Ngăn chặn mối nguy hại lớn cho Đảng trước kỳ Đại hội
Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào thời điểm các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới cơ sở đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng được ví như “chiếc phanh cơ chế” để ngăn chặn mối nguy hại lớn cho Đảng, cắt đi mối “ung nhọt” gây nhức nhối dư luận về công tác cán bộ trong thời gian qua.
Nhân dịp này, PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có loạt bài bình luận, phân tích xung quanh Quy định số 205-QĐ/TW về việc “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Bài 1: Bắt đúng “bệnh” để đưa ra liều thuốc đặc trị
(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để lựa chọn được cán bộ tốt, cần phải loại bỏ đi những biểu hiện tiêu cực, những hành vi được coi là chạy chức, chạy quyền, những hiện tượng tham nhũng trong tất cả các khâu của công tác cán bộ.
Nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của việc tha hóa quyền lực, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, bởi nếu không sẽ làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.
Thực tế gây bức xúc, nhức nhối xã hội
Nhiều năm nay, nói về hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ trong xã hội đã lưu truyền câu vè: “Thứ nhất quan hệ. Thứ nhì tiền tệ. Thứ ba hậu duệ. Thứ tư trí tuệ”.
Câu vè này còn có một số dị bản như: “Thứ nhất tiền tệ. Thứ nhì hậu duệ. Thứ ba đồ đệ. Thứ tư trí tuệ”. Hoặc như: “Thứ nhất hậu duệ. Thứ nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư trí tuệ”… Điều đáng chú ý là ở tất cả các dị bản đó, trí tuệ đều bị xếp ở cuối bảng tổng sắp.
Đã nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác, cử tri cũng nêu lên những ý kiến, câu vè như vậy để chuyển tới các đại biểu Quốc hội nhằm tìm giải đáp.
Trên thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến không ít vụ việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định khiến dư luận hết sức bất bình. Bố ký quyết định bổ nhiệm con dù chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; chồng làm Cục trưởng ký quyết định quy hoạch vợ làm Cục phó. Cá biệt có trường hợp chưa làm việc ngày nào cũng được bổ nhiệm làm Vụ phó như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Hay có những cán bộ vi phạm chỗ này lại được đề bạt, luân chuyển sang chỗ khác với chức vụ cao hơn hay chí ít cũng ngang bằng. Nhờ mối quan hệ “thân hữu” mà những trường hợp trên được bổ nhiệm đầy “ưu ái” "nâng đỡ".
Xã hội cũng đã chứng kiến những “hoàng hôn” nhiệm kỳ với hàng loạt đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thậm chí còn thiếu nhiều tiêu chuẩn. Hay “chạy tuổi” nhằm kéo dài thời gian công tác, giữ chức vụ.
Cũng có những cán bộ trẻ chưa đầy 30 tuổi, rất thiếu vốn kiến thức chuyên ngành và thiếu cả kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, không thể bỗng chốc “nhảy phóc” lên tới chức vụ trưởng, cục trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh hay tổng giám đốc một tổng công ty có tới mấy nghìn cán bộ, công nhân viên. Có những cán bộ mới vào làm việc được ít năm nhưng đã được thăng tiến một cách “thần tốc” khiến dư luận bất bình.
Dư luận cũng có những phen “giật mình” với những con số được thống kê danh sách được cho là “cả họ làm quan” ở một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
Có thể là bằng tiền, có thể là bằng quan hệ và nhiều thứ khác nữa mà các bên cùng có lợi ích, một số cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền đã thao túng công tác cán bộ, bằng việc ưu ái, bổ nhiệm người nhà, người thân quen vào vị trí có nhiều lợi ích. Chưa khi nào tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay bổ nhiệm dựa vào “thân quen, cánh hẩu” lại trở nên đáng báo động như vậy và được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng ta chỉ đạo phòng, chống quyết liệt như hiện nay.
“Chạy chức, chạy quyền” tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm méo mó xã hội, khiến nhiều giá trị bị đảo lộn, làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), khi đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Việc “chạy chức, chạy quyền” là một bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức - cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.
Xác định rõ căn nguyên
Theo đồng chí Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ cũng vô cùng hệ trọng. Qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng khẳng định, sau 20 năm thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong công tác cán bộ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng thiếu chủ động, chưa quyết liệt, không kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nên hiệu quả thấp. Có lúc, có nơi chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, có trường hợp lợi dụng nguyên tắc để hợp thức hóa ý đồ, mục đích cá nhân. Thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong công tác cán bộ, nhất là của người đứng đầu chưa được phân định rõ nên khi để xảy ra sai phạm rất khó quy trách nhiệm. Công tác quản lý cán bộ chưa chặt chẽ, còn bộc lộ nhiều sơ hở, chủ yếu thông qua hồ sơ nên chưa nắm chắc cả quá trình công tác của cán bộ. Trên thực tế có không ít trường hợp khi cán bộ xảy ra sai phạm hoặc có đơn thư tố cáo, báo chí phanh phui, thậm chí vi phạm pháp luật thì cấp ủy quản lý cán bộ đó mới biết.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhận định, trong công tác cán bộ vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Vẫn có cán bộ năng lực hạn chế, vi phạm kỷ luật, không gương mẫu, để xảy ra mất đoàn kết hoặc không đủ thời gian công tác vẫn được bố trí vào chức vụ cao hơn. Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo vẫn xảy ra ở một số nơi, thậm chí xuất hiện khái niệm bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nhanh” "nâng đỡ" "ưu ái"... Công tác tuyển dụng cán bộ chất lượng hạn chế, chưa công khai, minh bạch, thậm chí một số nơi còn để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Những vấn đề nhức nhối đó đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.
Để giải quyết những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Bịt “lỗ hổng” trong công tác cán bộ
Trong thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu ban hành nhiều quy định để khắc phục những hạn chế, những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, trong đó, gần đây nhất là Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” (xem chi tiết) một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng ta nhằm ngăn chặn những mối nguy hại cho Đảng trước kỳ Đại hội. Bởi đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối nhất trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ qua.
Ngay sau khi ban hành Quy định đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng do Bộ Chính trị ban hành. Quy định nêu rõ khái niệm về quyền lực và kiểm soát quyền lực cũng như những tổ chức, cá nhân, nhân sự liên quan. Đây cũng là lần đầu tiên một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Qua đó phòng ngừa việc lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền lực trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ.
Quy định ban hành 15 điều, giải thích rõ các thuật ngữ, khái niệm và nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay. Đây là cơ sở cho các cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm trong công tác cán bộ.
Quy định cũng ban hành một số hình thức bổ sung mang tính chất răn đe như: Đưa ra khỏi quy hoạch, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Một trong những điểm nổi bật của Quy định là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét quy hoạch cũng như đề cao trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được coi là những vấn đề then chốt để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những góc tối nhất trong công việc “gốc” của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Dù rằng đó là công việc hết sức khó khăn và nhiều gian truân, nhưng trước mắt, việc ban hành Quy định này sẽ làm cho những người có ý định “chạy” và “được chạy” cũng sẽ phải chùn bước./. (còn nữa)