Bạn đọc viết:

Ngẫm về tâm linh & mê tín nhân mùa lễ hội

(Dân trí) - … Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường dẫn đến nhận thức sai lệch văn hoá tâm linh và các hoạt động văn hoá tâm linh. Do thiếu hiểu biết nên không ít kẻ lợi dụng để kiếm lợi, làm phá vỡ không gian văn hóa và sự thiêng liêng…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tâm linh

 

Đó là một bộ phận của văn hoá truyền thống không thể thiếu với người Việt, nhằm giáo dục các thế hệ con cháu và cố kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc, truyền thống. Tuy nhiên tâm linh và các hoạt động văn hoá tâm linh sẽ không đạt được mục đích cao đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của nó, nếu bị lợi dụng vào các mục đích thương mại hoặc bị tuyệt đối hoá đến mức mê tín, dị đoan.

 

Từ xa xưa, trong các hoạt động văn hoá truyền thống dân tộc, người Việt Nam (VN) đều có tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh (hoặc do nhà nước Trung ương tổ chức, hoặc do làng, xã tổ chức) theo những lễ nghi trang trọng, uy linh với sự tham gia một cách thành kính, tự nguyện của nhân dân.

 

Đó là Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ tế Trời, Đất, tế Thần, Thánh, tế Tổ tiên nhằm mục đích cầu cho quốc thái, dân an, cho con cháu hạnh phúc. Đó là việc thờ cúng tổ tiên, sửa sang đền miếu, xây đắp mồ mả vào các dịp tết Nguyên đán, các ngày giỗ tổ, giỗ ông, bà, cha, mẹ…

 

Thông qua những hoạt động văn hoá tâm linh đó, con người ta tự tu tâm, tích đức để trở nên tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn, hướng thiện hơn, bớt đi cái ác, cái xấu trong lòng. Ý nghĩa tích cực của các hoạt động văn hoá tâm linh được người Việt khai thác rất có hiệu quả vào việc giáo dục các thế hệ con cháu, cố kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc, truyền thống. Hoạt động văn hoá tâm linh đã trở thành một nhu cầu văn hoá lành mạnh, đầy tính nhân văn của người VN.

 

Hãy lấy tục thờ cúng tổ tiên của người Việt làm ví dụ. Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hoá tâm linh của người VN. Hầu như gia đình VN nào cũng có bàn thờ tổ tiên. Trong tâm thức của người VN, ông bà, cha mẹ, những người ruột thịt thân yêu của họ dù có “khuất bóng” nhưng không “mất”. Họ vẫn “sống” trong tình cảm tôn kính, yêu thương, nhớ nhung, gần gũi của người hiện tại.

 

Trong cái không gian thiêng và thời gian thiêng đó, từ sâu thẳm trong tâm hồn của con người, quá khứ và hiện tại bỗng giao hoà, giao cảm vào nhau, rất gần gũi, rất hiện hữu, không có cái cảm giác cách biệt. Chính sự rung cảm thiêng liêng đó đã góp phần tu chỉnh ý thức và hành vi của người đang sống sao cho tốt hơn, hoàn thiện hơn, tâm, đức trong sáng hơn, có tính nhân bản, nhân đạo, nhân văn hơn. Đó cũng là một động lực tinh thần đặc biệt để họ sống, phấn đấu, vươn lên những giá trị cao đẹp của cái Chân - Thiện - Mỹ mà tổ tiên họ, cha ông họ mong muốn.

 

Chính vì thế, những năm qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chăm lo đến việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, trong đó có các giá trị văn hoá tâm linh. Nhà nước và các địa phương đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để xây dựng các công trình văn hoá tâm linh như: tu tạo lại các đền, đình, chùa, nghĩa trang liệt sĩ,  tượng đài kỷ niệm, di tích lịch sử, di tích văn hoá. Tổ chức các nghi lễ tri ân các anh hùng dân tộc, các liệt sỹ. Tổ chức nhiều đoàn quy tập mồ mả và hài cốt liệt sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.

