Ngẫm về lương “khủng” và sân chơi chưa công bằng
(Dân trí) - So sánh nhiều khi rất khập khiễng. Vẫn biết thế nhưng ai mà cầm lòng cho đặng trước những thông tin trái ngược như doanh nghiệp thì làm ăn chẳng ra sao, thậm chí toàn kêu lỗ, nhưng lương các sếp vẫn chót vót. Bất chấp cảnh nhiều doanh nghiệp tư chết như ngả rạ???
Hiện thực thật, hiện thực ảo
Nói như Son sonha@yahoo.com tuy khó nghe, nhưng cũng có phần đúng khi trắng - đen rõ ràng, phân minh:
“Đúng là comment theo kiểu ghen ăn tức ở… Mọi người chỉ biết lên án, nhưng có ai hiểu hết quy chế trả lương của các công ty này hay không? Người ta làm có lãi, sau khi đã nộp thuế và ngân sách nhà nước rồi thì phần còn lại dùng làm quỹ lương và tái xây dựng cơ bản, đầu tư cho các hoạt động của công ty. Đâu có gì là sai?”
Song cách đặt và lý giải vấn đề như của Đinh Đức ducdx.bic30@gmail.com có lẽ cân đối và hài hòa hơn:
“Theo tôi, không nên so sánh lương các đơn vị, cá nhân với nhau. Công ty nào ăn nên làm ra thì lương họ cao là dĩ nhiên. Có làm mới có ăn chứ, không lẽ làm ăn được mà không cho họ phần thưởng xứng đáng là vô lý! Nhưng còn những công ty, đặc biệt là công ty nhà nước, làm ăn thua lỗ mà công chức lương cao, sống như tiên là cần xem xét lại, kiểm điểm lại, Anh không tạo nên lợi nhuận mà lương anh lại cao, vậy tiền lấy đâu để trả anh?? Cái này không tham nhũng và làm hao hụt tiền nhà nước, tiền của nhân dân mới lạ! Cho nên lương cao là điều đáng mừng và thật vui nếu thành quả của họ xứng đáng với đồng lương đó!”
Nguyễn Tú hugotheky@yahoo.com liên hệ giữa lương với năng lực:
“Lương như vậy đối với lãnh đạo của những tập đoàn hoặc tổng công ty như thế chưa phải là lớn, cái quan trọng là những người quản lý có đủ năng lực giúp cho công ty đó phát triển bền vững không? Lãnh đạo ở trên nữa có giám sát được các cán bộ lương cao này không mới là quan trọng và người dân mới được nhờ”.
Minh minh@gmail.com cũng vạch rõ:
“Nếu họ làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ và có lãi thì lương cao đâu có sao. Nhưng nếu luôn tìm cách lấy hết ưu đãi này, ưu đãi khác. Miệng thì nói là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc nhưng kinh doanh thì thua lỗ mà lương lại cao, rồi còn giành cho mình bao nhiêu đặc lợi khác như độc quyền, thì mới đáng phê chứ”.
Nguyễn Văn Nghề nghe@yahoo.com nhấn mạnh:
“Nếu công ty của họ làm ăn có lãi, nộp ngân sách đầy đủ theo đúng quy định của nhà nước thì lương họ bao nhiêu quan trọng gì. Tập đoàn nào, công ty nào lỗ mà cán bộ lương khủng thì phải xem xét nghiêm túc, thậm chí phải truy tố mới đúng!”
Lương, lậu trên bình diện sân chơi
Chắc chắn là khi các sếp được hưởng mức lương cao như vậy, trong khi tình hình làm ăn ở nhiều doanh nghiệp quốc doanh của chúng ta qua thể hiện thực tế thường là hoàn toàn ngược lại, thì dân không chất vấn, không đặt dấu hỏi nghi ngờ và nói tóm lại là không phục mới lạ. Thậm chí, nhiều người “ở trong chăn mới biết…” còn cung cấp cả danh sách dẫn chứng + so sánh rất đa dạng và phong phú về nghịch cảnh: Kẻ (làm ảo) ăn không hết, người (làm thật) lần chẳng ra.
