Phiếm đàm

Nghĩ lan man về một văn bản nữa vừa mới ra đời đã chết yểu

(Dân trí) - Những văn bản xa rời thực tế, không có tính khả thi, phản ánh trình độ và tinh thần trách nhiệm công chức và quy trình xây dựng văn bản trong các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, khi ban hành tạo nên sự va đập lớn vào cuộc sống thường ngày của người dân, gây ra những xung động tiêu cực không đáng có.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Thế là vừa đúng 1 tuần kể từ ngày 1/7, một văn bản nữa vừa đưa vào thực tế cuộc sống đã lập tức bị “chết” yểu. Đó là văn bản quy định phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng người đi xe máy đội mũ bảo hiểm rởm.

Cái ngày đầu, và cũng là ngày cuối cùng ra quân thực hiện quy định này, người bị phạt hỏi lại: khi đi mua mũ bảo hiểm, bản thân họ cũng không biết đâu là mũ xịn, đâu là mũ rởm, chỉ biết rằng mũ đó được bày bán công khai ở các sạp hàng nhà nước cho phép kinh doanh, thì mua. Vậy thì họ đội phải mũ bảo hiểm rởm, không phải lỗi ở họ mà là người sản xuất, kinh doanh, bán sản phẩm ra thị trường và cơ quan quản lý thị trường buông lỏng.

Đó là lý từ phía người dân. Còn ngay phía lực lượng chức năng thực thi quyết định này cũng rất lúng túng vì chưa hề được trang bị kiến thức đủ để phân biệt mũ thật hay giả, tốt hay kém chất lượng? Việc xử phạt trên đường sẽ thế nào? người dân nộp tiền trực tiếp hay phải đến kho bạc? Người nộp tiền phạt xong có bị thu giữ mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng? Nếu có thì thủ tục thu giữ tài sản này như thế nào? Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - CATP Hà Nội) nếu áp dụng quy định xử phạt này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn.

Bởi vậy, nếu văn bản này không bị chết yểu, chết tức tưởi mới là lạ.

Nhưng có điều lạ là trước văn bản loại này, có nhiều văn bản khác về giao thông cũng đã chêt ngay trong thai nghén hay vừa mới cất tiếng chào đời.

Đó là quyết định “Về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” năm 2008 của Bộ Y tế, trong đó quy định người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, nghĩa là cũng không được đi xe trên 50 cc. Quy định này ngay lập tức bị phản ứng. Trưng cầu ý kiến độc giả, có đến 75.5% những người được hỏi cho rằng quyết định “ngực lép không được lái xe máy” là không phù hợp.

Đó là dự định đi xe theo ngày… chẵn, lẻ. Năm 2011, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề nghị nghiên cứu giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố theo cách xe số chẵn đi... ngày chẵn (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), xe số lẻ đi... ngày lẻ (thứ ba, thứ năm, thứ bảy). Riêng ngày Chủ nhật, tất cả các phương tiện đều được phép vào khu vực trung tâm. Ngay sau khi “giải pháp” chống ùn tắc này được đưa ra, dư luận đã phản ứng khá gay gắt vì cách làm này gây khó cho người dân và thiếu tính thực tiễn. Thậm chí, quy định này còn gây khó dễ cho ngay cả lực lượng CSGT. Cuối cùng, "sáng kiến" đi xe theo ngày chẵn, lẻ đã bị tạm gác lại.

Đó là quyết định về “Xe chính chủ”.. Nghị định 71/2012 có đề cập đến nội dung về xử phạt xe máy mua bán trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ ngay lập tức lộ ra nhiều điểm chưa hợp lý khi Nghị định 71 được ban hành và đi vào thực tế, bởi hành vi mua bán ô tô, xe máy nhưng không làm thủ tục sang tên chuyển chủ sở hữu đã diễn ra từ rất lâu, làm sao người dân có thể tìm được “chủ xe” để sang tên đổi chủ hay không. Trong khi đó, CSGT vẫn loay hoay không biết phải xử lý người vi phạm như thế nào. Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (nay là Phó Thủ tướng) phân tích: “Việc xử phạt hành vi không "sang tên" phương tiện vừa qua bị chuyển thành truy vấn người điều khiển có phải chủ phương tiện không? Trong lúc chờ soạn thảo lại thông tư, CSGT không được xử phạt xe không chính chủ”.

Những đề xuất và những văn bản kiểu như vậy thật xa rời thực tế, vì thế không có tính khả thi, phản ánh trình độ và tinh thần trách nhiệm công chức và quy trình xây dựng văn bản trong các cơ quan quản lý nhà nước của nước ta hiện nay. Việc tổ chức triển khai thực hiện văn bản lại không đồng bộ và kỹ càng. Vì thế mỗi văn bản kiểu trời ơi đất hỡi như thế ra đời đều tạo nên sự va đập lớn vào cuộc sống thường ngày của người dân, gây ra những xung động tiêu cực không đáng có. Hình như các công chức này quên rằng theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải thì tính đến quý 1/2013, số xe máy đăng ký lưu hành trên thực tế đã hơn 37 triệu chiếc. Vậy mỗi văn bản không hợp lý trên ít nhất ảnh hưởng trực tiếp đến 37 triệu người đấy.

Vì vậy, xin hãy cẩn trọng hơn.

Nguyễn Đoàn