Nghi vấn tiêu cực trong 3 dự án ODA...: Đừng để một mất mười ngờ!

(Dân trí) - Tin Đan Mạch quyết định quyết định ngừng tài trợ cho 3 dự án tại VN gây nhiều chú ý, bởi diễn ra ngay trước hội nghị tài trợ và là lần thứ 2 một đối tác trong quan hệ song phương tuyên bố ngừng cung cấp ODA vì những “dấu hiệu bất thường”.

Nghi vấn tiêu cực trong 3 dự án ODA của Đan Mạch: Đừng để một mất mười ngờ!
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 3 năm qua, một đối tác song phương tuyên bố ngừng ODA cho VN vì nghi vấn tiêu cực (ảnh minh họa, nguồn: VOV)

 

Bán tín bán nghi

 

Sau đó, thông tin cụ thể về các bên VN thực thi những dự án bị ngưng tài trợ cũng đã được đưa trên một số báo, đồng thời với những biện giải “không làm sai” mà có thể là “phía kiểm toán đã không hiểu quy trình của dự án” (theo Tuổi Trẻ ngày 4/6). Hoặc như Thanh Niên ngày 3/6 dẫn lời ông Phan Ngọc Minh, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính (Viện KH-CN VN) – cho rằng thông tin về “tin đồn” sai phạm có từ đầu năm là không đúng, và rằng: “Cách làm việc của kiểm toán độc lập nước ngoài cũng khác với kiểm toán nước mình. Thành thử một số thông tin khi kết luận chính xác phải sau ngày 6/6. Bây giờ chưa đến lúc và chưa thể kết luận gì được”.

 

Hơn 3 năm trước tại Hội nghị tài trợ tháng 12/2008, Đại sứ Nhật Bản tại  VN cũng tuyên bố ngừng cấp vốn ưu đãi cho các dự án vay mới sau nghi án công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ để tham gia vào dự án Đại lộ Đông Tây (TP HCM), dẫn tới nghi can chính là ông Huỳnh Ngọc Sĩ  đã phải ra tòa dù trước đó vẫn một mực cho rằng mình không làm gì sai trái...

 

Thêm vào đó, những thông tin về các vụ án tham nhũng, gây thất thoát lớn tiền của nhà nước và nhân dân gần đây hơn như vụ Vinashin, Vinalines càng khiến dư luận cảm thấy khó có thể tin tưởng được vào những khẳng định “làm đúng” của các bên phía VN.

 

Người còn có được ít nhiều niềm tin thì cũng chỉ còn biết nhắn nhủ với bạn đọc cả nước, rằng nên chờ đợi thêm một chút nữa cho tới khi mọi chuyện rõ ràng rồi hãy bình luận. Nhưng nếu nghi vấn của phía bạn là đúng thì không thể nương tay.

 

“Chúng ta đừng vội kết luận, hãy chờ kết quả điều tra cuối cùng. Nhưng nếu đúng là phía VN sử dụng sai mục đích thì dù BẤT KỲ NGUYÊN NHÂN GÌ ĐI NỮA CŨNG KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC! Khi đó, điều tôi quan tâm nhất là CÁ NHÂN NÀO đưa ra quyết định sai mục đích và sẽ chịu kỷ luật như thế nào?” -  Trần Huy:  Huytran1977@yahoo.com

 

Hoặc như Le Van Phuong tudongle@yahoo.com vẫn bán tín bán nghi:

 

“Còn hơi sớm để đánh giá vụ việc. Nhưng... lại chuyện nghi vấn tham nhũng. Nếu vậy thì đúng là mất lòng tin quá và cũng ái ngại cho dân mình quá!”…

 

Còn với số đông, do niềm tin cứ dần bị xói mòn qua nhiều vụ việc lúc đầu luôn được khẳng định “không có gì sai”, “nếu sai sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”… nhưng kết quả cuối cùng hầu như đều khẳng định điều ngược lại, nên nhiều phản hồi của bạn đọc vẫn nghiêng về khả năng Có nhiều hơn Không. Nhất là khi bài học về vụ PCI vẫn còn rất nóng hổi.