“Theo tôi, sai trái không phải ở lương cao hay thấp, mà ở chỗ họ ăn rất nhiều tiền lương nhưng làm thì chả ra gì, không xứng đáng với những gì họ được hưởng. Tôi ủng hộ việc lương cao ở các tập đoàn nhà nước, nhưng những cán bộ nhân viên ở đó nên làm gì để cầm đồng tiền cho đỡ xấu hổ với dân. Họ được rất nhiều ưu đãi, nhưng kết quả thì thường là… chả có gì. Cuối cùng khi họ thua lỗ, mất mát tài sản, dân lại phải còng lưng đóng thuế trả nợ cho họ” - Sang: nolucvtl@yahoo.com
“Tôi thấy đây lại thêm một minh chứng cho động cơ vì lợi ích nhóm. Một công chức trình độ một đến hai bằng cử nhân không chức, hoăc tiến sĩ không chức quyền mà chỉ làm chuyên môn mấy chục năm thì khi nghỉ hưu chỉ hưởng lương có hơn 4 triệu đồng/ tháng. Một năm không trình diện kịp hai lần do nằm viện hay đi thăm con cái ở xa là bị cắt. Lương như thế ở HN hay SG tiêu dè xẻn chỉ được 10 đến 15 ngày là sạch túi. Ốm đau nằm viện, thuốc thang làm thế nào?” - Nhà báo Trần Định: dinhtx121147@gmail.com
“Lương khủng, nhưng họ không chỉ có lương mà còn lậu. Lậu thường gấp nhiều lần lương. Lậu được các thư ký ký thay, lậu được các hợp đồng thối lại... Và lậu do nhận người, do mua bán lòng vòng... Lậu này ăn ngon, không dấu vết và tất nhiên không phải đóng thuế” – Thai Binh: thaibinh12@gmail.com
“Vì được hưởng độc quyền dành cho những doanh nghiệp "có giấy phép", "đủ điều kiện" mới được xuất khẩu gạo, được "hỗ trợ mua lúa tạm trữ"... Chứ cạnh tranh bình đẳng thì lại như mấy Vina. đang ngắc ngoải thôi. Chỉ nông dân trồng lúa là khổ vẫn hoàn khổ … tất cả đều do chính sách không hợp lý mà ra” - Ban doc: bandoc@yahoo.com
“Lương cao như vậy nên mọi người biết nông dân VN khổ như thế nào rồi, tại sao luôn là cảnh được mùa rớt giá…. Mấy ông thu mua này lấy tiền thuế do nông dân nộp, mua lại lúa của nông dân trồng rồi đem đi bán lấy tiền chia lương…. Theo tôi, nên trả lương mấy ông đó bằng 200 kg lúa/tháng để biết mình có lương cao do đâu, từ nguồn nào. Bác Hồ nói quả không sai: Ở đâu người nông dân cũng khổ như nhau…” – Quang Hung VKS: quanghungvks@yahoo.com.vn
“Đây là một sân chơi không công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Bởi DNNN kinh doanh bằng vốn của nhà nước và cũng là vốn của toàn dân đóng góp qua thuế. Nhưng lời thì họ chia nhau hưởng với mức lương khủng, còn thua thì nhà nước chịu. Căng lắm thì phê bình khiển trách mà thôi, trong khi đó họ được ưu tiên đủ thứ. Còn DNTN thì phải tự xoay vốn, lời thì ăn lỗ thì phải tự chịu, mà các nghĩa vụ đối với nhà nước là như nhau. Đề nghị Chính phủ xem lại vấn đề tiền lương, thưởng của các doanh nghiệp và tổng công ty nhà nước sao cho hợp lí. Không thể có sự chênh lệch quá lớn tỉ lệ nghịch với hiệu quả làm việc như vậy được” - Vũ Quang Hoàn: quanghoanvu@yahoo.com
Tóm lại, kêu thì vẫn kêu, nhưng điều mà mọi người dân đều mong đợi đã lâu tương tự như Do Dung trai_hanoi_haohoa101@yahoo.com.vn nêu: “Đã đến lúc VN cần phải có một chiến lược thực sự về nhân sự”, thì có lẽ lại vẫn chỉ là… mục tiêu “ảo”???
Kiều Anh