Ngăn lợi ích nhóm, dành cơ hội cho nhà đầu tư chân chính

Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư 2 dự án ven sông Hàn là dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng của Cty CP Quốc Cường Gia Lai và dự án Olalani Riverside Tower của Cty CP Mỹ Phúc, thống nhất điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng mở rộng không gian công cộng.

Ngăn lợi ích nhóm, dành cơ hội cho nhà đầu tư chân chính - 1

Thành phố Đà Nẵng và các chủ đầu tư thống nhất điều chỉnh quy hoạch, không xây nhà cao tầng ở hai dự án ven bờ đông sông Hàn

Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư 2 dự án ven sông Hàn là dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng của Cty CP Quốc Cường Gia Lai và dự án Olalani Riverside Tower của Cty CP Mỹ Phúc, thống nhất điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng mở rộng không gian công cộng. 

Cụ thể, bỏ toàn bộ nhà cao tầng trong quy hoạch của 2 dự án, xem xét hoán đổi các vị trí đất khác mà thành phố đang quản lý, phù hợp cho việc xây dựng nhà cao tầng cho các nhà đầu tư với nguyên tắc ngang giá.

Đây là một thỏa thuận để xử lý những vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án này. Nhà đầu tư cần triển khai dự án, địa phương cũng mong muốn như vậy, cho nên tìm tiếng nói chung là cần thiết.

Còn nội dung này có phù hợp hay không còn phải chờ ý kiến phản biện từ cộng đồng. Các địa phương đều có nhu cầu phát triển, muốn phát triển phải có nhà đầu tư lớn, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của địa phương, trong đó có người dân. Để cho các nhóm “thân hữu” dành mâm bát, còn người dân bị loại ra khỏi bữa ăn là điều không thể chấp nhận, nhưng cũng cần ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên tại hội thảo phản biện xã hội ngày 7.5 vừa qua: “Kết luận dừng dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như thế nào. Nếu không ai dám quyết định thì dự án sẽ ngưng trệ và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích phát triển còn nếu xem nó đối lập với lợi ích của người dân là phiến diện, lệch lạc và méo mó”.

Một số địa phương khác cũng có những dự án vướng mắc tương tự. Cái gọi là “lịch sử” để lại làm cho các nhà quản lý đương nhiệm đau đầu. Nếu như quyết định trước đó sai thì đó là trách nhiệm của người ra quyết định, không phải do doanh nghiệp, trừ trường hợp chứng minh có tiêu cực trong việc cấp phép đầu tư dự án. Và nếu cấm dự án tiếp tục triển khai thì thiệt thòi cho các nhà đầu tư, từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.

Có doanh nghiệp nào dám đến đầu tư ở một địa phương, mà ở đó ăn nói hai lời, hôm trước chấp thuận, hôm sau phải ngừng. Đồng tiền của nhà đầu tư bỏ ra liên quan đến lãi suất ngân hàng, chậm một ngày là thiệt hại một ngày. Để ngăn chặn tình trạng này, việc quan trọng là phải xử lý những người có trách nhiệm liên quan đến cấp phép dự án, nghiêm trị các nhóm lợi ích, trao cơ hội cho nhà đầu tư chân chính. 

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động