thấy áp lực của gia đình về điểm số, về kết quả lớn đến mức nào lên não bộ các cháu. Dù rằng, cái kết của sự việc này có hậu, nhưng đó là bài học không gì thấm thía bằng, nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ trước khi gây áp lực cho các cháu việc học hành.

Nói tiếp về sự tự giác học, cũng kỳ thi 2 trong 1 năm nay, báo chí đưa tin, “3 thí sinh có 3 môn đạt điểm 10 ở xứ Thanh đều là con nhà nghèo”. Đó là các em Nguyễn Hải Đăng, Trường THPT Quảng Xương 1 ; Lê Hồng Nga, Trường PTHT Thiệu Hóa và Lê Hữu Hiếu, Trường THPT Yên Định 1. Điều đặc biệt của 3 học sinh này đều tự học là chính, các em tập trung giải đề qua mạng internet và có vào facebook không phải để “tự sướng”, mà chủ yếu để tìm tài liệu, giải các đề trực tuyến.

Đó chính là những tấm gương để các bạn học sinh thấy mình cần học như thế nào, đặc biệt, cho chính các bậc phụ huynh thấy, không nên thúc ép con mình học thêm các kiểu, khiến các cháu không còn thời gian tư duy, hoàn toàn bị động tiếp thu – đó là cách học phản khoa học.

Vương Hà