 

“Theo tôi được biết thì đây là vụ lùm xùm thứ 2 về sử dụng vốn viện trợ ODA sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ (sử dụng vốn viện trợ ODA từ Nhật Bản)  mấy năm về trước. Tôi nghĩ, có lẽ một điều VN mình cũng cần làm ngay là cần làm rõ để sớm lấy lại lòng tin từ các nhà tài trợ cũng như các nhà đầu tư quốc tế…” - Hoàng Anh:  hoanganh.prof@zing.vn

 

“Gần 12 tỷ đồng có thể đã bị thất thoát chỉ trong một số dự án của Đan Mạch, mà lại toàn là tại phía đối tác VN ta. Tôi thấy thật xấu hổ quá! Nếu không có sự quản lý nghiêm chỉnh  thì liệu các nước khác có muốn đổ viện trợ vào VN chúng ta nữa không?  Đối với dân mất lòng tin đã đành, đối với bạn quốc tế mà như thế này thì....” - Nguyễn Phương Thảo:  phuongthao_ng78@yahoo.com
 
Nghi vấn tiêu cực trong 3 dự án ODA của Đan Mạch: Đừng để một mất mười ngờ!
"Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông của Việt Nam" là một trong các dự án được Đan Mạch tài trợ (ảnh: Thanh Niên)

 

Bình thường ta, bất thường người?

 

Tạo dựng được niềm tin vốn không phải là chuyện dễ, nhất là với các nước bạn đã có nhiều năm phát triển đi lên và rất quen với các biện pháp minh bạch hóa mọi vấn đề khi thấy có những dấu hiệu “bất thường” đáng ngờ vực đe dọa đẩy những đồng tiền vốn hỗ trợ đi lệch hướng.

 

Việc đó, chúng tôi cũng đã có thêm khá nhiều kinh nghiệm dắt lưng khi rong ruổi trên từng cây số với các chuyên gia nước bạn đi thực tế tại những nơi thực thi các dự án có nguồn vốn hỗ trợ của nước ngoài. Điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là phía bạn luôn làm việc rất quy củ, hiệu quả và luôn đặt lợi ích của những người dân nơi có dự án lên trên hết.

 

Ví dụ, có một lần chúng tôi đi cùng đoàn chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại VN kiểm tra kết quả một dự án về chuyển đổi vật nuôi, cây trồng tại một vùng đồng bào dân tộc phía Bắc. Khi đi bạn mang theo đầy đủ nước uống, đồ ăn để độc lập làm việc cả ngày mà không phiền hà gì tới địa phương. Đến bữa, các “ông Tây, bà đầm” còn vào bếp (bà con xấu hổ, trốn hết vào bếp) mời bằng được người dân địa phương ra cùng ăn bánh mì, uống nước khoáng với mình.
 
Bà con dân tộc vốn chân chất, chỉ đỏ mặt cười trước mỗi câu hỏi của chúng tôi. Thay cho câu trả lời, họ chỉ ra những rừng cây trước trơ trọi giờ đã xanh lá, những vạt ruộng nương phong phú các chủng loại cây trồng. Nước sinh hoạt giờ đã có giếng khoan. Trong chuồng nhà nào cũng có trâu, bò, lợn. Ngoài sân gà vịt đuổi nhau táo tác…   

 

Những gì chúng tôi đã trải nghiệm, rất đúng với ví dụ được Trần Ngọc Điệp  MrDiepkt@gmail.com nêu ra để liên hệ với câu chuyện liên quan tới những dự án do Đan Mạch tài trợ này:

 

“Theo tôi, để hiểu tại sao họ làm vậy thì cứ tưởng tượng thế này nhé, và rồi để các bạn thử nghĩ còn chúng ta thì sao. Giả sử bạn là một người tốt bụng, bạn có một gia đình bạn bè ở vùng hẻo lánh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhà đó có tới 9 đứa con với 2 vợ chồng, sau bao nhiêu năm khó nhọc cả gia đình mới khấm khá hơn. Tuy miếng ăn không còn là nỗi lo, nhưng căn nhà thì ‘quá đát’. Thấy vậy bạn mới đề nghị giúp đỡ gia đình nọ bằng một khoản tiền và cam kết giúp đỡ họ tới khi nào có thì trả. Thế nhưng cái nhà ấy lại để những chuyện ngược đời xảy ra như: đời sống khá hơn thì cả bố lẫn mẹ dường như chẳng thèm quan tâm con cái ra sao nữa, để 2 đứa con lớn lại đâm nghiện bài bạc. Thế là thay vì sửa nhà, các vị ấy lại đi lo cho 2 đứa con kia. Vậy nếu là ông bạn tốt bụng kia khi mới chỉ giúp đỡ một phần,  thì bạn nghĩ thế nào? Liệu bạn có tiếp tục đưa tiền cho họ nữa không??? Và nếu là những đứa con còn lại thì bạn nghĩ thế nào????”

 

Hoang Sơn sondhang@gmail.com có lẽ cũng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng không thể né tránh một sự thực mà  không ít lần báo đài và người dân đã lên tiếng phê phán, đề nghị các bộ ngành chủ quản có ngay biện pháp chấm dứt tình trạng tiêu cực để củng cố uy tín chung cho đất nước và người dân VN.

 

“Trình trạng gian dối trong giáo dục, đào tạo và khoa học hiện nay theo tôi, đã đến lúc báo động đỏ. Không ít viện nghiên cứu chủ trì nhiều đề tài có ngân sách tiền tỷ, nhưng các cán bộ vẫn có hiện tượng khai man nhiều khoản để thanh toán, khai khống cả những chuyến đi công tác, hội thảo “giả”, mua sắm không minh bạch... Còn về báo cáo khoa học thì nhiều người toàn copy, sao chép… Các hội đồng khoa học nhiều khi vẫn nghiệm thu dựa trên những đánh giá không khoa học, không khách quan... Số người làm khoa học giỏi và chân chính, trung thực, theo tôi thấy hiện nay là quá ít. Vì thế, tôi thấy kết quả mà phía Đan Mạch (DANIDA) phát hiện có lẽ cũng là tất nhiên. Chỉ có điều là các cơ quan, lãnh đạo có trách nhiệm của VN chúng ta xử lý và chấn chính như thế nào thôi…”

 

Tuấn tuan2008vn@yahoo.com rút kinh nghiệm về chuyện “màu mè” từ quá trình làm việc của bản thân:

 

“Tôi cũng đang làm cho một tổ chức quốc tế lớn tài trợ ODA cho các dự án của VN. Phải nói thật rằng để làm việc với các bộ, ban ngành, sở của VN, đa phần là nếu không có "màu" thì không bao giờ họ làm đâu các bạn ạ. Căn bản vì thu nhập chính của họ đến từ các khoản này, chứ lương thì chả đủ sống”.

 

Hà Thanh hathanh@yahoo.com cũng chia sẻ:

 

“Tôi có 30 năm làm việc cho các cơ quan nhà nước, từ các viện hàng đầu tới các tập đoàn lớn. Tôi tin đây nhiều khả năng là sự thật và có lẽ còn chưa nêu rõ ra hết. Tôi mong các vị được giao trách nhiệm hãy làm tất cả,  để những khoản tiền viện trợ đến đúng nơi cần và phát huy được lợi ích cho người dân. Và theo tôi, có lẽ nên tạo điều kiện để các tổ chức tư nhân thực sự làm được việc tiếp cận nguồn tài trợ này, vì có thể họ làm sẽ tốt hơn”.

 

Vien Phuong vp4819@gmail.com suy rộng ra những bất cập trong việc thực hiện dự án nói chung ở ta hiện nay:

 

“Chuyện sử dụng sai mục đích nguồn vốn từ các dự án ODA ở VN, theo tôi thấy đang là vấn đề rất cần được các bộ ngành chức năng lưu tâm nhiều hơn, tránh vừa gây lãng phí vừa làm mất uy tín quốc gia.

 

Trước hết tôi thấy có nhiều dự án tổ chức hội thảo, tham quan nhưng không có ý nghĩa thực tế (nếu không muốn nói là để đi du lịch hợp pháp bằng tiền dự án). Nguy hiểm hơn là có một số khá cán bộ còn xem việc viết dự án chỉ là kiếm tiền, còn kết quả thì… khỏi cần chú ý nhiều. Hiện nay nếu nhà nước kiểm tra lại trên tất cả các bộ, ngành thì tôi cho rằng sẽ thấy có hàng loạt dự án đã qua thẩm định, cấp vốn nhưng khi triển khai thì không làm được. Quan điểm bây giờ là ekip từ người viết đến người duyệt cứ “kẻ ăn cơm, người ăn cháo” là xong. Trật tự trong quản lý dự án, quản lý XDCB có rất nhiều văn bản thậm chí đọc không thể kịp, song gần như không hiệu quả... Vậy thì liệu có nên cứ chi tiền nuôi khá nhiều cán bộ vừa kém vừa thiếu trách nhiệm như thế...?”
 
Nghi vấn tiêu cực trong 3 dự án ODA của Đan Mạch: Đừng để một mất mười ngờ!
Một chuyến nghiên cứu thực địa của các nhà khoa học VN và Đan Mạch tháng 11/2009 thuộc dự án “Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông của VN” của Viện Hải dương học (nguồn: Tuổi Trẻ, theo http://www.climeeviet.com)

 

Chuyện không của riêng ai
 
Từ những bài học "xương máu" khá nhiều trong thực tế, ý kiến của đa số người dân đều nhấn mạnh nhu cầu sớm làm rõ ràng, minh bạch mọi chuyện. Để nếu phía ta bị oan thì cần được minh oan. Còn ngược lại, có lẽ cũng là thêm một kinh nghiệm sống động nữa cho những người làm dự án ở VN để rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn. 

 

Thành Nam  vietnamme2000@yahoo.com nhấn mạnh:

 

“Đề nghị Chính phủ yêu cầu các ban ngành có liên quan báo cáo cụ thể về sự việc trên một cách thật trung thực và khách quan. Liên quan đến vấn đề sử dụng sai mục đích nguồn vốn ODA, cũng mong Bộ Công an vào cuộc kiểm tra, xác minh rõ từng đối tượng, từng đơn vị. Nếu phát hiện sai sót đề nghị xử lý công khai. Hy vọng với những hành động tích cực trên, phía Đan Mạch sẽ xem xét và nối lại sự hỗ trợ trong các dự án trên cho VN. Đông đảo nhân dân rất mong các cấp, các ngành vào cuộc. Hàng năm dự án Danida hỗ trợ rất nhiều cho đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vậy mà liệu có đúng một số đối tượng lại lợi dụng vào đó để vụ lợi cho mình không?”

 

Trong khi sự việc mới đang dừng lại ở mức độ “nghi vấn” từ phía nước bạn, song dư luận xem ra do mất lòng tin quá nhiều nên đưa ra những dự đoán phần lớn chẳng mấy lạc quan về kết quả có thể đảo ngược lại được tình thế. Bởi thế, quan điểm như Xuan Man man.vcs@gmail.com chắc cũng được nhiều người chia sẻ:

 

“Với những chi tiết mà Đại sứ Đan Mạch nêu ra thì đây có lẽ là vấn đề lớn của Chính phủ, của Nhà nước VN chứ không còn là việc của Bộ, Tỉnh, hay các cơ quan dưới quyền nữa. Khi chưa có cơ sở để nghi vấn thì chắc không bao giờ họ đã vội vàng tuyên bố ngừng cung cấp ODA. Mà có lẽ với bộ máy quản lý điều hành của phía VN như hiện nay thì chuyện này cũng... không có gì là quá bất ngờ. Để khẳng định lập trường, quan điểm nhất quán của phía VN, chúng tôi mong Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm nếu có thể cần thanh kiểm tra toàn bộ các dự án. Nếu phát hiện sai phạm cần mạnh tay xử lý những người tham nhũng…. Có như vậy chúng ta mới lấy lại và khẳng định những hình ảnh của VN trong con mắt bạn bè quốc tế, và như vậy chúng tôi tin các nhà tài trợ mới tiếp tục sẵn sàng ủng hộ giúp đỡ VN”.

 

Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Bài học đó của người xưa vẫn luôn vẹn nguyên giá trị và có lẽ càng đặc biệt cần khắc ghi khi giờ đây chúng ta đang vươn ra biển lớn, chứ không còn cảnh “ta về ta tắm ao ta…” nữa đâu. Thêm nữa, càng không nên để những chuyện người ta coi là "bất thường", thì mình lại nghĩ chỉ là... "chuyện thường ngày ở huyện"!

 

Khánh Tùng