Bạn đọc viết:

Ngẫm về nghi thức tuyên thệ nhậm chức

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ B. Obama vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kì thứ hai. Một lễ tuyên thệ nhậm chức theo hiến định diễn ra trong 3 ngày từ 20-22/1/2013 với khoảng 800.000 người tham gia. Ngoài lễ chính thức còn có các cuộc diễu hành, các buổi dạ hội và nhiều hoạt động khác.

Giây phút ông B. Obama đặt tay lên 2 cuốn kinh thánh và tuyên thệ nhậm chức
Giây phút ông B. Obama đặt tay lên 2 cuốn kinh thánh và tuyên thệ nhậm chức 
 

Quả thực là một lễ nhậm chức hoành tráng, dù có tốn kém nhưng thật xứng với một nguyên thủ quốc gia. Hoành tráng vì lễ tuyên thệ được tổ chức như là ngày hội đặc biệt thu hút hàng triệu người dân Mỹ (cũng như đông đảo người dân thế giới) quan tâm, vì Tổng thống được cử tri Mỹ bầu ra một cách gián tiếp.

 

Một lễ tuyên thệ được tổ chức như thế khiến cho người tuyên thệ ý thức sâu sắc hơn danh dự và trách nhiệm của mình đối với đất nước, còn người chứng kiến là quan chức cùng toàn dân thì hi vọng, đặt niềm tin vào người đứng đầu nhà nước và giám sát việc thực thi lời tuyên thệ của ông ta. Rõ ràng đây là một hoạt động chính trị - văn hóa có nhiều ý nghĩa, có tác dụng tích cực, không phải là sự phô trương, danh hão.

 

Nhân nói chuyện xứ người,  lại nghĩ đến chuyện xứ mình. Cha ông ta từ xa xưa cũng đã có văn hóa tuyên thệ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc (Lời thề tuyên thệ, Lao động cuối tuần số 46) cho biết, dấu tích huyền thoại về những lời thề trang nghiêm còn in trên cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh nơi Đất Tổ. Vua Lý Thái Tông là người đầu tiên quy định việc tuyên thệ như một lễ thức của triều đình. Hằng năm vua cùng quần thần đến đền Đồng Cổ (nay ở địa bàn phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ) - nơi thờ một chiếc trống đồng cổ -  để cùng nhau phát thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh sẽ tru diệt”.

 

Lễ thức này được duy trì qua nhiều triều Vua đời Lý và sang cả đời Trần. Thời Lê có  “Hội thề Lũng Nhai” (Chí Linh) - buổi đầu hào kiệt tụ nghĩa tôn Lê Lợi làm minh chủ nổi dậy khởi nghĩa chống giặc Minh. Trước lúc xuất quân thần tốc kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung cũng đã có buổi “thệ sư” ở Thọ Hạc (Thanh Hoá). Sử sách còn ghi lại rằng: “(Nguyễn) Huệ chưa dứt lời, chư quân ran như sấm, rung động cả hang núi, trời đất đổi màu”.

 

Truyền thống lấy lời thề thể hiện ý chí, khích lệ nhân tâm tồn tại mãi về sau. Tháng 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trước toàn thể đại biểu dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào. Rồi lời thề Độc lập vang dậy trên Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vang vọng trên khắp mọi miền đất nước trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nửa cuối thế kỉ trước.

 

Thế rồi theo năm tháng, không hiểu sao những lễ tuyên thệ ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là tuyên thệ nhậm chức. Nhân sự được bầu ra hay bổ nhiệm chỉ có cái lễ khiêm tốn đến hình thức là ra mắt trước tập thể và phát biểu cảm tưởng. Cử tọa chưa kịp định hình thì vù cái, màn ra mắt đã xong, những lời hứa hẹn hầu hết tan vào hư không, chẳng để lại dấu ấn gì. Chức quyền bây giờ lại còn bị nạn buôn quan bán chức lũng đoạn, càng làm cho nhiều con người ta ngộ nhận nó là của riêng mình, có lẽ vì thế cho nên có nhiều người nghĩ rằng cần gì phải tuyên thệ ? Song đặc quyền, đặc lợi, tư duy nhiệm kì (theo tôi nghĩ) cũng từ đó mà ra. Danh dự và trách nhiệm lại trở thành những mĩ từ thường chỉ làm đẹp cho lời nói.
 
Tôi nghĩ, tuyên thệ nhậm chức tuy không phải là chuyện quốc gia đại sự, nhưng nó là văn hóa, đã có gốc rễ trong truyền thống dân tộc. Vì vậy rất cần được tổ chức lại một cách bài bản, nghiêm túc, nhằm nâng cao quan trí, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, cậy quyền; hướng tới một nền hành chính minh bạch, hiệu quả.

 

Nguyễn Duy Xuân
(Lê Thị Riêng, Buôn Ma Thuột)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm