Ngăn chặn nạn trộm cắp!
Nạn trộm cắp ngày càng diễn biến phức tạp. Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho thấy, số vụ trộm cắp tài sản vẫn luôn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Tục ngữ có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc” có nghĩa khi người ta nghèo khó, cùng quẫn thì nảy sinh trộm cắp. Ngày nay, kinh tế - xã hội đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân qua đó cũng được cải thiện, song vấn nạn trộm cắp vẫn hoành hành gây nên nỗi ám ảnh cho người dân. Những tên trộm giờ đây không còn chỉ là những đối tượng nghèo khó, bần cùng mà thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, thậm chí là cả những người có tiền...
Tình trạng trộm cắp ngày càng có diễn biến phức tạp. Chỉ nói riêng vấn đề cướp giật; trộm chó, mèo; trộm xe máy, trộm gương ô tô; đột nhập vào nhà dân, vào cơ quan công sở để trộm cắp tài sản cũng đã quá nhức nhối cho xã hội.
Cũng không thể không lo lắng khi nguy cơ bị truy sát từ những vụ trộm cắp là rất cao. Đã có không ít vụ án mạng thương tâm xảy ra từ những vụ trộm cắp. Thậm chí cả gia đình nạn nhân bị kẻ trộm sát hại không thương tiếc đã từng xảy ra. Các đối tượng trộm cắp tài sản hoạt động với thủ đoạn tinh vi, manh động và liều lĩnh. Khi bị phát hiện, sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo chống trả lại quyết liệt để tẩu thoát. Ngoài ra, khi bị người dân phát hiện, truy đuổi, các đối tượng trộm cắp thường chạy xe với vận tốc rất cao nên cũng rất dễ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng không chỉ cho đối tượng mà còn đối với cả những người tham gia giao thông.
Trong một xã hội văn minh, bất luận thế nào cũng không thể để tồn tại nạn trộm cắp hoành hành. Càng không để hình ảnh của đất nước xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế bởi tệ nạn cướp giật, trộm cắp tài sản đối với du khách nước ngoài…
Cơ quan chức năng đã mở nhiều đợt trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp, cướp giật nói riêng. Tuy nhiên, loại hình tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho thấy số vụ trộm cắp tài sản vẫn luôn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ hàng gian, sản phẩm do phạm tội mà có vẫn có diễn biến phức tạp. Mặc dù Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 quy định rõ các biện pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm về các hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn gặp khó khi phải chứng minh và xử lý hành vi tiêu thụ hàng gian… Cả cơ quan chức năng và người dân đều biết đường đi của tài sản gian, tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn "bó tay" vì thiếu bằng chứng để buộc tội...
Thực tiễn cho thấy, người bán hàng gian nếu bị cơ quan chức năng triệu tập thì họ cũng chỉ cần khai báo rằng mình không biết đây là tài sản do người khác phạm tội mà có. Đó cũng chính là những kẽ hở của pháp luật dẫn đến việc nạn trộm cắp máy tính, điện thoai, xe máy, gương xe ô tô… vẫn cứ tiếp diễn. Người bị hại không khó để mua lại chính tài sản của mình bị đánh cắp và người bán những tài sản gian đó thì vẫn không hề hấn gì.
Nhằm hạn chế và loại trừ tội phạm trộm cắp, cướp giật… rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, lực lượng Công an cần phải có trách nhiệm lớn hơn nữa trong việc kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản. Cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý cư trú, việc quản lý, giám sát người có hộ khẩu ở nơi khác đến cư trú trên địa bàn là việc làm quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa tội phạm phát sinh. Cũng cần lưu ý, trong công tác quản lý địa bàn, chính quyền, đoàn thể, Công an cần bám sát địa bàn, khi phát hiện gia đình, cá nhân có suy nghĩ lệnh lạc, có nguy cơ phạm tội thì cần chủ động hoặc phối hợp với cơ quan liên quan để có giải pháp vận động, tuyên truyền, ngăn chặn ngay từ đầu.
Thiết nghĩ, cần tăng mức xử phạt hình sự (nâng mức phạt tù) đối với loại hình tội phạm trộm cắp, cướp giật nhằm hạn chế tội phạm, tái phạm. Thực tế đã có không ít đối tượng từng có tiền án, tiền sự về trộm cắp, cướp giật tài sản nhưng khi ra tù lại chứng nào tật đấy, "ngựa quen đường cũ", tái phạm trở lại. Một phần dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân là do mức xử phạt hình sự đối với tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Đặc biệt, để không tiếp tay cho tội phạm trộm cắp, cướp giật, cần sự nghiêm minh hơn của pháp luật đối với những hành vi tiêu thụ hàng gian, sản phẩm do phạm tội mà có. Hành vi tội phạm này luôn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. Không dừng lại là vật chất, giá trị tài sản bị đánh cắp, nhiều vụ việc còn liên quan đến cả sự an toàn về thân thể, tính mạng của người dân. Biện pháp xử phạt, răn đe đối với tội phạm trộm cắp cần phải nghiên cứu xem xét tính chất nguy hiểm của các vụ việc chứ không chỉ phụ thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt.
Để kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, yếu tố gia đình cũng là rất quan trọng. Không ai có thể quản lý, giáo dục con em sâu sát bằng chính phụ huynh, cha mẹ, ông bà trong gia đình. Nếu gia đình có ý thức sống tốt, chăm lo, giáo dục tốt thì nguy cơ phạm tội sẽ giảm đáng kể. Gia đình, những người có con em, người thân có dấu hiệu phạm tội, hay đã phạm tội cần mạnh dạn phát giác, thông báo, phối hợp với chính quyền, ngành chức năng trong công tác xử lý, khắc phục./.
Theo Khắc Trường
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
.