 

Nhân dân các địa phương cũng chung sức đóng góp tiền của để tu sửa, xây cất các nghĩa trang, các di tích lịch sử văn hoá của địa phương. Có những địa phương biết kết hợp giữa xây dựng các quần thể văn hoá tâm linh với xây dựng các cảnh quan du lịch, thu hút khách thập phương; kết hợp tổ chức nhiều lễ hội văn hoá - du lịch khá ấn tượng. Đó là những việc làm có ý nghĩa tích cực, cao đẹp, có tính giáo dục truyền thống rất cao, được lòng dân, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Mê tín

 

Tuy nhiên, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã và đang dẫn đến nhận thức sai lệch văn hoá tâm linh và các hoạt động văn hoá tâm linh. Do thiếu hiểu biết nên không ít kẻ lợi dụng để kiếm lợi đã làm phá vỡ không gian văn hóa và sự thiêng liêng. Dường như ngày nay người ta đến chùa, đến đền không thể quên một việc là cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Để mong được “phù hộ” có người đã chẳng ngần ngại đốt thật nhiều vàng mã, sắm lễ thật to, thậm chí người ta còn gài tiền thật ở khắp nơi, trên bàn thờ, khe cửa, gốc cây và ở cả  miệng sư tử đá… Rồi còn dám cả gan vay tiền thánh thần để “làm ăn” (!?)

 

Ðến Phủ Tây Hồ và đền Bà Chúa Kho vào những ngày đầu xuân, trong cảnh chen chúc lễ bái, đặt tiền,  râm ran tiếng cầu khấn mới biết sự lệch lạc, thiếu hiểu biết của không ít người.

 

Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” được người Việt suy tôn với ý nghĩa là bậc thần linh trừ tà, mang lại điều may mắn cho cộng đồng, chống tham quan và những điều xấu xa. Còn đền Bà Chúa Kho thờ tấm gương liệt nữ tận tâm, liêm khiết phục vụ quân lương trong kháng chiến chống quân xâm lược Tống thời nhà Lý. Có lẽ, không đời nào Mẫu Liễu Hạnh hay Bà Chúa Kho lại chấp nhận những lời cầu cúng và tiền bạc “hối lộ” nhằm thăng quan, tiến chức, tham nhũng, mưu lợi cá nhân, “buôn một, bán mười”, xin "lộc rơi, lộc vãi", “vay - trả” đầy thực dụng, sòng phẳng.

 

Chính nhận thức lệch lạc này đã tạo điều kiện cho tệ nạn buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan, bói toán có đất nảy nở khắp nơi. Ở một số địa phương, cơ sở mê tín dị đoan cứ ngang nhiên hoạt động, thậm chí có nơi còn được “tạo điều kiện” của chính quyền với cái mác “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” (???)

 

Vì thế vấn đề đặt ra là văn hoá tâm linh và hoạt động văn hoá tâm linh ở VN hiện nay cần phải được nhận thức và đối xử cho đúng.

 

Về mặt nhận thức, văn hoá tâm linh là một bộ phận của văn hoá truyền thống của dân tộc VN. Nó đã tồn tại hàng mấy nghìn năm, gắn với quá trình hình thành, phát triển của văn hoá dân tộc, góp phần tạo ra bản sắc độc đáo của văn hoá dân tộc VN. Có nhiều mặt tích cực không thể phủ nhận trên các bình diện: quốc gia (nhà nước), địa phương (làng, xã), gia đình, dòng họ.

 

Do vậy, thừa nhận có đời sống tâm lý tâm linh, có văn hoá tâm linh, có các hoạt động văn hoá tâm linh của cộng đồng và cá nhân. Nhưng cần lưu ý rằng bản chất tâm linh, hoạt động văn hoá tâm linh là tích cực, hướng thiện và nhân văn; nó không thừa nhận mọi suy nghĩ, hành vi, hành động trục lợi vị kỷ xấu xa, phản nhân văn. Chúng ta khuyến khích các hoạt động văn hoá tâm linh mang ý nghĩa tích cực, có ích cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức tốt đẹp của con người VN. Đồng thời kiên quyết phản đối các hành vi xuyên tạc ý nghĩa vì con người của văn hoá tâm linh.

 

Mặt khác, chúng ta cũng không nên tuyệt đối hoá tâm lý tâm linh, đời sống văn hoá tâm linh đến mức địa phương nào cũng cố tạo ra những hoạt động văn hoá gắn với hoạt động tâm linh để thu hút người tham gia với mục đích kinh tế. Có người còn tin tưởng mù quáng, thiếu cơ sở khoa học vào các hiện tượng tâm linh, say mê các sinh hoạt tâm linh không lành mạnh đến nỗi bỏ bê cả sự nghiệp, làm tổn hại thanh danh. Có dòng họ, có gia đình vì muốn tạo ra sự nổi tiếng, hơn người đã đổ không biết bao tiền của để xây lăng, mộ, làm nhà thờ, làm giỗ hoành tráng… gây lãng phí rất lớn trong lúc đời sống của nhân dân nói chung còn khó khăn nhiều bề.

 

Đó là các hành vi có thể coi là “phản văn hoá tâm linh”, cần bị phê phán.

 

Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể  thao  Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm